Điều thôi thúc Thiếu tá Nguyễn Đình Tám

(NTO) Tâm huyết và linh tính nghề nghiệp đã giúp cho Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Tám, Bộ CHQS tỉnh làm được nhiều việc kỳ diệu trong công tác chính sách

Coi việc đồng đội là của mình

Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Tám, Trợ lý Chính sách Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh có cha là công an nằm vùng bị bắt đày đi đảo Phú Quốc rồi hy sinh khi anh mới hai tuổi. Mấy mươi năm sau chiến tranh, người mẹ Quảng Nam của anh vẫn day dứt nỗi đau. Thương mẹ, sau nhiều lần tìm kiếm không thành, năm 2002, anh vay tiền, xin cơ quan nghỉ phép, lại vượt đảo, lặn lội hàng tháng trời tìm bằng được hài cốt người cha.

Từ gia đình mình, anh thấm thía nỗi đau của những thân nhân có chồng con hy sinh và thôi thúc anh phải cố gắng hơn nữa. Anh tham mưu Bộ CHQS tỉnh bắt tay vào tìm lại vụ 16 chiến sĩ hy sinh ở sân bay Thành Sơn mà tài liệu VVA của cựu binh Mỹ cung cấp năm 1996. Mộ liệt sĩ được chấm hẳn hoi trên tấm sơ đồ, thế nhưng đã hơn 5 năm trôi qua, nhiều lần tìm kiếm vẫn chưa tìm được. Máy xúc đào hai ngày không thấy, đã được đưa về. Anh cùng đồng đội đào bằng cuốc chim. “Roẹt”, chiếc cuốc bị gãy cán khi gặp đất cứng. Anh vào khu dân cư mượn chiếc cuốc khác. Bà chủ nhà khi hỏi sự tình, nói: Mỹ bắn các anh bộ đội ở sân bay là có thật, nhưng sau đó chúng bỏ vào lưới mang ra Tháp Chàm để uy hiếp nhân dân rồi vùi luôn ở đó. Theo sự chỉ dẫn của người phụ nữ, anh và Ban chính sách đã tìm thấy và quy tập được 16 hài cốt chiến sỹ hy sinh.

 
Thiếu tá Nguyễn Đình Tám bên phần mộ Mẹ liệt sĩ Lê Văn Tỉnh.

Mới đây nhất, cuối tháng 12-2014, ông Phạm Chạy, sinh năm 1947, tìm đến Ban Chính sách khai báo rằng mình từng là bộ đội ở Đại đội 4, Tiểu đoàn 48, Quảng Ngãi, bị thương từ năm 1969, đơn vị cho về nhà an dưỡng, rồi bị địch bắt và trốn thoát được chạy vào Ninh Thuận làm ăn. Vì không có giấy tờ chứng minh nên từ đó đến nay, không dám khai báo. Hỏi thăm gia đình, anh Tám biết ông Chạy có người anh trai tập kết ra Bắc. Tìm lý lịch đảng viên của người anh trai thì có dòng chữ “Em là Phạm Chạy bị thương, nay không rõ”. Anh Tám phô tô lý lịch này làm bằng chứng. Trong chuyến kết hợp công tác ra Quân khu 5, anh Tám bảo ông Chạy đi theo mình. Họ hỏi các cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi và được biết người đại đội trưởng của ông Chạy hiện ở Đại Lộc, Quảng Nam. Anh Tám cùng ông Chạy lại bắt xe đi tìm cho bằng được. Sau hồi hàn huyên kể lại kỷ niệm các trận đánh, người đại đội trưởng đã nhớ lại chiến sĩ của mình. Từ đây, phát hiện thêm nhiều nhân chứng mới ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Các đồng đội cũ đã xác minh cho ông Chạy dưới sự chứng kiến của Ban CHQS thành phố. Anh Tám lại liên hệ với công an Quảng Ngãi, truy tìm hồ sơ để chứng tỏ ông Chạy có thời gian bị tù đày. Vậy là trong chuyến đi hai tuần, anh Tám đã giúp ông Chạy hoàn chỉnh hồ sơ thương binh và tù đày. Hiện nay mọi thủ tục đang được tiến hành để người có công được hưởng các chế độ hiện hành.

Đi ăn giỗ cũng tìm được mộ

Đại tá Huỳnh Công Năng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Ở anh Tám có cái tâm của người làm công tác chính sách. Anh không chờ việc đến mà chủ động đi tìm việc. Nhờ vậy mà đã giúp cho nhiều trường hợp được hưởng chế độ. Anh ấy thực sự là vốn quý của chúng tôi. Quả vậy, “đi tìm việc” với Nguyễn Đình Tám đó là mọi lúc, mọi nơi đều có thể moi tin phục vụ công tác quy tập liệt sĩ.

Một lần, 2 Cựu chiến binh vào Ban Chính sách làm việc liên quan chế độ. Anh hỏi họ có biết mộ đồng đội nào chưa quy tập không. Họ chỉ cho anh có mộ liệt sĩ Lê Văn Tỉnh (quê xã Phước Thuận, Ninh Phước) hiện nằm ở phường Bảo An, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Người con hy sinh năm 1948, 10 năm sau, người mẹ là Huỳnh Thị Mai cũng mất. Do không ai thân thích nên đồng đội anh Tỉnh đã chôn bà bên cạnh con trai. Anh Tám liên hệ với xã Phước Thuận và cùng với địa phương làm hồ sơ gửi lên trên công nhận liệt sĩ cho anh Tỉnh. Sau khi đưa hài cốt liệt sĩ vào Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, không đành lòng nhìn mộ người mẹ nằm lẻ loi nơi bìa nghĩa địa, anh tự tay dời lên khu chính giữa, cao ráo, rồi bỏ tiền túi 2,5 triệu đồng, xây mộ khang trang cho mẹ.

Có lần trong một bữa ăn giỗ nhà bà con, phát hiện người cùng bàn với mình làm nghề đốt than thường xuyên lên rừng. Anh hỏi: “Ông đi nhiều, có thấy mộ liệt sĩ hoặc dấu vết gì không?” Nghe trả lời là có thấy, anh bèn rút tiền bồi dưỡng cho người đốt than. Lúc đó Nhà nước chưa có chế độ trả tiền cho người chỉ mộ như bây giờ. Nhờ những nguồn tin này, anh đã tìm nhiều mộ ở nơi rừng sâu, núi xa. Lại có người ra thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thấy có tên Võ Trình ở Ninh Thuận, gọi điện về. Anh bèn ra tận nơi tìm hiểu, cùng người cháu liệt sĩ hiện ở xã Phương Hải, Ninh Hải làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho người dưới mộ.

Nắm chắc văn bản, không ngại khó, ngại khổ đã là đặc thù công việc của anh Tám. Có thông tin gì, anh lại phóng xe đi, dù núi cao, vực sâu. Những năm đơn vị chưa có nhà khách như bây giờ, thân nhân tìm liệt sĩ có người điều kiện khó khăn anh đưa về nhà ăn ở rồi cùng đi tìm mà không chút phiền hà.

Sống cùng lịch sử

Một ngày năm 2007, gia đình có quân nhân từng đi chiến trường K lên Ban chính sách gặp anh nói rằng từ khi xuất ngũ về, người thân của họ bị tâm thần mà không có bất cứ chế độ gì. Từ gia đình này, anh Tám phát phiếu điều tra những trường hợp tương tự ở trong tỉnh và trực tiếp đi từng nhà xác minh. Có cả thảy 8 người. Anh mang 8 bộ hồ sơ này ra Quân khu 5 và được gửi lên Bộ Quốc phòng. Sau đó, Bộ trưởng đã có văn bản nói rằng hiện nay toàn quốc còn sót hồ sơ 8 cựu quân nhân bị tâm thần và ra chỉ thị rà soát lại tất cả đối tượng này, tổ chức khám, giám định sức khỏe để có chế độ chính sách thỏa đáng. Nhờ vậy, 8 CCB của tỉnh Ninh Thuận đã có chế độ bệnh binh hàng tháng.

Một kỷ niệm tìm liệt sĩ mà anh Tám nhớ mãi đó là, cách đây nhiều năm, có người phụ nữ đến tìm anh để xin được làm chiếc mộ gió trong nghĩa trang tỉnh cho anh trai mình là Huỳnh Văn Sự, nguyên cán bộ tập kết ra Bắc, làm ngành an ninh của Trung ương, sau đó được đưa về tăng cường lại cho địa phương. Khi đi qua suối Tam Lang, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước thì bị địch phục bắn năm 1973. Giải thích vì sao phải làm mộ gió, người em gái trả lời rằng, gia đình đã tìm kiếm nhiều năm nhưng vô vọng nên không muốn anh thiếu nơi hương khói. Anh Tám không đồng ý chuyện mộ gió và hứa sẽ tìm ra cho bằng được. Anh làm việc với thị trấn Phước Dân và nhờ địa phương có thông tin gì về mộ liệt sĩ thì báo ngay cho anh. Tưởng bế tắc, thì ba năm sau, anh nhận tin báo, người dân phát hiện một hài cốt liệt sĩ ở suối Tam Lang với nhiều di vật như dây thắt lưng, dép cao su, chiếc ca I nốc bị bắn thủng... Anh Tám liền đi tìm người em gái để báo tin. Sau đó lễ an táng liệt sĩ Huỳnh Văn Sự đã được công an tỉnh tổ chức trang trọng. Người cán bộ trung kiên đã thực sự có tên trong Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

14 năm làm công tác chính sách, Thiếu tá Nguyễn Đình Tám đã phối hợp với các nhân chứng xác minh rồi làm chế độ thương binh, liệt sĩ cho hơn 200 trường hợp và cất bốc hơn 280 hài cốt liệt sĩ. Chưa có trường hợp nào thiếu chính xác hay bị điều tiếng. Anh được Bộ CHQS tỉnh, Sở LĐ, TB & XH tin tưởng, tạo điều kiện tối đa để các hồ sơ hoàn thành nhanh nhất. Anh nhận được nhiều bằng khen, hai lần báo cáo thành tích ở Quân khu 5 và toàn quân. Nhưng với anh, niềm hạnh phúc lớn nhất là đã làm hết sức mình để các hồ sơ không tồn đọng, kéo dài và người có công không bị quên lãng.