Người dân vẫn còn chủ quan với dịch sốt xuất huyết

(NTO) Theo công báo của Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại tỉnh ta, tính đến 18-10-2015 cũng đã phát hiện 123 người bị mắc SXH ở 6 huyện, thành phố (trừ huyện Bác Ái), chưa có trường hợp tử vong; trong đó, số người mắc SXH nhiều nhất là huyện Ninh Phước (59 người), Thuận Nam (37 người)… Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tuyên truyền nội dung “Phòng, chống SXH” trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, trên loa phát thanh xã, phường, thôn để nâng cao nhận thức Nhân dân trong việc tự thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH tại gia đình và cộng đồng.

Đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại xã Phước Dinh (Thuận Nam).

Theo đó, Trung tâm Y tế dự phòng đã tổ chức giám sát tình hình muỗi và lăng quăng tại các hộ gia đình, phối hợp với các ban, ngành, địa phương phun thuốc diệt muỗi ở vùng có mật độ muỗi cao và diệt lăng quăng. Tuy nhiên, số ca mắc SXH được phát hiện tiếp tục tăng cao, số bệnh nhi mắc SXH nằm điều trị tại khoa Nhi-Bệnh viện Đa khoa tỉnh hàng ngày dao động từ 10-15 ca. Bác sỹ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Hiện nay, trong khi nhiều hộ dân có hiểu biết và thực hiện khá tốt về phòng, chống bệnh SXH, thì vẫn còn một bộ phận người dân còn xem nhẹ và chủ quan đối với dịch bệnh này.

Từ ngày 14 đến 20-10-2015, cùng đoàn công tác của Sở Y tế đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại một số địa phương trọng điểm về dịch SXH những năm trước, chúng tôi ghi nhận đa phần người dân đều chủ quan, hoặc có hiểu biết chưa đúng về dịch SXH, bằng chứng là các chum, vại chứa nước trong nhà không có nắp đậy, chưa súc rửa thường xuyên; cây cối, bụi rậm quanh nhà chưa được phát quang… đây là những nguy cơ để dịch SXH dễ bùng phát.

Theo bà Nguyễn Thị Thoa, ở thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh (Thuận Nam): Do năm nay thời tiết hạn hán, khó khăn về nước sinh hoạt, vì vậy gia đình phải trữ nước sinh hoạt trong các chum, vại nhiều hơn. Còn việc thường xuyên đậy nắp và vệ sinh dụng cụ chứa nước thì cũng không quan tâm lắm. Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Linh ở cùng thôn cũng có hàng chục dụng cụ chứa nước sinh hoạt, mặc dù có biết về dịch SXH qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn còn chủ quan trong phòng, chống loại dịch bệnh này… Ở các các huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, tâm lý chủ quan với dịch SXH vẫn phổ biến trong người dân.

Trong chiến lược phòng, chống SXH thì việc phòng bệnh tại nhà là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Thay vì khi mắc bệnh mới đến bệnh viện điều trị, thì phương pháp “tránh không để mắc bệnh”, “tiêu diệt tác nhân gây bệnh”... vẫn là những biện pháp hiệu quả nhất. “Không có lăng quăng, không có SXH”, đây là thông điệp rất rõ ràng từ ngành Y tế cho thấy rằng việc tiêu diệt muỗi, lăng quăng sẽ giúp mỗi gia đình và cộng đồng không bị SXH “tấn công”.