KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN (26/7/1960-26/7/2015):

Phát huy truyền thống, viện kiểm sát nhân dân tỉnh ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015 và các năm tiếp theo

(NTO) Ngày 26-7-1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) trong hệ thống bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ đó đến nay, ngày 26-7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hải
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, ngành KSND đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của Nhân dân. Bằng những kết quả của các lĩnh vực công tác kiểm sát, Viện Kiểm sát các cấp đã góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành KSND đã không ngừng nâng cao về chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm sát; hệ thống tổ chức Viện Kiểm sát các cấp ngày càng được kiện toàn, cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được tăng cường theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm sát viên vững vàng về lập trường chính trị, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức theo lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; công tác xây dựng ngành thường xuyên gắn với công tác xây dựng Đảng.

Hằng năm, ngành KSND đã yêu cầu khởi tố, truy tố nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, buôn lậu, tệ nạn xã hội và một số tội phạm nghiêm trọng khác, có tác dụng giáo dục phòng ngừa tốt, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các quyền dân chủ của công dân, phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới đất nước. Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; công tác kiểm sát thi hành án; kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được các cấp kiểm sát chú trọng và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Với những nỗ lực và thành tích đạt được, ngành KSND đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương Lao động, phần thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân.

 
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
trao Huân Chương Lao động hạng Ba cho Tập thể Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.

Hòa chung với thành tích của toàn ngành, từ khi Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được thành lập (tháng 4/1992) đến nay, dưới sự lãnh đạo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND, UBMTTQVN tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương, Viện Kiểm sát 2 cấp tỉnh Ninh Thuận luôn bám sát các yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm sát hằng năm, các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy Đảng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh,… đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm sát, góp phần vào việc bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đội ngũ cán bộ kiểm sát ngày càng trưởng thành, được củng cố và tăng cường. Khi mới thành lập năm 1992, Viện Kiểm sát 2 cấp tỉnh Ninh Thuận chỉ có 49 cán bộ, hầu hết đều là trình độ cao đẳng, trung cấp kiểm sát; nhưng đến nay, biên chế của đơn vị là 131 cán bộ, công chức, nhân viên, trong đó trình độ đại học chiếm tỷ lệ 96,63%.

Qua 23 năm với những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của tập thể lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên, ngành KSND Ninh Thuận đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 5 Huân chương Lao động hạng Ba cho 3 tập thể và 2 cá nhân, 8 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, cờ thi đua dẫn đầu khối của ngành.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong 55 năm qua, và thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Viện Kiểm sát 2 cấp tỉnh Ninh Thuận ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch công tác kiểm sát năm 2015 và những năm tiếp theo, không ngừng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp ở địa phương theo quy định của Hiến Pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động kiểm sát; Kết luận số 79-KL/TW ngày 28-7-2010, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; thực hiện NQTW4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”;

Chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành KSND là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của Viện kiểm sát. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng, phục vụ tốt Đại hội Đảng các cấp.

Thứ hai, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của Viện Kiểm sát trong kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, các vụ việc dân sự, hôn nhân&gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; chú trọng kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án; nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, dân sự, hành chính; Phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu theo Nghị quyết 37/2012/QH13 ngày 23-11-2012; Nghị quyết 63/2013/QH13 ngày 27-11-2013 của Quốc hội; Quyết định số 297/QĐ-VKSTC ngày 13-6-2012 và Quyết định số 62/QĐ-VKSTC ngày 22-2-2013 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách chế độ công vụ, công chức theo Kế hoạch số 59/KH-VKSTC ngày 5-6-2013 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch số 58/KH-VKS ngày 24-10-2013 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấp hành nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật và trật tự nội vụ trong ngành; kịp thời xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm. Hoạt động kiểm sát phải dựa vào Nhân dân, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng Viện Kiểm sát 2 cấp trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ngành KSND, mỗi cán bộ, công chức Viện Kiểm sát 2 cấp tỉnh Ninh Thuận càng tự hào về truyền thống tốt đẹp của ngành, càng nhận thức rõ trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, triển khai thực hiện tốt Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhà mãi mãi xứng đáng là công cụ của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.