Chuyện lì xì và quà Tết

(NTO) Tết chưa đến nhưng cô bạn cùng học phổ thông ngày nào đã a lô: Này, bà nhớ dành phần đổi cho tôi tiền mới lì xì nhé. Chẳng là tôi có em gái làm bên ngân hàng thương mại, năm nào cô ấy cũng giúp đổi cho ít tiền mới để mừng tuổi.

Nghe bạn mình lo xa chuyện tiền mừng tết, cô chọc vui: Chuyện quà biếu tết không lo, lo chi chuyện vặt? Ừ, bà đúng là “âm lịch”, bữa nay dịch vụ đổi tiền Việt để lì xì tết lãi suất tươi (tiền lãi nhận liền) mười phần trăm nhé, tiền hai đô (tiền giấy 2 USD) năm mươi phần trăm. Bà cộng tác với mấy đứa bạn thân ở nước ngoài rồi làm “show” đổi tiền đủ trang trải tết cũng nên. Nghe bạn nói mới vỡ lẽ, mình lo làm chuyện công ích, còn hắn thì quá bén với “kinh tế tết…”!

“Tám” với đứa bạn xong, cô mới giật mình. Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết, lại nghe nói ngân hàng không phát hành tiền mới phục vụ nhu cầu lì xì. Như cái máy, vội điện thoại cho em gái: Em nhớ giúp chị đổi tiền mới nhiều nhiều nhé…! Chuyện tiền mới lì xì đổi được ít hay nhiều coi như tạm ổn, nhưng còn quà tết thì sao đây? Cả hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, thu nhập từ tiền lương không có khoản gì khác, thưởng tết của cơ quan chỉ mang ý nghĩa tinh thần. Thôi thì bàn với ông xã: Này, năm nay mình có bớt được “mối” (mối quan hệ tặng quà) nào không? Anh ôn tồn cho biết: Chỉ có thêm chứ bớt sao được, mình càng làm việc lâu năm thì anh em, bạn bè càng nhiều, mà “có đi có lại” cái nghĩa tình là chính, em lo làm gì. Khổ nỗi không lo sao được, miếng bánh (tiền lương) thì có hạn, nào nội, ngoại, cấp trên, bạn bè thân quen… tính sơ sơ thấy ngân quỹ “âm” rồi. Tiền thì còn xoay xở mượn được nhưng mua gì, tặng gì để người nhận vừa lòng thì thật chẳng dễ chút nào, bởi Tết ai ai cũng chuẩn bị riêng cho gia đình đầy đủ rồi.

Thấy khó, nên cô đem chuyện lì xì, quà tết vào nghị sự chương trình “cafe sáng” của nhóm bạn “biết tuốt” nhờ tư vấn mới thấy họ còn lúng túng hơn mình. Anh "tổng đạo diễn" chương trình cho biết: Chuyện lì xì mừng tết theo truyền thống nay xưa rồi. Phong bao lì xì thời nay không chỉ là biểu tượng của may mắn, của phước đức mà còn bao hàm sự trả ơn, kiểu đầu tư làm quen, đầu tư lâu dài…nó phụ thuộc vào giá trị bên trong (tiền Việt, đồng USD, ngân phiếu, chìa khoá xe….). Đó chỉ là dư luận, đúng sai thế nào chỉ thực tiễn mới phán xét, nhưng có lẽ thời buổi kinh tế thị trường đã góp phần làm biến dạng phong tục truyền thống lì xì, tặng quà ngày Tết. Vậy nên không chỉ con trẻ mong Tết đến để được lì xì, mà người lớn giờ cũng chờ đón lì xì Tết. Chuyện quà biếu, quà tặng vì thế cũng "tát nước theo mưa". Lẵng quà, giỏ quà to hay nhỏ người nhận không quan tâm, cái phong bì thiệp chúc tết mới quan trọng bởi cũng giống như phong bao lì xì vậy. Thế nên mới có chuyện bi hài: Trẻ nhỏ nhận lì xì chê người này khen người kia, người nhận quà biếu tết mặt tươi như hoa hay nhăn nhó khó chịu… Và rồi ngày Tết đến thăm hỏi chúc tụng nhau đầu năm người được chủ nhà đón như thượng khách, người họ buộc phải tiếp cho xong…!?

Câu chuyện lì xì và quà Tết trên đây hết sức bình thường ở mỗi làng quê, thành thị, các cơ quan, doanh nghiệp… Cái được cũng có, nhưng mặt trái của nó thì đang gặm nhấm làm xói mòn văn hoá tết tốt đẹp của dân tộc. Để trả lại nét đẹp thuần Việt về Tết thì việc lì xì, tặng quà Tết, ngoài sự điều chỉnh của nhà nước, việc vận động toàn dân xây dựng nếp sống văn minh của các đoàn thể thì rất cần mỗi cá nhân đề cao lòng tự trọng để việc lì xì, tặng quà Tết thực sự kết nối tình người, là nghĩa cử cao đẹp đối với những mảnh đời bất hạnh, người có hoàn cảnh khó khăn để dịp Tết đến, Xuân về thực sự là ngày hội, là niềm vui sum họp đầm ấm, hạnh phúc của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.