Hiệu quả mô hình nuôi heo sử dụng hầm Biogas ở Quảng Sơn

(NTO) Quảng Sơn là một trong 6 xã của huyện Ninh Sơn được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh. Ngoài thế mạnh về phát triển cây nguyên liệu mía và mì, địa phương còn phát triển thêm về chăn nuôi, trong đó chăn nuôi hộ gia đình khá phổ biến với tổng đàn heo hiện có trên 6.500 con.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phát triển Tam nông xã, trong tổng số đàn heo hiện có của địa phương thì số lượng heo người dân đang nuôi quy mô trang trạng CP chiếm khoảng 1.800 con, còn lại trên 4.750 con chủ yếu là nuôi kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ. Đối với các trang trạng heo theo mô hình CP, hầu hết đều nằm cách xa khu vực dân cư và có hướng xử lý nước thải nên cơ bản đảm bảo vấn đề môi trường. Riêng việc nuôi heo kinh tế hộ gia đình, thời gian qua, người dân chưa thật sự quan tâm đến việc xử lý nước thải, không chỉ gây ô nhiễm đến các nguồn nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân ở khu dân cư. Đây cũng là một trong những khó khăn mà chính quyền xã Quảng Sơn đang tìm hướng tháo gỡ.

Ông Nguyễn Sáu giới thiệu hầm Biogas của gia đình.

Để khắc phục vấn đề ô nhiễm, đồng thời tận dụng được lượng chất thải ra môi trường một cách hiệu quả trong chăn nuôi thì việc xây dựng hầm Biogas được xem là biện pháp ít tốn kém và mang lại hiệu quả dài lâu cho người dân nuôi heo. Trên cơ sở định hướng của DASU huyện và lựa chọn chuỗi giá trị sản xuất thế mạnh để phát triển, ngoài các nhóm về trồng trọt thì Ban Phát triển xã đã thành lập được một nhóm chăn nuôi heo theo mô hình sử dụng hầm Biogas với 10 thành viên, được chia làm 2 tổ: La Vang 1 và Triệu Phong 1. Tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân được Dự án hỗ trợ 80% kinh phí, chỉ phải bỏ 20% phí đối ứng.

Bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 11-2014, đến nay qua hơn nửa năm thực hiện, mô hình đã phát huy thấy rõ. Ông Nguyễn Sáu, Tổ trưởng Tổ nuôi heo sử dụng hầm Biogas thôn La Vang 1 cho biết, gia đình ông nuôi hơn 30 con heo thịt và 5 con heo nái, nhà nằm trong khu vực dân cư nên mỗi lần vệ sinh chuồng, nước thải dù thải ra sau khu vực vườn nhà nhưng vẫn gây mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Kể từ khi đưa vào sử dụng hầm Biogas, tình trạng này đã giảm hẳn. Được biết, diện tích hầm Biogas nhà ông Sáu có đường kính rộng khoảng 2,7m, sâu 3m, thể tích chứa khoảng 7m3 khí thải, với tổng kinh phí đầu tư gần 25 triệu đồng, ông được Dự án hỗ trợ 18 triệu đồng.

Có thể nói, bên cạnh việc xử lý được lượng nước thải tránh ô nhiễm môi trường, thì việc hầm Biogas còn tích trữ được lượng gas qua phần điều hòa áp suất, giúp bà con có thể sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, từ đó tiết kiệm được một phần kinh phí đáng kể.

Xã Quảng Sơn hiện có gần 4.000 hộ dân sinh sống, theo ước tính của Ban Phát triển xã thì số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trong khu vực dân cư là khá lớn. Mô hình nuôi heo sử dụng hầm Biogas là rất hợp lý. Theo đồng chí Nguyễn Văn Lâm, từ việc giải quyết được vấn đề môi trường trong khu dân dư, đã góp phần giảm được tình trạng người dân trong xóm, làng khiếu nại vì nuôi heo gây ô nhiễm. Qua hiệu quả bước đầu của 10 hộ nhóm nuôi heo thực hiện trong năm 2104, vừa qua đã có thêm 15 hộ trên địa bàn xã đăng ký tham gia thực hiện mô hình này, và dự kiến đầu quý III năm nay, các hộ sẽ được hỗ trợ đưa vào sử dụng.

Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh vừa tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất hành, tỏi an toàn cho 71 hộ nông dân trong nhóm cùng sở thích của xã An Hải, huyện Ninh Phước. Trong thời gian 2 ngày, các nông dân được tập huấn các nội dung lợi ích của GAP trong sản xuất nông nghiệp bền vững; một số vấn đề chung khi sản xuất hành, tỏi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; tham quan thực tế mô hình sản xuất hành, tỏi an toàn tại thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải (Ninh Hải), nhằm giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất trên địa bàn xã.