Phụ nữ thôn Phú Nhuận thực hành tiết kiệm, tương thân, tương ái

(NTO) Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ở huyện Ninh Phước có một tập thể đã “làm theo” bằng những hành động cụ thể thiết thực. Đó là Chi hội Phụ nữ (PN) thôn phú Nhuận, xã Phước Thuận, với các mô hình tổ nhóm nhân đạo từ thiện, vần đổi công. Bằng các mô hình này, các chị PN đã tập hợp lại, tự nguyện đóng góp gây quỹ và cùng giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.

Phú Nhuận là một làng Chăm có dân số trên 2.000 người, trong số 538 PN của thôn có 242 chị em là hội viên Hội PN. Là những PN nông thôn đa số sống bằng nghề nông, trong những năm gần đây đời sống kinh tế của các hộ gia đình PN có bước phát triển tương đối ổn định. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều PN có hoàn cảnh khó khăn. Chị Đổng Thị Mỹ Phương, Chi hội trưởng Chi hội PN thôn, cho biết: “Xuất phát từ thực tế ấy, chúng tôi chọn việc “làm theo” Bác về thực hành tiết kiệm và đoàn kết tương thân, tương ái”. Để việc “làm theo” hiệu quả, chi hội PN đã có một cách làm hay là thành lập 9 nhóm cùng ý tưởng, mỗi nhóm có trung bình 10 chị, với tên gọi khác nhau. Đó là các nhóm: Đầu Tiên, Trầu Cau, Áo Trắng, Trà Xanh, Trúc Xanh, Mưa Xuân, Hoa Tươi, Đảm Đang và Hòa Phát. Cứ hàng tháng, mỗi chị dành dụm tiết kiệm đóng vào quỹ nhóm 50 ngàn đồng và sau đó dùng tiền quỹ này tuần tự cho các PN khó khăn trong thôn vay vốn và làm công tác nhân đạo từ thiện. Tính đến nay đã có 180 triệu đồng của các nhóm được vay xoay vòng tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

 
Chị Đổng Thị Mỹ Phương, Chi hội trưởng chi hội PN thôn Phú Nhuận chăm sóc bò nuôi, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Ngoài ra, để góp phần vào công tác giảm nghèo ở thôn, thông qua các nhóm, Chi hội PN thôn Phú Nhuận tổ chức PN trong các nhóm vần đổi công, tự nguyện giúp nhau về giống lúa, bắp, ngày công lao động và những kinh nghiệm trong sản xuất. Đáng chú ý, nhóm đã thiết thực giúp đỡ nhau theo phương châm “Người mạnh kéo người yếu”, san sẻ cho nhau từng hạt lúa. Bằng cách hỗ trợ vốn và vần đổi công, trong những năm qua, các chị đã giúp cho các PN nghèo của thôn vơi bớt khó khăn. Đơn cử chị Ngư Thị Điệu, nhờ vay vốn mua bò nuôi nay đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà khang trang và duy trì được đàn bò 3 con. Đặc biệt như nhóm Trúc Xanh còn góp phần đáng kể trong việc giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm bằng việc tham gia hòa giải các mâu thuẫn tại địa phương, phân công các thành viên nhận đỡ đầu, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Nhiều vụ tranh chấp gay cấn trong thôn tưởng chừng phải chuyển đơn lên xã thụ lý, nhưng nhờ vai trò tham gia của chi hội PN, đã cùng Ban quản lý thôn và các tổ chức đoàn thể phân tích, giải thích thấu tình đạt lý nên đã hòa giải thành công, củng cố “tình làng, nghĩa xóm” đoàn kết chung tay xây dựng làng văn hóa Phú Nhuận.

Điểm nổi bật qua mô hình nhóm, là bằng những tấm lòng nhân hậu, không chỉ giúp nhau chia sẻ khó khăn đột xuất, các chị còn dành tình thương yêu cho PN, người già, trẻ em bất hạnh. Cụ thể trong năm qua, Chi hội PN thôn Phú Nhuận đã giúp đỡ 14 đối tượng nghèo với tổng số tiền gần 5 triệu đồng và trên 200kg gạo. Chi hội còn tham gia vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ, học sinh nghèo hiếu học… Có thể nói nhờ mô hình “làm theo” của các nhóm, công tác tập hợp PN đã thuận lợi hơn, thu hút nhiều chị tham gia thực hiện phong trào thi đua “PN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Từ các mô hình “làm theo” thấm đẫm nghĩa tình nói trên, Chi hội PN thôn Phú Nhuận đã được biểu dương là tập thể điển hình thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện Ninh Phước. Theo chị Đổng Thị Mỹ Phương, để tiếp tục tuyên truyền làm lan tỏa ý nghĩa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong chị em PN, chi hội PN thôn đang xây dựng thêm 3 nhóm PN cùng ý tưởng với mục đích tập hợp chị em hội viên bàn cách làm ăn, tiết kiệm, cải thiện cuộc sống và đăng ký “làm theo” bằng những hành động thiết thực gắn liền với trách nhiệm xây dựng cộng đồng, xây dựng nông thôn mới.