Chuyện “lao động tốt”

(NTO) Không phải ngẫu nhiên mà trong Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng thì “Học tập tốt, lao động tốt” là điều thứ hai, chỉ sau “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. Thế nhưng thời công nghệ số, việc học tốt xem ra là tất cả. Nếu chưa tin, các vị cứ đi thị sát các trường học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông sẽ thấy các cháu học trò chúng ta “Lao động tốt” thế nào?

Ngày chủ nhật, ông bạn tôi được vợ giao đi họp Hội Cha mẹ học sinh đầu năm học cho con về than phiền “họp hành gì chỉ thấy tiền và tiền, đã biết nhưng vợ lại không đưa tiền nộp cho cô giáo chủ nhiệm, tôi chỉ muốn chui xuống đất…”. Nghe xong, bà xã mỉm cười: Thương vợ chưa, mới đầu năm học mà tiền triệu cho mỗi đứa rồi, còn quần áo, giày dép, sách vở nữa chứ. Ông bạn chỉ còn biết khen nịnh: Vợ mình thiệt giỏi, nhưng mà này, sao có những khoản con mình làm được cứ phải nộp tiền nhỉ, như tiền quét dọn lớp học, nhà vệ sinh, tưới cây, dọn rác sân trường…Bà xã ngạc nhiên: Ông như người ngoài hành tinh vậy, thời thị trường, thời gian để chúng nó học hành, ba cái việc linh tinh thuê công lao động làm cho con nó khoẻ. Mà này, nói thiệt ông nghe: Từ tiểu học đến trung học phổ thông đâu đâu cũng thuê người làm hết, các cháu học sinh có giờ học, giờ chơi và biết đâu nhà trường có thêm thành tích “góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo”!?

Tôi đem câu chuyện nghe được của hai vợ chồng ông bạn trao đổi với đồng nghiệp cơ quan. Cô bạn có con gái đang học lớp 12 than phiền: Bữa rồi em phải đi làm sớm để phục vụ hội nghị, nhờ cháu ủi giùm bộ quần áo dài, ai dè nó vụng về hết chỗ, bàn ủi tự động mà làm cháy mất tay áo, may mà còn có bộ khác để thay. Đấy các anh chị xem, cứ đà này nay mai phụ nữ Việt mình đâu còn “công, dung, ngôn, hạnh”. Chị lớn tuổi thì kể: Mới đây xem trên truyền hình Việt Nam, có trường học phổ thông gì đó ở tỉnh Yên Bái rộng thêng thang chỉ có một lao động, còn việc quét dọn vệ sinh, trồng, chăm sóc cây xanh… đều do các cháu học sinh tự làm. Chúng cảm thấy tự hào vì đã góp phần giữ gìn ngôi trường mình học “xanh, sạch, đẹp”. Bỗng chợt, tôi nhớ đến con mình, cháu đang học lớp ba trường điểm của thành phố. Trong khung viên trường là màu xanh của cây bàng, phượng, xà cừ, dưới chúng là những thảm cỏ xanh tươi, sân trường hiếm có một cọng rác…thật xanh, sạch, đẹp. Tôi hỏi: Ngoài giờ học tập trên lớp, con có lao động không? Cháu hỏi lại: Lao động là gì vậy ba? Tìm hiểu thêm tôi mới biết, trên lớp các cháu chỉ có thêm nhiệm vụ lau bảng, còn công việc quét dọn lớp, sân trường, khu vệ sinh… nhà trường thuê lao động dọn dẹp và trả tiền theo công việc. Mọi chi phí do Hội Cha mẹ học sinh chi trả từ tiền đóng góp của phụ huynh.

“Lao động là gì”, nếu khái niệm đơn giản này mà học sinh không hiểu được thì việc dạy và học sẽ trở lên khập khiễng, bởi khó mà giáo dục được các cháu tình yêu lao động, để chúng thấu hiểu được có cuộc sống hôm nay là cả một quá trình lao động đầy gian khổ và sáng tạo của cha ông xây dựng nên non sông Tổ quốc Việt Nam. Hiện nay, ngành Giáo dục và đào tạo đang triển khai nhiều phong trào thi đua như “dạy tốt, học tốt”, “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”…nhưng thiếu phong trào “Lao động tốt”. Để giáo dục tình yêu lao động, nên chăng ngành Giáo dục và đào học, mỗi trường học có phong trào thi đua “học tập tốt, lao động tốt” để giáo dục, đào tạo nên những công dân “vừa hồng, vừa chuyên” sau này xây dựng đất nước, “sánh vai với các cường quốc năm châu” (lời Bác Hồ dạy). Đó sẽ là việc làm thiết thực giáo dục học sinh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh” hiệu quả nhất và phát triển con người Việt Nam toàn diện ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.