Phòng Hậu cần - Kỹ thuật Công an tỉnh: Phục vụ tốt công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng

(NTO) Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Công an tỉnh là đơn vị chuyên môn có chức năng tham mưu và đảm bảo công tác hậu cần-kỹ thuật của toàn ngành, với tổng số gần 90 cán bộ, chiến sĩ (CB, CS). Trong những năm qua, thực hiện phương châm “Hậu cần bám sát cơ sở nắm tình hình và giải quyết ngay các yêu cầu thuộc thẩm quyền”, CB,CS làm công tác hậu cần-kỹ thuật đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo phục vụ tốt công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng của Công an tỉnh.

Thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở nội dung phát động thi đua của Giám đốc CA tỉnh, cấp ủy, lãnh đạo phòng Hậu cần-Kỹ thuật đã xây dựng nội dung đăng ký và tổ chức phát động CB, CS trong đơn vị thi đua thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Qua thi đua, phòng Hậu cần-Kỹ thuật đã làm tốt vai trò tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo CA tỉnh trong công tác đảm bảo hậu cần-kỹ thuật phục vụ yêu cầu chiến đấu, xây dựng lực lượng trên các lĩnh vực như: Đảm bảo kinh phí, phương tiện; đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa doanh trại, quản lý nhà đất; chăm sóc sức khỏe, đời sống CB,CS, công nhân viên. Trước hết trong lĩnh vực tài chính-kế toán, được coi là xương sống trong công tác đảm bảo hậu cần-kỹ thuật nên lãnh đạo phòng và các CB chuyên môn đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn hợp lý, từng bước đáp ứng nhu cầu về cơ sở, vật chất, trang thiết bị, đảm bảo phục vụ CB, CS các đơn vị làm việc, sinh hoạt thuận lợi. Tính đến nay, có 17/18 CA phường, thị trấn, 6/7 CA huyện, thành phố được đầu tư xây dựng trụ sở mới.

 
Cán bộ, chiến sĩ Đội Xây dựng cơ bản (Phòng Hậu cần-Kỹ thuật Công an tỉnh) trong giờ làm việc.

Đáng chú ý trong công tác hậu cần-kỹ thuật là công tác quản lý vật tư, phương tiện. Thực hiện tốt nguyên tắc “hậu cần 4 tại chỗ”, phòng Hậu cần-Kỹ thuật đã thường xuyên kiểm tra duy tu, bảo dưỡng các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động trong công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Thượng tá Trần Thanh Phiến, Phó trưởng phòng Hậu cần-Kỹ thuật cho biết: Do đặc thù nhiệm vụ, các CB, CS của đơn vị luôn túc trực ngày đêm, sẵn sàng đảm bảo yêu cầu phục vụ các đơn vị CA làm nhiệm vụ tuần tra, tác chiến. Đơn cử Đội xe, hễ có lệnh là khẩn trương lên đường, nhất là trong các đợt cứu nạn, cứu hộ lũ lụt, các CB, CS đã không quản ngại mưa gió, vất vả, kịp thời đưa ca-nô, các phương tiện ứng cứu đến nơi đang cần. Bên cạnh đó, CB, CS phòng Hậu cần-Kỹ thuật còn nắm thực lực, kiểm tra đánh giá và hướng dẫn kỹ thuật, bảo dưỡng nâng cao chất lượng phương tiện, vật tư kỹ thuật, công cụ hỗ trợ cho các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu. Nổi bật là đã tham mưu tốt chế độ phân công, phân cấp về quản lý tài sản, phương tiện kỹ thuật; phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của CB, CS và công nhân viên trong việc tham gia bảo vệ tài sản công, qua đó góp phần phòng ngừa, hạn chế việc sử dụng phương tiện, tài sản sai quy định trong lực lượng CA tỉnh.

Một số công tác khác như: chăm sóc sức khỏe, phục vụ việc khám chữa bệnh cho CB, CS và công tác nuôi quân cũng đều được phòng Hậu cần-Kỹ thuật chú trọng thực hiện tốt. Qua xây dựng mô hình Bếp ăn tập thể “văn minh, lịch sự” của CA tỉnh với tinh thần thái độ phục vụ niềm nở, ân cần, chu đáo, phòng đã từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn; thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ về đời sống của CB, CS.

Theo Thượng tá Trần Thanh Phiến, sự đổi mới về công tác hậu cần-kỹ thuật trong thời gian qua cơ bản là đổi mới về nhận thức và cách làm. Trong quá trình tổ chức thực hiện đều có tính toán, lựa chọn những bước đi thích hợp cho từng phần việc cụ thể. Với kết quả đạt được, từ năm 2010 đến 2014, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật liên tục được Bộ CA tặng cờ thi đua; riêng năm 2012 là đơn vị tiên tiến được Bộ CA tặng 3 bằng khen, CA tỉnh tặng 6 giấy khen. Đơn vị đã được lãnh đạo CA tỉnh chọn là điển hình phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.