Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 15-8

* Sự kiện

- Ngày 15-8-1945: Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang) theo chỉ đạo của Hồ Chí Minh đã ra nghị quyết nhanh chóng phát động khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam và yêu cầu các đại biểu nhanh chóng về cơ sở để khẩn trương hành động.

- Ngày 15 đến 28-8-1945: Việt Nam Giải phóng quân cùng toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Đêm ngày 15 và ngày 16-8-1945, từ Tân Trào, Việt Nam Giải phóng quân chia làm hai bộ phận, tiến về tỉnh lỵ Tuyên Quang và Thái Nguyên. Ngày 17-8, Việt Nam Giải phóng quân tiến công trại lính Nhật ở thị xã Tuyên Quang; ngày 20, bao vây quân Nhật ở Thái Nguyên, kêu gọi chúng đầu hàng.Cùng nhân dân các địa phương, Việt Nam Giải phóng quân đã phát triển nhanh chóng trong quá trình Tổng khởi nghĩa và là lực lượng quân sự cách mạng đóng góp vào sự thành công của việc giành chính quyền về tay nhân dân.

- Ngày 15-8-1945: Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam.Cách đây tròn 70 năm, tại hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương, họp tại Tân Trào, Tuyên Quang, Đảng ta đã quyết định thành lập “Ban Giao thông chuyên môn”. Đây chính là tiền thân của nghành Bưu điện Việt Nam. Từ đó, ngày 15-8 được lấy làm Ngày truyền thống của ngành Bưu điện.Dù đã nhiều lần đổi tên, thay đổi cơ cấu tổ chức nhưng về cơ bản ngành Bưu điện vẫn thống nhất về chức năng nhiệm vụ là đảm bảo thông tin, liên lạc, phục vụ sự chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, phục vụ nhu cầu bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin của Nhân dân. Ngành Bưu điện từ khi ra đời đã luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta hiện nay.

- Ngày 15-8-1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng J.Nerhu nhân Ngày tuyên bố độc lập của Ấn Độ. Người viết: “Nhân Ngày tuyên bố độc lập của Ấn Độ, một ngày long trọng không riêng gì cho quý quốc, mà cho cả đại gia đình Á châu chúng ta, thay mặt dân tộc Việt Nam và riêng tôi nữa, trân trọng yêu cầu Ngài nhận và chuyển cho đại dân tộc Ấn Độ lời chúc tụng nhiệt liệt và lời chào mừng thân ái của chúng tôi. Tin tưởng vào mối cảm tình và tình đoàn kết giữa các dân tộc Ấn Độ và Á châu, dân tộc Việt Nam cương quyết tranh đấu cho được thống nhất và độc lập”. 68 năm sau bức điện mừng của Bác, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã được nâng lên tầm cao mới, lan tỏa ra mọi lĩnh vực cả trên bình diện song phương và đa phương.

- Ngày 15-8-1963: Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết “Ba xây, ba chống”, ký bút danh Chiến sĩ, đăng trên báo Nhân dân, số 3427. Trong bài báo, Bác giới thiệu những kết quả cụ thể và những kinh nghiệm tốt của Nhà máy xe lửa Gia Lâm và một vài nơi đã làm thí điểm. Tổng kết kinh nghiệm ở những nơi đó, bài báo nêu rõ: Nếu công tác lãnh đạo thật chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra đôn đốc; nếu cán bộ phụ trách xung phong gương mẫu, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình người khác, biết lắng nghe ý kiến quần chúng và quyết tâm sửa chữa sai lầm, thực sự mở rộng dân chủ thì “ba chống” sẽ triệt để, “ba xây” sẽ thành công.

- Ngày 15-8-1989: Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VI bàn về một số vấn đề cấp bách trong công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế.

- Ngày 15-8-2009: Tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với một số đơn vị có liên quan tổ chức trao Cúp Vàng “Doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam” lần thứ I cho 157 đơn vị và Cúp Vàng “Lãnh đạo xuất sắc” lần thứ II cho 120 cá nhân. Đây là các đơn vị, cá nhân xuất sắc được lựa chọn từ 1315 đơn vị, cá nhân có những đóng góp lớn cho quốc gia và cộng đồng.

* Nhân vật

- Ngày 15-8-1932: Ngày sinh của nhạc sĩ Thuận Yến. Nhạc sỹ Thuận Yến tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15-8-1932, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với những khoảnh khắc thăng trầm của lịch sử. Lấy cảm hứng từ người chiến sĩ cách mạng, trên mỗi bước đường hành quân, Thuận Yến đã viết nên những ca khúc hay nhất về người lính, về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cho đến khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Thuận Yến đã có 11 ca khúc viết về người mẹ Việt Nam (“Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc”, “Người mẹ quê tôi”…), 23 ca khúc viết về người chiến sĩ (“Mỗi bước ta đi”, “Màu hoa đỏ”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”…), 24 ca khúc viết về tình yêu (“Chia tay hoàng hôn”, “Tình yêu không lời”, “Khát vọng”…), 41 ca khúc về đất nước và các miền quê, 5 ca khúc về bạn bè quốc tế và đặc biệt là 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà bài nào cũng hay, cũng đi vào lòng người và được người hâm mộ nhắc nhớ. Cho đến hiện tại, nhạc sỹ Thuận Yến đang giữ kỷ lục là người có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Vầng trăng Ba Đình”… đã ghi danh tên tuổi Thuận Yến vào nền âm nhạc dân tộc với nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Người nhạc sĩ tài ba này đã trút hơi thở cuối cùng vào 12 giờ 6 phút, ngày 24-5-2014.

Theo TTXVN