DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Hỗ trợ phát triển mô hình chuối cấy mô ở Lâm Sơn

(NTO) Xã Lâm Sơn hiện có trên 13.000 nhân khẩu, trên 3.100 hộ dân sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36%. Triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTNT), trong định hướng phát triển chuỗi giá trị thế mạnh về cây ăn quả với một số loại chủ lực như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi, măng cụt, địa phương còn thí điểm thực hiện mô hình trồng chuối cấy mô với mục tiêu tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Theo Ban Phát triển HTTN xã Lâm Sơn, hiện trên địa bàn có khoảng 200 ha đất trồng chuối, chủ yếu tập trung ở 5 thôn có đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống: Tầm Ngân 1, Tầm Ngân 2, Gòn 1, Gòn 2 và Lập Lá. Ngoài nguồn thu nhập từ các ruộng lúa, rẫy bắp và vườn tạp, một số hộ gia đình nhờ thu nhập từ cây chuối đã góp phần mang lại cuộc sống ổn định hơn.

Mô hình chuối cấy mô đang phát triển tốt tại thôn Tầm Ngân 1.

Tuy nhiên, hầu hết các diện tích chuối của người dân chủ yếu là giống chuối sứ địa phương, lại trồng tập trung ở những khu vực gò đồi, dốc núi; việc chăm sóc chủ yếu dựa vào yếu tố thời tiết nên sản lượng và chất lượng trái còn hạn chế; ngoài ra khâu vận chuyển về bán cho thương lái sau khi thu hoạch cũng rất khó khăn. Xác định cây chuối là loại cây dễ trồng, có thể cho thu nhập quanh năm và đạt hiệu quả cao nếu biết đầu tư chăm sóc hợp lý. Trên cơ sở định hướng của DASU huyện và khảo sát thực tế tại địa phương, năm 2014, Ban Phát triển xã đã thành lập một nhóm đồng sở thích trồng chuối với mô hình chuối cấy mô tại thôn Tầm Ngân 1, gồm 7 thành viên, hầu hết là hộ nghèo.

Ông Lê Tấn Lực, thành viên phụ trách hướng dẫn các nhóm sở thích của Ban Phát triển HTTN xã, cho biết: Sau lần đi tham quan học tập và tìm hiểu thực tế về mô hình trồng chuối cấy mô ở tỉnh Đồng Nai, nhận thấy chuối cấy mô dễ trồng, ít kén đất, cây sinh trưởng và phát triển nhanh, khả năng chống sâu bệnh tốt, trái cho nhiều gấp 2 đến 3 lần so với loại chuối thường, lại dài và đẹp. Ở tỉnh Đồng Nai, mô hình này đang rất phát triển và cho hiệu quả thu nhập rất cao. Vì vậy, địa phương đã quyết định triển khai thí điểm mô hình này tại khu vực thôn Tầm Ngân 1. Tham gia vào mô hình này, nhóm trồng chuối cấy mô được quỹ Dự án nhỏ canh tranh (CSG) của Dự án HTTN hỗ trợ gần 100 triệu đồng để hoạt động, các thành viên chỉ đối ứng 5% kinh phí.

Anh Katơr Ha Trận, trưởng nhóm mô hình trồng chuối cấy mô cho biết: Lâu nay, gia đình anh vẫn đang trồng vài trăm gốc chuối sứ trên khu vực dốc núi, thu nhập từ loại chuối này rất thất thường, thời gian qua nắng hạn, một số cây đã chết. Thông qua kinh phí của dự án, từ tháng 11- 2014, 7 thành viên của nhóm bắt đầu triển khai trồng thí điểm 1.300 gốc chuối cấy mô, trên diện tích 2,4 ha đất vườn, nhóm được hỗ trợ thêm 1 máy cắt cỏ, 1 máy phun thuốc. Theo kế hoạch, đến tháng thứ 12 kể từ ngày bắt đầu trồng sẽ thu hoạch đánh giá chất lượng. “Hiện nay, các diện tích chuối đang bước vào tháng thứ 7 và qua 3 lần bón phân. Nhìn chung, dù thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng cây vẫn sinh trưởng khá tốt, dự kiến trong tháng tới chuối sẽ bắt đầu trổ quày”- anh Trận nhận định. Được biết, khi triển khai mô hình trồng chuối cấy mô, để tận dụng các khu vực đất trống hàng, các nhóm thành viên còn triển khai trồng xen canh 2.400 cây đu đủ cao sản.

Mặc dù phải đến cuối tháng 10, mô hình mới có đánh giá cụ thể về tính hiệu quả, nhưng với việc định hướng thu hút bà con chuyển biến nhận thức từ trồng cây theo hướng truyền thống, sang hướng đầu tư chăm sóc, tham gia vào các mô hình có áp dụng KHKT đã là bước thành công của dự án. Được biết, để đảm bảo một phần đầu ra cho sản phẩm chuối mô hình này, Ban Phát triển xã cũng đã kết nối bước đầu với một thương lái có cơ sở thu mua trái cây thuộc quy mô vừa tại địa phương. Qua kết nối, thương lái đã có những hỗ trợ vốn bước đầu cho 2 nhóm trồng chuối khác đang thành lập và chuẩn bị đi vào hoạt động ở thôn Tầm Ngân 2.