Bác Ái anh hùng hôm nay

(NTO) Kể từ ngày giải phóng tỉnh nhà, sau 40 năm sống trong hòa bình, rõ nhất là qua 14 năm tái lập huyện, huyện miền núi Bác Ái anh hùng đang “chuyển mình” thay đổi rõ rệt. Những ngày đầu tháng Tư, chạy xe từ Quốc lộ 27B lên trung tâm huyện Bác Ái, chúng tôi rất ấn tượng trước “bộ mặt” mới của thôn xóm nằm dọc hai bên đường.

Có thể nói con đường huyết mạch 27B đã tạo thuận lợi cho Bác Ái giao thương, rút ngắn dần khoảng cách với vùng đồng bằng và mở ra triển vọng cho hướng phát triển mới.

Trường THPT Bác Ái được Nhà nước đầu tư xây dựng góp phần quan trọng
đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Giao thông nói chung đang đóng vai trò quan trọng đối với sự bứt phá vươn lên của địa phương. Thực tế đã chứng minh rất sinh động, vừa qua, có dịp lên Phước Bình, một xã vùng cao xa xôi cách trở nhất huyện, chúng tôi được tận mắt nhìn ngắm những công trình cầu, đường đồ sộ phục vụ cho công trình thủy lợi hồ Tân Mỹ được xây dựng. Việc hoàn thành những cầu đường này không chỉ giúp khắc phục tình trạng tắc đường ở Phước Hòa mùa mưa lũ bao năm, mà còn tạo thông suốt cho cả tuyến giao thông Ninh Bình-Phước Bình dài trên 40 km. Theo kế hoạch, Bác Ái sẽ mở tuyến đường Phước Hòa-Phước Tân, kéo Phước Bình và Phước Hòa về qua ngả Phước Tiến gần với trung tâm huyện hơn. Trước đó, từ năm 2009, tuyến đường mới Phước Trung-Phước Đại cũng đã hình thành đưa vào sử dụng, rút ngắn được 40 km qua ngả Phước Chính, nối liền Phước Trung với trung tâm huyện.

Mô hình trồng mì cao sản được nông dân huyện Bác Ái đầu tư phát triển,
nâng cao hiệu quả kinh tế.

Việc “khai sơn, phá thạch” không chỉ để mở đường giao thông mới, từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và tỉnh, Bác Ái đã xây dựng 40 công trình thủy lợi (đập dâng, ao chứa nước), các hồ chứa nước lớn và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất; riêng công trình hồ chứa nước Sông Sắt với dung tích 69 triệu m3 phát huy hiệu quả, qua hệ thống kênh cấp 2, 3 đảm bảo nước tưới cho trên 1.800 ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đặc biệt công trình hồ Tân Mỹ đang khẩn trương thi công có ý nghĩa vô cùng quan trọng, một khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, đồng thời tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực mới. Ở các xã, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây mới, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhìn tổng thể, giao thông, thủy lợi và hàng loạt kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được xây dựng, đã làm thôn xóm ở Bác Ái mang bộ mặt mới. Toàn huyện hiện có gần 100% hộ có nhà xây khang trang, 80% hộ có ti-vi và có hơn 4.000 xe máy các loại. Đặc biệt, bà con dân tộc địa phương đã sản xuất ra hàng hóa nông sản trao đổi mua bán trên thị trường.

Trung tâm Y tế huyện Bác Ái phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Việc thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết (NQ) 30a của Chính phủ triển khai những năm qua cũng là một yếu tố tích cực giúp Bác Ái phát triển kinh tế-xã hội, từng bước nâng cao đời sống người dân. Bước đầu qua thực hiện NQ 30a và các chương trình lồng ghép đã hạ tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 8,2% (đã giảm từ 66,72% đầu năm 2011, xuống còn 29,83% hộ nghèo vào cuối năm 2014), cơ bản xóa tình trạng nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo; đạt được kết quả đáng phấn khởi về các mục tiêu hỗ trợ giao đất, giao rừng, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Nhân dân đầu tư phát triển chăn nuôi cừu. Ảnh: VM

Năm 2014, dù còn gặp nhiều khó khăn, song tổng giá trị sản xuất toàn huyện đã đạt 108% chỉ tiêu NQ đề ra, tăng 21% so với năm 2013. Về nông nghiệp, Bác Ái phát triển sản xuất theo hướng bố trí cây trồng phù hợp khí hậu, phát huy lợi thế về đất đai, thủy lợi gắn với thị trường tiêu thụ. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực hiện theo đề án được phê duyệt bước đầu mang lại hiệu quả; huyện đã quan tâm chỉ đạo hỗ trợ sản xuất tại các khu tái định canh; khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang tại các xã Phước Thắng, Phước Tân, Phước Thành. Với thế mạnh sẵn có, lĩnh vực chăn nuôi được Bác Ái tiếp tục duy trì, phát triển ổn định, quy mô tổng đàn gia súc đã tăng 20,4% so với năm trước.

Phấn khởi trước những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, Bác Ái tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương giàu truyền thống cách mạng ngày càng giàu đẹp.