Mục tiêu, quan điểm cải cách tư pháp

(NTO) Trong những năm qua, công cuộc cải cách tư pháp (CCTP) đã được các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả bước đầu. Nhận thức của toàn xã hội, của các cấp, các ngành và của Nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều chuyển biến tích cực.

Chất lượng hoạt động công tác tư pháp ở các tất cả các khâu bắt, giam, giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, cũng như các hoạt động bổ trợ tư pháp có nhiều tiến bộ, không để xảy ra việc làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ CCTP đang đứng trước nhiều thách thức. Tình hình phạm tội diễn biến phức tạp, với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Các khiếu kiện hành chính, các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động có chiều hướng tăng về số lượng và phức tạp hơn. Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thật sự là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm.

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020 xác định mục tiêu của CCTP là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

Về quan điểm CCTP:

Một là, CCTP phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị, bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Hai là, CCTP phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; gắn với đổi mới công tác lập pháp, cải cách hành chính.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình CCTP. Các cơ quan tư pháp, cơ quan bổ trợ tư pháp phải đặt dưới sự giám sát của các cơ quan dân cử và Nhân dân.

Bốn là, CCTP phải kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế; đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai.

Năm là, CCTP phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với những bước đi vững chắc.

Với những mục tiêu, quan điểm trên, cùng với việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp trong tình hình mới sẽ thúc đẩy công cuộc CCTP ở nước ta trong thời gian tới vượt qua những thách thức, để phục vụ đắc lực, hiệu quả hơn sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.