DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Tập trung hoàn thành mục tiêu dự án trong năm 2015

(NTO) Trong chiến lược chính năm 2015, Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh chú trọng hoạt động giảm nghèo thông qua việc xúc tiến, hỗ trợ môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Theo đó, xác định mục tiêu là sử dụng có hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết nguồn vốn tài trợ theo kế hoạch đã được phê duyệt; tổng kết các bài học kinh nghiệm và mô hình thành công, chuyển giao các kết quả đạt được để tiếp tục nhân rộng, góp phần hỗ trợ tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Đồng chí Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc PCU chủ trì thảo luận kỹ năng hoạt động
tổ, nhóm cùng sở thích.

Theo Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU), nhìn lại từ đầu năm đến nay, có thể thấy kết quả nổi bật mà Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đạt được như: Hình thành 3 mô hình liên kết thông qua Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp (CBG) đối với các chuỗi dê, cừu, táo, nho; đẩy nhanh việc triển khai Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG) và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên, đặc biệt là giữa cấp tỉnh, huyện và xã thông qua các buổi làm việc, thảo luận theo chuyên đề, từng bước nâng cao năng lực và sự hiểu biết về dự án cho cán bộ chuyên trách cấp xã. Tính đến đầu tháng 5, toàn dự án đã triển khai 78/419 hoạt động, chiếm 18,6% kế hoạch năm, riêng trong tháng 4 triển khai 45 hoạt động. Đáng chú ý là đã tổ chức các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp (DN) với các tổ, nhóm sản xuất để hình thành mối liên kết sản xuất-thị trường, giữa khối tư nhân-người sản xuất; đến nay, bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết như chuỗi bắp ở các xã Phước Bình (Bác Ái) và Phước Vinh (Ninh Phước); chuỗi lúa giống ở xã Nhị Hà (Thuận Nam); chuỗi khoai mì ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn). Hiện PCU đang tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ để thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất này cũng như hình thành thêm các mô hình mới.

Đối với Quỹ CBG, đã chọn được 3 đề xuất của các DN thuộc các chuỗi dê, cừu, táo và nho với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng; trong đó, vốn đối ứng của DN là 2,1 tỷ đồng. Đã tổ chức công bố và chuẩn bị ký hợp đồng tài trợ giữa PCU và DN; bước đầu đang triển khai kêu gọi vòng tài trợ thứ 2, trước mắt có 12 đề xuất tham gia thuộc các chuỗi bò, chuối, nho, mía, bắp, tỏi. Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cùng với PCU tiến hành đánh giá nhanh năng lực của các DN tham gia để làm căn cứ cho Hội đồng xét tuyển CBG thông qua, sớm giải ngân nguồn vốn này. Về triển khai quỹ CSG, các Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) đã hỗ trợ các xã tập huấn cho tổ, nhóm phương pháp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đề xuất tài trợ. Trong tháng 4, có 2 huyện Bác Ái và Ninh Hải đã tổ chức chấm điểm cho 17 đề xuất (của 150 hộ nghèo, cận nghèo) được hưởng lợi, với tổng vốn đề xuất khoảng 1,5 tỷ đồng. Các huyện còn lại đang tích cực hướng dẫn đăng ký hồ sơ mới theo quy định để thành lập hội đồng xét duyệt. Ngoài ra, các huyện cũng tích cực kiểm tra và hướng dẫn cho các đề xuất trong năm 2014 hoạt động theo đúng quy định.

Chỉ còn chưa đầy một năm nữa, dự án sẽ kết thúc, trong khi kinh phí vẫn còn lại hơn 50%, vì vậy đòi hỏi phải quyết liệt thực hiện việc giải ngân hết nguồn vốn. Theo đó, PCU xác định trong thời gian tới cần tập trung điều hành sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ Phát triển cộng đồng do xã làm chủ đầu tư; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn thuộc các Quỹ CSG, CBG, Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) và Quỹ Phát triển kinh tế phụ nữ. Riêng Quỹ Phát triển cộng đồng tập trung triển khai thi công các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất; đầu tư cây, con giống, vật tư, trang thiết bị sản xuất; thực hiện đào tạo, nâng cao năng lực cho người dân theo phương thức tại hiện trường; mời các DN tham gia đào tạo gắn với thu mua sản phẩm.

Để đạt được các mục tiêu của dự án, PCU đã đề ra các giải pháp thực hiện cho các DASU, các đơn vị đồng thực thi và các xã. Trong đó, trọng tâm là kết hợp rà soát, củng cố hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN trong và ngoài tỉnh của các tổ, nhóm cùng sở thích, tổ hợp tác, HTX, tạo điều kiện cho các tác nhân này dễ dàng tiếp cận nguồn lực các quỹ của dự án để nâng cấp các chuỗi giá trị. Mục tiêu đến cuối năm 2015, sẽ tăng thêm 20% thu nhập cho các hộ gia đình và tổ, nhóm tham gia nâng cấp chuỗi giá trị.