Ngành Y tế tỉnh nhà và những thành tựu

(NTO) Nhìn lại chặng đường 23 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (1992-2015), ngành Y tế Ninh Thuận đã lớn mạnh về mọi mặt, cơ sở vật chất các đơn vị trong ngành khang trang, sạch đẹp và tiện nghi hơn, đội ngũ cán bộ lớn mạnh cả về số lượng và trình độ chuyên môn, nhiều thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng, nhiều thành tựu khoa học được ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân tỉnh nhà

BS. Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế

I. Phát triển hệ thống y tế

1. Tổ chức bộ máy và nhân lực

Cơ cấu bộ máy tổ chức của ngành từ 8 đơn vị tuyến tỉnh, đến nay, đã có 19 đơn vị, tăng gấp 2,4 lần so với năm 1992; 7 đơn vị tuyến huyện, tăng 75%. Mỗi đơn vị tuyến huyện hiện nay có Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số-KHHGĐ và các phòng khám đa khoa khu vực; 65 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, tăng 13 trạm so với năm 1992. Nhân lực của ngành từ 982 người, đến nay đã có 2.528 người, tăng 2,6 lần. Số bác sĩ: 420 người, tăng gấp 5,7 lần so với năm 1992, đạt 7,1 BS/10.000 dân. Đã có 31/65 trạm có bác sĩ làm việc, đạt 47,7%, so với trước năm 2000 chưa có bác sỹ ở trạm y tế; 37/65 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế, chiếm tỷ lệ 56,9%.

2. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất

Các Bệnh viện tỉnh, huyện và các Trung tâm phòng bệnh tuyến tỉnh đều được xây mới hoặc nâng cấp mở rộng, bổ sung trang thiết bị. Các Trung tâm Y tế huyện, thành phố cũng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hoạt động. 65/65 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều có Trạm Y tế.

 
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ nội soi điều trị bướu giáp cho bệnh nhân. 

II. Thành tựu trên lĩnh vực y học dự phòng

Các bệnh dịch như tả, thương hàn: Từ năm 1996 đến nay, không có trường hợp mắc tả; bệnh thương hàn được khống chế từ năm 2002. Số ca mắc sốt xuất huyết giảm dần theo từng năm, nếu năm 1998, số ca mắc 846 ca/100.000 dân thì đến nay, giảm còn 20,7 ca/100.000 dân. Những bệnh dịch mới nổi như cúm A(H1N1, H5N1), tay chân miệng, sởi... được kiểm soát kịp thời, không để xảy ra dịch lớn. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 80% trong thập niên 1990 và tăng dần theo từng năm, đến năm 2014 đạt 97,1%, đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc và chết các bệnh trong chương trình tiêm chủng. Năm 1993, bệnh uốn ván sơ sinh xảy ra với 20 ca thì đến năm 2014, không còn trường hợp mắc uốn ván sơ sinh. Ninh Thuận đã đạt mục tiêu thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và khống chế bệnh sởi theo tiêu chí của Bộ Y tế đề ra.

Số người mắc và chết do sốt rét giảm rõ rệt: Số bệnh nhân sốt rét 1.079 ca, giảm 81,3% so với năm 1992 (1.079/5.759); số ca sốt rét ác tính 2 ca, giảm 99,2% (2/261); không có dịch sốt rét xảy ra và không có tử vong do sốt rét (năm 1992, có 33 ca tử vong).

Mạng lưới phòng, chống bệnh lao ngày càng được mở rộng từ tỉnh đến cơ sở. Với phác đồ 3 thuốc, năm 1992, tỷ lệ lành bệnh rất thấp (31,3%) do bệnh nhân không được quản lý tốt nên thất bại và bỏ trị cao (12,3%) nhưng nhờ mạng lưới hoạt động hiệu quả nên đến năm 1995, tỷ lệ lành bệnh tăng lên, duy trì ở mức 75%, tỷ lệ thất bại và bỏ trị giảm còn 7% năm 1995 và dưới 5% từ năm 2000. Từ khi triển khai DOTS, kết quả điều trị lành của toàn tỉnh hàng năm đều đạt trên 85% và giữ mức trên 90% từ năm 2005 đến nay, tỷ lệ bỏ trị dưới 3%, tỷ lệ chết dưới 5%.

Năm 1997, có 186 bệnh nhân phong mới phát hiện, đến năm 2014, số bệnh nhân phong mới giảm rất rõ, chỉ còn 3 bệnh nhân, chứng tỏ nguồn lây cơ bản đã được khống chế. Dự kiến năm 2015 sẽ loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh.

Trước tái lập tỉnh, bệnh nhân tâm thần phân liệt không được quản lý, điều trị tại cộng đồng. Đến năm 2002, chương trình Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng được triển khai, đến cuối năm 2010, công tác điều tra, quản lý bệnh tâm thần đã phủ 100% xã, phường và tiếp tục được củng cố và duy trì. Hiện nay, số bệnh nhân tâm thần phân liệt được quản lý, điều trị là 979 bệnh nhân, chiếm 0,16% dân số.

