Ngành Tài nguyên và Môi trường: Với 7 nhóm giải pháp chủ yếu cho năm mới 2016

(NTO) Trong năm 2015, với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo Sở, sự cố gắng, tích cực và quyết tâm của cán bộ, công chức, người lao động; Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu và tổ chức thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực chuyên ngành được Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Qua đó, tạo nguồn động lực để toàn ngành bước vào năm mới với khí thế mới.

Đồng chí Bùi Anh Tuấn
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Năm 2016 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm (2016-2020), là năm có ý nghĩa quan trọng của kế hoạch 5 năm (2016-2020). Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định những nhiệm vụ và các nhóm giải pháp chủ yếu để chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao. Cụ thể như sau:

1. Lĩnh vực đất đai: Hoàn thành việc Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020. Xây dựng hệ số điều chỉnh bảng giá đất áp dụng năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Triển khai công tác Thống kê đất đai năm 2015 theo đúng thời gian quy định. Tiếp tục tổ chức kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời đối với các dự án đã giao đất nhưng chưa triển khai, triển khai chậm tiến độ theo đúng quy định pháp luật. Thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho tổ chức đảm bảo đúng thời gian và quy định của pháp luật. Thẩm định hồ sơ bồi thường và tập trung triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường luôn gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để nâng cao hiệu quả công việc. Ảnh: V.M

2. Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản: Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động 113-CTr/TU ngày 27-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 25-4-2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản 2016. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh.

3. Lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thực hiện tốt công tác tiếp dân; phấn đấu giải quyết trên 95% số đơn thuộc thẩm quyền. Tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2016; thanh tra, kiểm tra đột xuất. Tiếp tục thực hiện công tác pháp chế; công tác kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và góp ý các dự thảo văn bản pháp luật.

4. Lĩnh vực môi trường: Triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đánh giá sức chịu tải của Sông Cái Phan Rang và hạn ngạch xả thải vào Sông Cái Phan Rang; Báo cáo hiện trạng môi trường làng nghề tỉnh Ninh Thuận năm 2016. Phối hợp tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và các cuộc kiểm tra định kỳ theo kế hoạch. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp”; Nghị quyết của Chính phủ một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Quy hoạch mạng lưới quan trắc; Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; các giải pháp khắc phục nhiễm mặn tại đồng muối Quán Thẻ.

Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực tế tại mỏ cát Đạo Long 1.

5. Lĩnh vực đo đạc bản đồ: Tổ chức kiểm tra, nghiệm thu các công trình xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính; kiểm tra, thẩm định các phương án trích đo phục vụ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

6. Lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu: Triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn 2015 - 2016 do ảnh hưởng hiện tượng Elnino trên địa bàn tỉnh; cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Thuận; tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thẩm định trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép về lĩnh vực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn kịp thời, đúng quy định. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.

7. Lĩnh vực biển: Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định ban hành quy chế phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên và môi trường biển, hải đảo năm 2016 cho các địa phương ven biển.

8. Lĩnh vực công nghệ thông tin: Triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin năm 2016. Nâng cấp, mở rộng phần mềm từ điển pháp luật tài nguyên và môi trường đối với tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; nâng cấp, bổ sung dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với lĩnh vực đất đai và môi trường. Duy trì, nâng cấp Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đối thoại với nhân dân huyện Ninh Sơn về công tác quản lý về tài nguyên, môi trường.
Ảnh: Nguyễn Sơn

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2016, cần tập trung chỉ đạo và thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, các chương trình hành động, văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức triển khai các quy định pháp luật, Nghị quyết của Đảng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tranh thủ sự hỗ trợ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế về vốn và công nghệ.

Thứ hai, duy trì thực hiện hội ý đầu tuần, giao ban với phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện hàng tháng, làm việc với UBND cấp huyện hàng quý. Tăng cường sự chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ kịp thời về chuyên môn nghiệp vụ cho cấp huyện; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; giải quyết tranh chấp đất đai tại cấp huyện nhằm giúp UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch của ngành trong năm 2016.

Thứ ba, Thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân và doanh nghiệp; chỉ đạo quyết liệt để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ cấp cơ sở và của doanh nghiệp. Đảm bảo thực hiện đúng thời gian các nhiệm vụ UBND tỉnh giao, trường hợp không đúng tiến độ phải có báo cáo giải trình hoặc xin gia hạn.

Thứ tư, xây dựng và nhân rộng các mô hình mới phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường, tăng cường công tác phối hợp với các ngành có liên quan để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; tiếp tục triển khai thực hiện các quy chế phối hợp đã ký kết.

Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các sáng kiến trên các lĩnh vực quản lý của ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, duy trì và cải tiến hoạt động của trang Web; tạp chí Tài nguyên và Môi trường trên sóng NTV.

Thứ sáu, Phối hợp với địa phương và các ngành để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ tại cấp huyện và xã và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường.

Thứ bảy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ nganh và gắn công tác cải cách hành chính, thực hiện kỷ luật, kỷ cương với công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật.