Phước Thái kết nối nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất lúa

(NTO) Phước Thái là một trong những xã trọng điểm lúa của huyện Ninh Phước. Toàn xã có hơn 800 ha đất trồng lúa, do đó, khi triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), Ban Phát triển xã Phước Thái đã xác định cây lúa là một chuỗi giá trị quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo Ban Phát triển xã Phước Thái cho biết, trong 6 chuỗi giá trị được Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh phân tích, đánh giá và nâng cấp, qua hướng dẫn của DASU huyện, người dân ở 8 thôn trong xã đã chọn 5 chuỗi giá trị đặc thù là bò, dê, cừu, lúa, táo và 1 chuỗi thế mạnh là chăn nuôi gà để giúp các hộ nghèo trong xã vươn lên. Dựa trên các chuỗi giá trị đó, đến nay xã đã thành lập được 28 nhóm đồng sở thích (NST), trong đó có 2 nhóm nuôi bò, 5 nhóm nuôi gà, 9 nhóm nuôi cừu, 8 nhóm nuôi dê và 4 nhóm trồng lúa; hầu hết các NST được phân bố đều các thôn. Riêng nhóm lúa, Ban phát triển xã ưu tiên thành lập 2 nhóm với 60 thành viên ở thôn Tà Dương là thôn đặc biệt khó khăn của xã, bà con đồng bào Raglai còn hạn chế trong việc tiếp cận phương thức canh tác lúa mới “1 phải, 5 giảm”; hai nhóm còn lại được thành lập ở thôn Như Bình và Như Ngọc. Để tạo hạ tầng cơ sở cho sản xuất nông nghiệp, dự án đã hỗ trợ vốn cho địa phương xây dựng 2 công trình cầu nội đồng phục vụ vận chuyển nông sản thuộc cánh đồng Như Bình-Như Ngọc và 3 công trình sân phơi ở các thôn: Tà Dương, Thái Giao và Như Ngọc; hỗ trợ các NST xây dựng chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ giống cây, con và vật tư nông nghiệp. Trong năm nay, Ban Phát triển xã tiếp tục thi công sân phơi Hoài Ni góp phần giải quyết nhu cầu phơi lúa vào vụ gặt, hạn chế tình trạng phơi tràn lan trên đường giao thông như thời gian qua bà con địa phương vẫn làm.

 
Nông dân xã Phước Thái thu hoạch lúa hè - thu. Ảnh: Anh Tùng

Tiếp xúc với nông dân các NST trồng lúa của xã Phước Thái được biết, một trong những lợi ích từ Dự án HTTN mà họ nhận được là thông qua hoạt động của NST, nông dân biết liên kết trong sản xuất để tạo giá trị kinh tế bền vững; đồng thời qua kênh hỗ trợ của dự án, Ban phát triển xã đã đứng ra kết nối người trồng lúa với Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố, tạo kênh thu mua lúa ổn định cho nông dân. Anh Ja-ghê Hoàng Thọ, Trưởng NST trồng lúa thôn Tà Dương cho biết: Từ lâu, đa số bà con Raglai trong thôn quen với canh tác lúa nước truyền thống, nay có chương trình Tam nông triển khai tập huấn kỹ thuật trồng lúa “1 phải, 5 giảm” và giúp nông dân yên tâm hơn trong khâu tiêu thụ lúa thịt khi có Công ty CP giống cây trồng Nha Hố kết nối với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Như Bình cung ứng giống, phân, thuốc và bao tiêu. Từ các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, trong vụ hè-thu tới đây, 60 hộ thành viên 2 NST của thôn sẽ áp dụng kỹ thuật quy trình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” vào đồng ruộng của gia đình, từ khâu làm đất, sạ giống, chăm sóc, phòng trị bệnh trên lúa.

Đặc biệt, chúng tôi thấy yên tâm phần nào khi có doanh nghiệp cam kết thu mua lúa thịt với giá tốt hơn giá ngoài thị trường.

Ông Lưu Văn An, thành viên Ban phát triển xã nhìn nhận: Thông qua Dự án HTTN, việc liên kết trong sản xuất lúa không chỉ giúp nông dân nắm vững kỹ thuật canh tác mà còn được hỗ trợ giống lúa, vật tư phân bón, máy sạ hàng, máy bơm thuốc để đảm bảo chất lượng khâu sản xuất và đảm bảo an toàn sức khỏe cho nông dân. Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, mô hình liên kết còn giúp cho địa phương chủ động được nguồn giống lúa xác nhận do Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố cung cấp, góp phần nâng cao và ổn định năng suất. Qua đây có thể thấy rằng, tuy việc kết nối giữa các NST trồng lúa với doanh nghiệp được Ban phát triển xã Phước Thái triển khai bước đầu, nhưng nếu đẩy mạnh việc liên kết trên cả hai lĩnh vực cây trồng và vật nuôi, tạo ý thức làm ăn tập thể sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, đặc biệt là tạo đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất.