Lên núi nghe đàn Chapi

(NTO) “Ai yêu rừng xanh, yêu tự do thì lên núi nghe đàn Chapi”.

Rời cái ồn ào náo nhiệt của thành phố, chúng tôi “đi theo” câu hát đầy lôi cuốn ấy, tìm về thung lũng Ma Nới (Ninh Sơn), để được nghe tiếng đàn gợi lên những giấc mơ đẹp mộc mạc như chính cây đàn Chapi.

Nghệ nhân Chamaléa Âu biểu diễn đàn Chapi.Ảnh: Sơn Ngọc

Ma Nới mùa khô hạn không còn cái se lạnh đặc trưng vốn có, nhưng những cơn gió thổi qua vùng đất này vẫn mát mẻ, dễ chịu. Ngôi nhà tre của nghệ nhân Chamaléa Âu nằm chếch trên một quả đồi, có mấy gốc me tán tròn như bon sai đang độ ra lá non. Màu da rám nắng và mái tóc nhuốm màu thời gian không thể át đi sự nhanh nhẹn và nhiệt tình trong nụ cười, ánh mắt của người nghệ nhân già. Trong ngôi nhà tre - cũng là “xưởng” chế tác đàn Chapi của gia đình, già Âu và người con trai cả là anh Tà Yên Bóng ngồi đối diện, mỗi người một ống tre, xung quanh là những vật dụng đơn giản, thô sơ được dùng để làm nên cây đàn mang “hồn người Raglai”.

Vừa làm, già Âu vừa kể cho chúng tôi nghe về những chuyến “công tác” của ông, tức là những lần ông mang cây đàn của quê hương đi biểu diễn ở ngoài tỉnh. Cách ông cười, cách ông ghi nhớ mỗi chuyến đi, cách ông kể về những kỷ niệm và đặc biệt là sự hài hước, gần gũi của ông dễ khiến người ta “say” theo câu chuyện. “Chapi là loại nhạc cụ có trước cả Mã La, nên mặc dù không được chơi trong các lễ hội nhưng Chapi lại có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Raglai. Ngày trước, nhà ai cũng có Chapi, đi rừng đi rẫy luôn mang theo, để những lúc nghỉ mệt lấy ra gảy, tiếng đàn là tiếng lòng tưởng nhớ ông bà, mà cũng là những tiếng vui vẻ, khi nghe sẽ bớt đi mệt nhọc”, vừa canh chỉnh các dây đàn, ông vừa giải thích.

Chapi được làm từ tre. Người nghệ nhân phải lên rừng lựa chọn những đốt tre già tròn, to và thẳng thớm, mang về để trên giàn bếp khoảng 4-5 tháng cho thật khô, đượm khói. Sau đó, người “thợ” đàn sẽ khéo léo tách từ vỏ đốt tre ra những “sợi” dây đàn bề rộng chừng 2-3 mm. Phím đàn cũng được đẽo gọt từ vỏ đốt tre, gắn lên dây đàn. Để tạo độ căng vừa phải nhằm cho ra âm thanh cao thấp “như ý” nghệ nhân, các dây đàn được chèn thêm những đoạn tre nhỏ như chèn chốt cửa. Ở hai đầu của “ống” đàn Chapi, người ta buột dây nhợ. Già Âu ví von: “buột dây như vậy là bắt trói nó lại, trói tiếng đàn vào ống tre, bắt nó ở với ống tre mà hát với mình.” Chapi không “câu nệ” người chơi đàn, không phân biệt nam hay nữ, ai đam mê thì tập chơi, cũng giống như bản thân nghệ nhân Chamaléa Âu, vì đam mê tiếng đàn tiếng hát từ lúc nhỏ mà mày mò học cách làm đàn, chơi đàn. “Tụi thanh niên bây giờ thích nghe mấy thứ xập xình hơn Chapi!”, ông thoáng chút suy tư.

Trong khi giảng giải cho chúng tôi, ông vẫn không ngừng tay chỉnh dây, chỉnh xong lại đưa lên tai “thử” âm. Chốc chốc, anh Tà Yên Bóng lại nhờ cha chỉnh giúp các dây, các phím cho “đúng” âm. “Bốn phím đàn này là 4 thành viên trong gia đình: phím cha, phím mẹ, phím người con lớn, phím người con út”, vừa giải thích, già Âu vừa khẽ gảy phím cho chúng tôi nghe, phím cha nghe trầm đục, các phím cứ thế tăng dần về cao độ, phím con út nghe trong trẻo nhất. Rồi ông cười giòn: “Chapi mà đem đi tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình thì nhứt hạng ha!”. Cao hứng, ông hát luôn mấy đoạn nhạc với Chapi.

Trong cái hanh hao buổi trưa, gió rừng thổi qua cây gòn bên hông nhà, xua từng cuộn khói bếp bay lửng lơ theo tiếng đàn khi thì róc rách như nước suối chảy qua kẽ đá, khi thì tí tách như tiếng lửa đêm hội làng, lúc lại nghe như tiếng con chim rừng hót gọi bạn hay tiếng cười của trẻ thơ. Già Âu nói rằng “giấc mơ Chapi” là có thật, lời bài hát ấy của nhạc sỹ Trần Tiến rất đúng với lòng người Raglai, đúng với cuộc sống, với tâm hồn người Raglai. “Chapi chỉ gảy nên những khúc nhạc vui thôi. Bài nhạc của Chapi không có bài nào buồn cả!”, ông cười hiền lành như đang trong một giấc mơ.