GS Nguyễn Đình Chú - Tấm gương sáng của ngành Giáo dục

GS Nguyễn Đình Chú, sinh năm 1929, đến nay đã ở tuổi 87 mà vẫn phong độ như một người sung sức.

 Năm 2014, giáo sư vừa trải qua một trận ốm nặng “thập tử nhất sinh”, làm cho gia đình, bạn bè, học trò lo lắng đến mức đau buồn vì tưởng như mãi mãi không được gặp lại người thân nữa.

Ấy thế mà “Hoàng Thiên bất phụ hảo nhân tâm” (Trời không phụ người có lòng tốt). Đến nay, GS đã hoàn toàn bình phục, lại tự đi xe máy, lại lao vào công việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án, dự hội thảo khoa học của các trường đại học, các viện nghiên cứu… một cách không biết mệt mỏi.

Người thầy nhiệt tâm, nhà nghiên cứu nhiệt huyết

Nhìn lại quá trình nghiên cứu và giảng dạy, GS Nguyễn Đình Chú xứng đáng với mọi sự tôn vinh. GS là giảng viên cao cấp của khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Vì tài năng và đức độ, nên hầu hết các trường đại học trong và ngoài nước đều mời ông thỉnh giảng và coi đó là niềm vinh hạnh.

Trên các bục giảng của các Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xưa, (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), ĐHSP Vinh, ĐHSP Huế, ĐH Quy Nhơn, ĐH Đà Lạt, ĐHSP và ĐHTH Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐHSP Xuân Hòa, ĐHSP Việt Bắc, ĐH Viêng Chăn (Lào), ĐH Phnôm Pênh (Campuchia)… đều in bóng GS.

Những sinh viên, nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài đến du học, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Mỹ, Liên Xô (cũ)… đều được GS dìu dắt, hướng dẫn một cách tận tình.

Đến nay GS đã hướng dẫn hàng trăm luận văn cử nhân, hơn 80 luận án thạc sĩ và 16 luận án tiến sĩ, (trong đó 14 luận án đã bảo vệ với điểm số cao, còn 2 luận án đang được hoàn tất).

Về công tác nghiên cứu khoa học, GS đã có hàng trăm báo cáo khoa học, đọc tại các hội thảo, trong đó có hội thảo khoa học Quốc tế, với các tham luận có giá trị như: Nguyễn Du trong thời đại Hồ Chí Minh, Con đường Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở thành nhà văn hóa tương lai, Khoa Văn học sử Việt Nam trong Việt Nam học. GS còn có hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí, các báo tên tuổi như Tạp chí Văn học, báo Văn nghệ…

Những báo cáo khoa học, và bài báo của GS bao giờ cũng có sức thuyết phục vì những phát kiến khoa học mới lạ. Đến nay, GS đã viết trên 30 cuốn sách, đứng tên riêng và chung, rồi tuyển tập Nguyễn Đình Chú (tập một) với hơn 1.000 trang.

Tất cả những công trình nghiên cứu khoa học trên đều tập trung vào các tác gia văn học lớn của dân tộc, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà, Nguyễn Ái Quốc…

Thực ra, những tác gia này đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu, sách báo của nhiều tác giả, nhưng với cái nhìn của trí tuệ sắc sảo, của kiến thức uyên thâm và năng lực thẩm thơ văn rất nhạy bén nên GS Nguyễn Đình Chú đã khám phá phát hiện ra nhiều vấn đề mới, có tác dụng mở hướng cho việc nghiên cứu kế tiếp.

Đặc biệt là GS đã vận dụng những hiểu biết sâu sắc về triết học Nho, Phật, Lão, Mác - xít và triết học phương Tây, cùng các học thuyết tôn giáo và kiến thức lịch sử để phát hiện ra các phương hướng vận động có tính quy luật của lịch sử văn học Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Từ đó mà GS đã đặt lại vấn đề về cách phân kì trong lịch sử văn học Việt Nam, cũng như cấu trúc tổng thể của nó và mối quan hệ giữa các thành tố trong cấu trúc.

Ví dụ như giữa văn học dân gian và văn học viết, nếu nhìn ở góc độ phương tiện biểu hiện thì như thế nào, ở góc độ các thành phần dân tộc thì vị thế, chức năng và vai trò của nó ra sao…

Cống hiến suốt đời vì sự nghiệp chung

Ngoài công trình nghiên cứu riêng, GS còn tham gia bốn công trình nghiên cứu chung, cấp Nhà nước, đó là: Bộ Lịch sử Văn học Việt Nam, chương trình KX07, Từ điển Bách khoa Quốc gia, Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Có một số công trình của GS được lược thuật, dịch ở nước ngoài như ở Pháp, về vấn đề Truyện Kiều; ở Mỹ, về sự nghiệp văn chương của Tản Đà.

Với thành tựu giảng dạy và nghiên cứu khoa học lớn lao như vậy, nên GS đã được cấp hàng trăm giấy và bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Đại học (xưa) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (nay), hàng chục năm liền là chiến sỹ thi đua.

GS đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Hai và Huân chương Lao động hạng Hai. Năm 1984, được phong hàm Phó GS, năm 1991 được phong hàm GS. Rồi danh hiệu Nhà giáo Ưu tú ngày 20/11/1990, và Nhà giáo Nhân dân năm 1998.

GS Nguyễn Đình Chú đã đạt tới đỉnh vinh quang trong sự nghiệp giáo dục. Nếu như với người khác thì đã là mĩ mãn, nên dành quỹ thời gian còn lại để nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, vui cùng con cháu.

Nhưng với GS Nguyễn Đình Chú, thì lời dạy của tiền nhân “Sự năng tri túc tâm thường lạc, nhân đáo vô cầu phẩm tự cao” (Việc mà biết đâu là đủ thì lòng thường vui, Người mà không mưu cầu điều gì thì tự đó đã có phẩm hạnh cao), như đã thấm vào máu thịt và trở thành điều tâm niệm. GS vẫn tiếp tục đem hết sức lực, tài năng và trí tuệ của mình để cống hiến cho đất nước, cho thế hệ tương lai.

Tôi đến thăm GS, khi GS vừa qua cơn bệnh hiểm nghèo và đang bình phục, nhưng đôi mắt vẫn tỏa ra ánh sáng tinh anh mà hiền từ; vẫn giọng nói đầm ấm thân mật như thuở nào.

Tôi chưa kịp thăm hỏi về bệnh tình của GS, thì GS đã hỏi tôi về sức khỏe, về công việc, về gia đình làm cho tôi vô cùng xúc động. Hình như suốt cả cuộc đời GS luôn quên mình để quan tâm đến mọi người, vì thế mà cũng quên mình cho sự nghiệp giáo dục, quên mình cho văn chương.

GS Nguyễn Đình Chú là người thầy của nhiều thế hệ người thầy, là thần tượng về tài năng, trí tuệ và nhân cách của nhiều thế hệ học trò. Được làm học trò của GS, với tôi là cả một niềm vinh dự lớn.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại