Nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh do virút Zika

(NTO) Trước tình hình diễn biến phức tạp của virút Zika, được cho là có liên hệ mật thiết đến bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại một số nước trên thế giới và nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành Y tế các địa phương tăng cường các biện pháp chủ động phòng ngừa. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh và loại virút này, Phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với Bác sỹ Lê Trọng Lưu, Phó Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế).

Bác sỹ Lê Trọng Lưu
Phó Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế).

Phóng viên: Bác sỹ có thể cung cấp một số thông tin cần thiết giúp người dân hiểu rõ hơn về virút Zika và sự nguy hiểm của loại vi rút này?

Bác sỹ Lê Trọng Lưu: Virút Zika là một trong những loại virút thuộc họ virút Flaviviridae, được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 trên một loài khỉ ở Uganda, vào năm 1948 được phát hiện trên muỗi Aedes-loại muỗi sinh sống phổ biến ở Châu Phi, Châu Á và được xem là loại muỗi truyền bệnh.

Virút Zika lây lan rất nhanh, hiện đang hoành hành mạnh ở Châu Mỹ, tâm dịch là các nước Mỹ Latinh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đến nay, thế giới ghi nhận 31 quốc gia và vùng lãnh thổ có trường hợp nhiễm virút Zika, trong đó bệnh lây lan nhanh tại các nước như Brazil, Mexico, Colombia. Đặc biệt, vừa qua đã ghi nhận được một số trường hợp nhiễm bệnh rải rác tại Thái Lan, Indonexia… Có đến 80% người nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu có thường có các biểu hiện như sốt, nhức đầu, phát ban, đau cơ, khớp, viêm kết mạc mắt… Tuy nhiên, điều lo ngại nhất chính là các biến chứng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Virút Zika được cho là nguyên nhân làm đầu trẻ không phát triển bình thường, hay còn gọi là bệnh đầu nhỏ và hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh do người mẹ bị nhiễm vi rút trong quá trình mang thai.

Nước ta hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và lây lan là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đồng thời trong nước đang lưu hành muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, đây cũng là loại muỗi truyền virút Zika. Ngoài ra, một số nước lân cận đã ghi nhận được các trường hợp nhiễm virút Zika nên nguy cơ Zika xâm nhập và lây lan ở nước ta là rất lớn.

Phóng viên: Trước sự nguy hiểm và nguy cơ lây lan của virút Zika, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thế nào? Ngành Y tế đã chuẩn bị gì cho công tác phòng ngừa, ứng phó khi có dịch?

Bác sỹ Lê Trọng Lưu: Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên người dân cần thực hiện tích cực các biện pháp phòng bệnh như sau: Hạn chế đi tới các vùng đang có dịch khi không cần thiết, nhất là phụ nữ đang mang thai. Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin về tình hình dịch bệnh nơi đến để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phù hợp cho bản thân.

Đối với người về từ vùng dịch phải tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 12 ngày. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt, phát ban, kèm theo viêm kết mạc mắt, đau khớp, đau cơ, đau đầu phải thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Người dân cần đặc biệt lưu ý phòng tránh muỗi đốt. Muỗi Aedes đốt người vào ban ngày, nhiều nhất là vào sáng sớm và chiều tối nên cần chú ý phòng tránh muỗi đốt vào những thời điểm này. Ngoài ra cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; diệt muỗi, lăng quăng bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh như chai lọ, mảnh chai…

Khi có các biểu hiện của bệnh như đã nói ở trên, cần đến ngay cơ sở y tế để khám nhằm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đang tăng cường theo dõi giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng. Tổ chức lấy mẩu xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm ngay từ những trường hợp mắc bệnh đầu tiên nhằm xử lý và khống chế kịp thời. Phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng trong cộng đồng. Ngoài ra, ngành Y tế sẵn sàng các nguồn lực cho thu dung, điều trị khi đáp ứng khi có dịch xâm nhập.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sỹ!