 
Bệnh viện Ninh Hải đầu tư trang bị máy xét nghiệm sinh hóa tự động, nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân. 
Ảnh: TL

Về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản: Năm 1992, chỉ có 54% phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế và 65% phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc, đến nay, công tác quản lý thai nghén, chăm sóc sức khỏe bà mẹ có thai trước, trong và sau khi sinh do cán bộ y tế thực hiện ngày càng tốt hơn, tại các xã miền núi có lực lượng cô đỡ thôn bản, nhận thức của nhân dân về làm mẹ an toàn nâng lên, tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đạt 99,2% và tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 97%; tai biến sản khoa giảm mạnh, mỗi năm, trung bình giảm 0,05%; năm 1992, có 168 trường hợp tai biến sản khoa, chiếm 21,9‰; năm 2014, giảm xuống còn 23 trường hợp, chiếm 1,88‰ (theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em-Bộ Y tế, năm 2014, tỷ lệ tai biến sản khoa cả nước là 3,91%).

Về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em: Thực hiện tốt Chiến lược Quốc gia Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên toàn tỉnh và kết quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (cân nặng theo tuổi) giảm xuống từ 52,3% năm 1992, xuống còn 18,9% năm 2014, trung bình mỗi năm 1,2-1,5%, dự báo đạt được chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII giao là 18%.

Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình: 65/65 xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách làm công tác dân số là viên chức thuộc Trạm Y tế; có 1.250 cộng tác viên dân số ở thôn, khu phố. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2014 là 1,08% (năm 2000: 1,93%); tỷ số giới tính khi sinh được kiểm soát; năm 2003, tỷ số này là 117, năm 2014, giảm còn 111,1 (dưới mức cho phép là 113 nam/100 nữ).

III. Thành tự trên lĩnh vực khám, chữa bệnh

Trước năm 1992, Bệnh viện Ninh Thuận là bệnh viện khu vực của tỉnh Thuận Hải (cũ). Từ tháng 4-1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận được thành lập dựa trên cơ sở của một Bệnh viện khu vực với 400 giường bệnh. Trang thiết bị y tế thiếu hụt nghiêm trọng và lạc hậu, Khoa Chẩn đoán hình ảnh chỉ có một máy X quang của Liên Xô (cũ) và một máy siêu âm trắng đen, Khoa Xét nghiệm chỉ làm được đếm hồng cầu, bạch cầu, tốc độ lắng máu. Kết cấu hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp, các khoa Dược, Lao, Nhiễm, Liên chuyên khoa được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Cán bộ Trạm Y tế xã Phước Kháng (Thuận Bắc) tổ chức tiêm chủng vắc-xin sởi cho học sinh.
Ảnh: Văn Miên

Từ sau tái lập tỉnh đến nay, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ngành, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể cán bộ, viên chức nên bệnh viện đã phát triển về nhiều mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được xây mới, cơ sở khang trang với khả năng kê được 900 giường, bổ sung nhiều trang thiết bị hiện đại, đồng thời được hỗ trợ của tuyến trên thông qua Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh đã triển khai được nhiều kỹ thuật điều trị mới, trong đó có 44 kỹ thuật của tuyến Trung ương. Đến nay, Khoa Ngoại Chấn thương đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao như: Mổ thoát vị đĩa đệm trượt cột sống, thay khớp háng, thay khớp gối, nội soi khớp, vi phẫu tạo hình... Đặc biệt, đã thực hiện thành công đại phẫu thay khớp háng cho người cao tuổi (85-90 tuổi); Khoa Hồi sực cấp cứu triển khai Đơn thận nhân tạo và Lọc máu, liên tục cứu sống nhiều trưởng hợp bệnh hiểm nghèo; Khoa Nhi đã triển khai thành công kỹ thuật thở máy sơ sinh, đo huyết áp động mạch xâm lấn, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, lập đường truyền trong xương...; Khoa Sản thực hiện tốt kỹ thuật giúp sinh không đau đã thu hút nhiều sản phụ tham gia, kỹ thuật chẩn đoán tiền sản giúp phát hiện nhiều bệnh lý mẹ và con trong thai kỳ để xử lý sớm.

Từ năm 1992 đến nay, số bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đặc biệt là số sản phụ đến sanh mỗi năm mỗi tăng. Số bệnh nhân điều trị nội trú tăng từ 20.000 bệnh nhân trong năm 1993, lên đến 39.443 bệnh nhân trong năm 2014 (tăng 97,2%). Số sản phụ được giúp sanh tăng từ 2.000 trong năm 1993, lên đến 9.560 trong năm 2014 (tăng 378%). Số ca phẫu thuật từ loại đặc biệt, loại 1, loại 2 tăng từ 3.300 ca trong năm 1993, lên 8.888 ca trong năm 2014 (tăng 169%).