Gia Hoa mùa xuân mới

(NTO) Chúng tôi làm cuộc “hành hương” về thăm vùng căn cứ kháng chiến cũ thôn Gia Hoa, thuộc xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn. Ít ai ngờ giữa vùng núi non trùng điệp trên đỉnh Hòn Bà có một làng quê đồng bào dân tộc Raglai. Tuyến đường huyết mạch từ thôn Ú lên Gia Hoa dài 9,5 cây số được Nhà nước đầu tư gần 60 tỷ đồng “cứng hóa” tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thông thương với miền xuôi.

Đổi mới trên vùng kháng chiến cũ

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đến với Gia Hoa là một bản làng đầm ấm giữa không gian rẻo cao. Liền kề những ngôi nhà mái tole vách ván sẫm màu thời gian là những ngôi nhà ngói mới xây kiên cố, khang trang. Trên các mái nhà lấp loáng ăng-ten bắt sóng truyền hình. Hệ thống nước tự chảy trong vắt dẫn đến các khu dân cư phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trường học được xây dựng kiên cố. Trước các hiên nhà vàng tươi màu bắp lai vừa mới thu hoạch vụ mùa 2015.

Chúng tôi tìm gặp già làng Katơ Siêu để được nghe ông kể về chuyện bà con chung tay xây dựng buôn làng sau 40 năm định cư trên rẻo cao Hòn Bà. Ông có nhiều năm làm Bí thư Chi bộ thôn, am hiểu tình hình địa phương, được bà con suy tôn người cao tuổi uy tín của buôn làng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân Gia Hoa một lòng theo Đảng, tin yêu Bác Hồ, kiên cường bám trụ chiến khu Anh Dũng cùng cán bộ, bộ đội chiến đấu bảo vệ rừng, giải phóng quê hương. Sau ngày thống nhất đất nước, bà con ở các rẻo cao xuống núi định cư tại thung lũng Hòn Bà, lập nên làng Gia Hoa hôm nay để ổn định cuộc sống. Nhà nước đã quan tâm đầu tư hệ thống giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà ở theo chương trình 134 của Chính phủ giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống. Các gia đình đều có nhà ở ổn định, mua sắm phương tiện sinh hoạt hiện đại, bảo đảm cuộc sống ngày càng phát triển.

 
Cây mì cao sản giống KM 228 đem lại thu nhập cao cho người dân Gia Hoa.

“Giáp tết năm 2010, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy lên thăm, chúc tết Nhân dân, cán bộ thôn Gia Hoa. Ông tặng cho thôn bốn con trâu tăng sức kéo phục vụ làm đất sản xuất. Đến nay đã sinh sản thành bảy con, được Ban quản lý thôn giao về các hộ nuôi dưỡng đảm nhận công đoạn trạc ruộng phẳng cho nông dân gieo lúa vì nông dân đã làm đất hoàn toàn bằng máy cày. Gia đình tôi được nhận một con trâu mẹ nuôi, sinh sản thêm một con nghé rồi... - già làng Katơ Siêu chia sẻ.

Giảm nghèo bền vững

Hay tin có khách miền xuôi lên thăm, anh Mahy Đen, Trưởng Ban quản lý thôn Gia Hoa gác lại công việc nương rẫy, chạy xe máy về làng tiếp chuyện với chúng tôi. Trao đổi với chàng trai trẻ “vác tù và” làng Gia Hoa, chúng tôi được biết toàn thôn hiện có 114 hộ với 520 nhân khẩu đồng bào Raglai. Đời sống của bà con dựa vào nguồn canh tác 20 ha ruộng lúa và 150 ha đất màu được UBND huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. Nông dân địa phương đầu tư trồng 70 ha mì cao sản giống KM 228 theo hướng thâm canh đạt năng suất bình quân 25-30 tấn củ/ha. Đây là loài cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm cuộc sống của người dân Gia Hoa ngày càng no ấm.

Cây mì cao sản bắt đầu bén rễ trên vùng đất rẻo cao Hòn Bà vào đầu mùa mưa 2012 do anh Labá Châu “di thực” từ Hòa Sơn lên trồng thử nghiệm trên diện tích 7 sào. Sau 9 tháng sinh trưởng, cây mì phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, đem lại giá trị kinh tế gấp hai lần so với trồng bắp lai. Thấy gia đình anh Châu trồng mì có thu nhập cao, bà con học tập kinh nghiệm làm theo, mở rộng diện tích lên 60 ha vào năm 2014 và 70 ha vào năm 2015. Theo tính toán, người trồng mì có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. Các nông hộ Mahy Thơ, Mahy Thị Nhanh, Mahy Thị Minh… trồng 2-3 ha mì cao sản có thu nhập 80-100 triệu đồng/năm. Cán bộ khuyến nông huyện Ninh Sơn về Gia Hoa hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, trồng bắp, trồng mì giúp nông dân nâng cao kiến thức canh tác cây trồng. Ngoài ra, bà con còn chăn nuôi 360 con bò chăn thả dưới tán lá rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình ở Gia Hoa nuôi con học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và xây được nhà ở khang trang nhờ nguồn lợi chăn nuôi gia súc có sừng.

Các em học sinh ở thôn Gia Hoa trong độ tuổi tiểu học được đến trường học tập. 

Anh Mahy Đen nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm rẫy mì cao sản chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Vượt qua con suối Ma Nhong nước chảy trong vắt phía hạ lưu, chúng tôi len lỏi đi giữa những rẫy mì cao quá đầu người. Anh Đen nhổ thử những bụi mì ven suối củ dài như cánh tay sải. “Đất đai Gia Hoa rất màu mỡ thích nghi với cây mì cao sản. Có những bụi mì củ to bằng bắp chân, dài hơn một thước, nặng 4-5 kg. Trong thời gian tới, bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng mì cao sản” - anh Mahy Đen nói.

Chia tay làng định cư trên rẻo cao Hòn Bà về lại miền xuôi giữa mùa xuân mới, chúng tôi nhớ như in lời mời thân tình của già làng Katơ Siêu: “Gia Hoa chuẩn bị đón tết Nguyên đán năm nay phấn khởi lắm, nhà báo nhớ về làng “nhu tapai” (uống rượu cần) chung vui với bà con mình hớ!”.