Tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển

(NTO) Tỉnh ta hiện có 2.115 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, với tổng vốn đăng ký 14.423 tỷ đồng. Nhìn chung, các DN hoạt động khá ổn định, ngoài việc góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

“Trải thảm” chính sách cho DN

Có thể nói, từ khi tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện các chủ trương ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư thì hoạt động của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều khởi sắc cả về phát triển số lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 1.272 DN đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới, với tổng vốn trên 8.230 tỷ đồng. Riêng trong quý III-2015 (thời điểm Luật DN có hiệu lực từ ngày 1-7-2015), số DN thành lập mới tăng rất cao, với 118 DN, tổng vốn đăng ký 523,3 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

 
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận sản xuất trong chuyền may hiện đại. Ảnh: Văn Miên

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Việc “trải thảm” chính sách cho DN đã được tỉnh ta thực hiện từ nhiều năm nay. Từ năm 2009 đến nay, ngoài việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khâu đăng ký kinh doanh, tỉnh ta còn ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ đổi mới, nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho các DN. Bên cạnh đó, một số chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho DN theo các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ cũng được tỉnh ta chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời. Qua đó, góp phần giúp các DN trên địa bàn tỉnh giảm bớt một phần khó khăn về tài chính để tiếp tục duy trì phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài các chính sách ưu đãi kể trên, tỉnh còn tạo điều kiện cho 211 DN được thuê đất, với tổng diện tích 1.360ha; trong đó, có 9 DN được miễn tiền thuê đất với diện tích 8ha. Ngoài ra, một số DN còn được các ngân hàng cấp vốn cho vay, với tổng số tiền trên 177,1 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa của tỉnh bảo lãnh cho 4 DN vay 20 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho vay 263 hợp đồng tín dụng/106,1 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 124 hợp đồng tín dụng/3,99 tỷ đồng... Không những vậy, tỉnh còn ưu tiên, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong tiếp cận thông tin về thị trường, giới thiệu sản phẩm và quảng bá thương hiệu thông qua các hội chợ thương mại và trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nhờ đó, sau khi đăng ký thành lập đi vào hoạt động, đa số các DN hoạt động có hiệu quả, từng bước khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Không những vậy, trung bình mỗi năm, các DN còn đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương chiếm khoảng trên 65% phần thu nội địa và giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 22.000 lao động của tỉnh.

 
Chế biến đá granite. Ảnh: Thanh Long

Cơ hội mới cho DN phát triển

Năm 2016 là năm có hàng loạt các luật liên quan đến thể chế kinh tế thị trường, như: Luật DN sửa đổi; Luật Đầu tư sửa đổi... đã được ban hành và có hiệu lực. Điều đó cho thấy, thể chế kinh tế của Việt Nam bước đầu đã đạt được những nền tảng quan trọng, bởi các bộ luật này ra đời, đều tiếp cận theo hướng tích cực, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho cả nền kinh tế phát triển, trong đó có hệ thống DN.

Ở tỉnh ta, nắm bắt cơ hội này, nhiều chính sách mới cũng đã được ban hành. Cụ thể, cuối tháng 5-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2235/KH-UBND tiếp tục hỗ trợ DN nhỏ và vừa, giai đoạn 2016-2020, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của DN; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho DN; hỗ trợ DN tiếp cận về tín dụng, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phát triển DN khu vực nông thôn; đẩy mạnh công tác trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức giúp DN phát triển. Phấn đấu đến năm 2020, đưa số DN đăng ký thành lập mới hàng năm trên địa bàn tỉnh tăng bình quân từ 13-15%; tỷ lệ thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối DN chiếm khoảng 68-70% trên tổng số thu nội địa và đưa tổng giá trị gia tăng của khu vực DN chiếm từ 28-30% GDP của tỉnh.

Công ty Cổ phần rau câu Sơn Hải chế biến rong sụn tại huyện Thuận Bắc. Ảnh: Văn Miên

Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, theo đồng chí Phạm Đồng, thời gian tới, ngoài việc thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải cách chính sách theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, nhằm giảm chi phí cho DN, tỉnh còn nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước để siết chặt kỷ luật trách nhiệm, đưa DN vào trật tự hoạt động mới. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đồng hành, chia sẻ và tạo mọi thuận lợi trong điều kiện có thể như: Thực hiện chính sách hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm; tập trung triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-DN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực đất đai, thuế..., giúp các DN vượt qua khó khăn. Đối với cộng đồng DN, tỉnh khuyến khích cần xác định đúng vị trí, vai trò, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai phù hợp với điều kiện của DN mình. Chấp hành tốt quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động... Các DN cần có sự liên minh, liên kết và phải xác định được chữ “tín” để xây dựng thương hiệu riêng cho mình, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, sát với nhu cầu của DN, của tỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động của DN, đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.