Giải pháp nào để thúc đẩy kinh tế Ninh Phước tăng trưởng trong năm đầu kế hoạch?

(NTO) Năm 2015, với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành, tình hình kinh tế của huyện Ninh Phước tiếp tục có bước chuyển biến khá tích cực, đạt tốc độ tăng trưởng 18,33%; thu nhập bình quân đầu người 24,1 triệu đồng/năm; quy mô sản xuất các ngành, lĩnh vực đều đạt và tăng, nổi bật nhất là thu ngân sách vượt kế hoạch, đạt 46,92 tỷ đồng, vượt 56% dự toán huyện giao... Tuy nhiên vẫn còn nổi lên một số hạn chế đó là: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch không ổn định. Tình trạng xây dựng nhà ở không phép, trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp còn diễn ra ở một số địa phương; hiệu quả hoạt động của hợp tác xã (HTX) tuy có chuyển biến song chưa đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay. Công tác xây dựng nông thôn mới ở một số đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt. Ngoài các nguyên nhân khách quan, chủ quan mà nói những hạn chế nêu trên là do công tác phối hợp giữa phòng, ban huyện và cơ sở có lúc, có nơi chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ...

 
Nông dân Ninh Phước chăm sóc lúa Đông - Xuân. Ảnh: Văn Miên

Năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nói chung, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI nói riêng. Theo đó, toàn huyện phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu như: Tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 6,4% so với năm 2015; thu ngân sách 42,9 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 25,6 triệu đồng/ năm... Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nêu trên, Ninh Phước xác định các giải pháp chủ yếu như sau:

Về sản xuất nông nghiệp, tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông”: nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng chương trình nông thôn mới, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất; có giải pháp mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị gia tăng cao và phù hợp với điều kiện từng vùng gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung nhân rộng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, đồng thời tăng cường thực hiện chương trình hỗ trợ khoa học-công nghệ để áp dụng vào sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung huy động và lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các nguồn lực khác để triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là “1 phải, 5 giảm”. Khuyến khích Nhân dân đầu tư phát triển mô hình nuôi chim yến; phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại, bán thâm canh và vỗ béo gia súc chuyên thịt, gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, tiêm phòng và khống chế tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản phù hợp với quy hoạch, theo hướng bền vững, đa dạng đối tượng nuôi gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Phối hợp thực hiện mở rộng quy mô sản xuất giống thủy sản.

Nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) trồng bắp lai giống đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Tiếp tục rà soát, củng cố kinh tế tập thể, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, gia trại, nâng cao hiệu quả các HTX theo hướng đa ngành nghề dịch vụ và phát triển theo hướng bền vững; đồng thời phối hợp với phòng Tài chính Kế hoạch giải thể HTX hoạt động yếu kém đúng theo quy định; nhân rộng mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; mở rộng ngành nghề truyền thống, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cần triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của ngành về hoạt động tín dụng. Đa dạng hóa hình thức huy động vốn tín dụng đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và các chương trình cho vay an sinh xã hội.

Tiếp tục hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề của huyện. Thực hiện các biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng đang gặp khó khăn. Trong đó cần tiếp tục hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu Mỹ Nghiệp và Bình Quý; quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư đô thị và nông thôn. Hoàn thành việc tham mưu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2016 trên địa bàn huyện. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm những vi phạm về môi trường, tài nguyên, nhất là tại khu vực đô thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề. Làm tốt công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chú trọng thực hiện xã hội hoá về xử lý rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường khu dân cư gắn với tiếp tục hưởng ứng Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp”.

Giải pháp không kém phần quan trọng, đó là tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân; nâng cao chỉ số hài lòng đối với cơ quan công quyền...

Năm 2016 - năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và địa phương. Tin rằng, bằng quyết tâm để đạt những kết quả cao nhất trong năm đầu thực hiện kế hoạch năm và của cả giai đoạn 2016-2020, cộng với nền tảng của giai đoạn trước đó, huyện Ninh Phước tiếp tục gặt hái nhiều thành quả như mong muốn.