Bác Ái tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(NTO) Sau gần 6 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956), huyện Bác Ái đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đồng chí Bùi Quốc Việt, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái, cho biết: Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã tổ chức các đợt khảo sát thực tế tại địa phương. Trên cơ sở đó, huyện mở các lớp học đào tạo những ngành nghề phù hợp với từng địa phương và nhu cầu của người học

Qua gần 6 năm triển khai Đề án 1956, số lượng người tham gia đào tạo nghề nông thôn ở Bác Ái ngày càng đông, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình khó khăn. Huyện đã tổ chức được 73 lớp dạy nghề cho 2.217 học viên. Các lớp dạy nghề tập trung ở 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Kỹ thuật trồng lúa chịu hạn, trồng bắp lai, đan lát, kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, chăn nuôi heo... Thông qua các lớp đào tạo, học viên được nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 
Chị Pinăng Thị Khinh, thôn Suối Rua (xã Phước Tiến) tích cực đan gùi, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Điển hình như mô hình đan lát ở xã Phước Tiến. Từ khi tham gia lớp học, hầu hết bà con đều đan được các sản phẩm như: Nia, gùi… giúp bà con có thêm việc làm khi nhàn rỗi, đặc biệt là khôi phục lại nghề truyền thống ông cha để lại. Chị Pi Năng Khinh, thôn Suối Rua, phấn khởi: Trước đây, khi rảnh rỗi ở nhà không biết làm gì, năm 2014 sau khi được đào tạo kỹ thuật đan lát, giờ thì mình có thể làm được nia, gùi rồi, mừng lắm. Sản phẩm làm ra, mỗi tháng cũng có thêm thu nhập khoảng 500 nghìn đồng, nên việc chi tiêu trong gia đình bớt lo hơn.

Từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn vốn ưu đãi khác, sau khi được đào tạo nghề, huyện Bác Ái còn tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân vay vốn; đồng thời giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ lao động sau học nghề gắn với giải quyết việc làm đạt 89% và đạt 52,8% kế hoạch. Điều đáng ghi nhận, trong 9 tháng năm 2015, số lao động được đào tạo nghề 280 người, đạt 112% kế hoạch; giải quyết việc làm mới cho 1.019 lao động, đạt 81,5% kế hoạch, tăng 10,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu lao động 7 người, đạt 70% kế hoạch, tăng 75% so với cùng kỳ.

Đồng chí Bùi Quốc Việt cho biết thêm, ngoài việc tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các lớp đào tạo nghề, trong thời gian tới, chúng tôi chủ động rà soát số lượng lao động cũng như đặc điểm của mỗi địa phương để mở lớp và hướng lao động áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất như: Chăn nuôi theo hướng vỗ béo, trồng trọt với những giống mới đạt sản lượng cao…

Có thể nói, những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Bác Ái trong thời gian qua đang có sự chuyển biến tích cực. Hiệu quả được thể hiện qua cuộc sống ổn định của hàng ngàn người lao động sau khi được học nghề, tìm được việc làm phù hợp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những lao động sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề vẫn khó khăn trong tìm việc làm... Vì vậy, để việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm tại địa phương, ngoài việc tuyên truyền vận động, mở các lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế tại các địa phương, khi đào tạo nghề, cần nắm bắt với thị trường lao động, tạo mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp… nhằm đảm bảo người lao động sau khi học nghề có việc làm. Có như vậy, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm ở huyện Bác Ái mới thật sự phát huy hiệu quả, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân.