Hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu mía “công nghệ cao”

(NTO) Những năm trở lại đây, “tính khí” của cây mía trở nên khó đoán với nông dân, có lúc thì ngọt thật, nhưng đôi lúc lại “đắng ngắt”. Vì vậy, nông dân đôi khi cũng “lúc mưa, lúc nắng” theo cây mía khi đến mùa thu hoạch. Để nông dân không phải “ngoảnh mặt” với cây mía, phải chăng nên hướng đến việc xây dựng vùng trồng mía “công nghệ cao” theo hướng bền vững.

Không khó để lý giải cho việc cây mía có thể bị “ngó lơ” trong những năm tới nếu phương thức sản xuất của nông dân không được đổi mới, vẫn cứ “thuận theo” tự nhiên là chủ yếu. Trong khi chi phí đầu vào ngày càng cao, năng suất mía lại ngày càng giảm, vì vậy theo nhận định, rất có thể vài năm tới người trồng mía sẽ phải từ bỏ cây mía để chuyển đổi sang cây trồng khác. Đặc biệt, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực trong 2 năm nữa, mía đường Việt Nam nói chung, ở tỉnh ta nói riêng sẽ rất khó cạnh tranh với mía đường các nước trong khu vực. Và chắc chắn những người bám trụ với cây mía cũng sẽ trở thành “người làm thuê cho chính mình” nếu không đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào việc trồng mía.

 
Nông dân xã Quảng Sơn thu hoạch mía niên vụ 2014 - 2015.

Đối với tỉnh ta, vùng nguyên liệu mía chính nằm ở huyện Ninh Sơn, trọng tâm là xã Quảng Sơn, với diện tích luôn đạt khoảng 1.900 đến 2.000 ha/vụ. Tuy nông dân đã gắn bó mấy chục năm nay với cây mía, họ vẫn chưa có dấu hiệu muốn chuyển đổi cây trồng nhưng nếu tình trạng “mía nhạt” cứ liên tục xảy ra như hai mùa mía vừa qua, thì e nếu có muốn gắn bó thêm cũng đành chịu.

Trước thực tế trên, một trong những tín hiệu đáng chờ đợi nhất trong năm qua, chính là việc đưa các ứng dụng KH-CN vào hỗ trợ cho người trồng mía của Công ty mía đường Phan Rang. Điển hình là đưa công nghệ tưới tiết kiệm bằng hệ thống béc phun mưa vào các rẫy mía nằm trong khu vực ít chủ động nước. Trong năm qua, Công ty đã hỗ trợ 90 hộ dân lắp đặt 108 hệ thống tưới béc, với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng, phục vụ sản xuất 320ha mía. Qua nhận định, kết quả đạt được từ ứng dụng công nghệ tưới béc là rất khả quan. Trong điều kiện thời tiết nắng hạn, hệ thống tưới béc đã tiết kiệm được lượng nước hơn so với tưới xả tràn, giảm chi phí nhân công. Hệ thống nước tưới được phun trải đều trên ruộng, kể cả những khu vực gò đồi, những nơi có độ dốc cao nên cây mía phát triển tốt. Lúc đầu các hộ trồng mía chỉ lắp đặt từ 1 - 2 bộ thử nghiệm, sau khi sử dụng, thấy được hiệu quả, nhiều hộ đầu tư lắp đặt thêm 3 - 4 bộ.

Ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty mía đường Phan Rang cho biết: Việc đưa hệ thống tưới béc này đến với nông dân là bước đổi mới rất cần thiết, đặc biệt với phần lớn diện tích mía trên các vùng nguyên liệu trọng điểm như Quảng Sơn đều nằm trong vùng ít nước. Nếu cứ sử dụng theo phương cách tưới truyền thống thì hoàn toàn không chủ động được lượng nước khi mùa hạn đến, dẫn đến tình trạng mía bị giảm năng suất, hạ chữ đường, nông dân bị thua lỗ. Theo ông Thận, không riêng gì niên vụ mía vừa qua, trước tình trạng năng suất cây mía có xu hướng giảm dần, nhưng niên vụ trước công ty cũng đã chú trọng đưa các hoạt động ứng dụng KH-CN đến với nông dân như thay đổi các giống mía mới có năng suất cao như: K88-92, K95-84, K95-156...; hàng năm có những chính sách hỗ trợ người trồng mua sắm máy móc phục vụ sản xuất mía, giảm được chi phí trong khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch.

Qua những bước đổi mới khi đưa KH-CN vào sản xuất mía, tại một số khu vực năng suất mía đã tăng từ 50 tấn/ha trước đây lên 60-70 tấn/ha. Chi phí đầu vào cũng giảm được 1/3 so với tập quán canh tác truyền thống. Tại vùng mía trọng điểm Quảng Sơn, năm nay tuy nắng hạn nhưng nhiều vùng mía được dự báo vẫn có thể đạt năng suất cao bởi áp dụng được một số mô hình tưới nước tiết kiệm.

Tuy đã có hiệu quả, nhưng trên thực tế có thể nói, chương trình sản xuất mía ứng dụng “công nghệ cao” chỉ mới dừng lại ở một số hộ nhỏ lẻ, phạm vi hẹp. Qua tìm hiểu, nhiều nông dân cho rằng, việc đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất mía là rất cần thiết trong bối cảnh sản phẩm mía đường đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay và họ cũng rất muốn đổi mới. Tuy nhiên, để hình thành được vùng sản xuất mía ứng dụng “công nghệ cao” phải có tiềm lực tài chính, điều này lại nằm ngoài khả năng của nhiều hộ. Rõ ràng, những tín hiệu mới khi đưa KH-CN vào sản xuất mía đã bước đầu cho thấy hiệu quả và sự mong muốn đổi mới của nông dân cũng không phải không có. Vì vậy, để hướng đến xây dựng vùng mía “công nghệ cao”, tạo bước phát triển bền vững cho vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nâng cao thu nhập cho nông dân chỉ là vấn đề thời gian và sự quan tâm thêm từ phía doanh nghiệp.

Đề cập đến vấn đề này, ông Văn Hữu Thận cho hay: Đồng hành cùng nông dân trồng mía theo hướng ứng dụng “công nghệ cao”, Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, trong đó chú trọng hình thành cánh đồng lớn để tạo thuận lợi cho áp dụng KH-CN. Trước mắt, trong niên vụ 2015-2016 và niên vụ sắp tới, Công ty tiếp tục hỗ trợ các hộ lắp đặt hệ thống tưới béc, tưới nhỏ giọt, tưới bằng năng lượng mặt trời; đồng thời, đầu tư mua sắm máy móc và thiết bị nông nghiệp, như: máy kéo, máy trồng mía, máy cày sâu bón phân, máy băm lá mía…

Có thể sẽ phải mất thêm một thời gian nữa vùng nguyên liệu mía “công nghệ cao” mới thật sự hình thành. Nhưng tin rằng, với sự quyết tâm đổi mới, thì nông dân chắc chắn sẽ không còn mùa “mía nhạt” mỗi khi thu hoạch.