Thế giới trong tuần

1. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa kết thúc chuyến công du tới 3 nước: Singapore, Malaysia và Việt Nam. Trong chuyến công du Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ, tranh chấp và bất ổn tại Biển Đông là một chủ đề chính.

Ông Kerry tiếp tục nhấn mạnh: Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp, nhưng có lợi ích chung trong tự do hàng hải và xử lý hòa bình các tranh chấp tại khu vực. Các chuyên gia cho rằng, đây là quan điểm nhất quán của chính quyền Mỹ. Trong lễ kỷ niệm 48 năm thành lập ASEAN diễn ra ở Thủ đô Washington, đại diện chính quyền Tổng thống Obama cũng khẳng định: Chuyến đi Châu Á lần thứ 11 của ông Kerry từ khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ thể hiện một cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công du tới 3 nước Đông Nam Á.

Theo đánh giá, chuyến công du Đông Nam Á của Ngoại trưởng John Kerry là một phần trong chính sách tái cân bằng sang châu Á mà chính quyền Obama đang kiên trì theo đuổi. Nhưng ông Obama sẽ rời Nhà trắng vào tháng 1-2017. Chính sách tái cân bằng sẽ được tiếp tục như thế nào sau đó là câu hỏi đang đặt ra.

2. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký ban hành chỉ thị mở rộng danh sách các nước bị Nga cấm nhập khẩu vào thị trường nước mình để đáp trả biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Theo đó, ngoài các nước thuộc Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Na Uy và Mỹ, Nga sẽ đóng cửa biên giới của mình đối với một số hàng nông sản của Albania, Montenegro và Iceland - những nước này đã xác nhận với EU về việc quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga thêm một năm.

Kể từ tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu, lương thực, thực phẩm có xuất xứ từ những quốc gia đã áp đặt trừng phạt kinh tế chống lại các cá nhân và tổ chức của Nga hoặc các quốc gia đã ủng hộ quyết định trừng phạt này. Theo đó, Nga đã ngừng nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, phô-mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả từ các nước EU, Australia, Canada, Mỹ và Na Uy.

3. Hy Lạp và các nước chủ nợ: Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận về các mục tiêu ngân sách mà Athens phải thực hiện trong 3 năm tới, nhằm đổi lấy gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro. Theo đó, Hy Lạp cam kết giữ thâm hụt ngân sách ở mức 0,25% GDP trong năm nay, đạt thặng dư ngân sách lần lượt 0,1%, 1,75% và 3,5% vào các năm sau đó. Thỏa thuận sẽ được Quốc hội Hy Lạp thông qua, trước khi Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) phê chuẩn. Điều này sẽ mở đường giải ngân gói cứu trợ trước thời hạn chót Athens phải thanh toán nợ cho ECB vào ngày 20-8 tới.