Đổi thay trên vùng đất anh hùng Phước Bình

(NTO) Trong không khí hân hoan chào đón những ngày Tháng Tư lịch sử, chúng tôi ngược đường hơn 70 km, từ trung tâm Tp. Phan Rang–Tháp Chàm theo hướng Tây Bắc, về thăm xã anh hùng Phước Bình (huyện Bác Ái).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chính tại nơi đây giữa lưng chừng đèo Gia Túc, bẫy đá Pi-năng Tắc huyền thoại người con anh hùng của đồng bào Raglai. Ngày nay, Phước Bình đã và đang viết tiếp trang sử anh hùng trong thời kỳ đổi mới, từng bước đưa quê hương phát triển mọi mặt về kinh tế-xã hội.

Trồng bắp lai thương phẩm, một trong những mô hình mang lại hiệu quả
cho người dân Phước Bình..

Về Phước Bình hôm nay, điều đáng mừng đầu tiên là hệ thống giao thông đến trung tâm xã đã được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Được xem là địa phương ở xa nhất tỉnh ta, địa hình đồi núi dốc với đa số là đồng bào Raglai sinh sống, từng nhiều năm phải “vật lộn” với cái đói, cái nghèo thì nay Phước Bình đang tự hào là xã “giàu” nhất huyện miền núi Bác Ái. Phát huy thế mạnh đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế vườn-rừng, Phước Bình đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Sự thay đổi đáng “nể” của Phước Bình trước tiên phải kể đến là lĩnh vực phát triển kinh tế. Quay trở lại khoảng 10 năm trước, toàn xã ước tính chỉ có vài chục ha cây trồng, chủ yếu là cây bắp địa phương, cây đậu xanh và một số hoa màu… sản xuất mang tính tự cung tự cấp, hằng năm phải “chờ” nhận cứu đói giáp hạt của nhà nước, thì nay đã khác. Sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây đang phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, thu lợi nhuận cao.

Đường về trung tâm xã Phước Bình được đầu tư xây dựng khang trang.

Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng toàn xã hàng năm luôn đạt từ 1.700 đến hơn 1.800 ha. Trong đó, diện tích trồng cây bắp chiếm khoảng 90%, còn lại một số trồng cây đậu và lúa rẫy. Ngoài ra, hiện địa phương cũng có hơn 1.260 ha diện tích trồng cây lâu năm như chuối, đào lấy hột và một số diện tích cây ăn quả. Được biết, mô hình bắp lai đang phát triển rất mạnh ở Phước Bình, với diện tích mỗi vụ hàng trên 600 ha và năng suất luôn ổn định từ 4–5 tấn/ha/vụ. Thương hiệu chuối Phước Bình hiện cũng đang “rất nổi”, với khoảng 650 ha phủ xanh các gò đồi. Chuối Phước Bình không chỉ cung cấp cho thị trường tỉnh nhà, mà còn cung cấp cho các tỉnh ngoài như: Đồng Nai, Khánh Hòa… Theo tính toán, trung bình cứ mỗi hộ gia đình có khoảng 1 ha chuối, tương đương vài trăm gốc, với giá luôn ổn định từ 2.500-3.000 đồng/kg thì sẽ cho thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Được biết, nhờ vào cây chuối, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí trở thành hộ khá giả của địa phương. Trong phát triển kinh tế, ngoài các loại cây đang cho thu nhập ổn định, địa phương đã mạnh dạn trồng thử nghiệm thêm nhiều diện tích cây ăn trái, cây lâu năm khác như bưởi, cà phê, mít ruột đỏ, sầu riêng… Trong đó, một số loại cây đã cho thấy hiệu quả cao, điển hình như 10 ha sầu riêng lấy giống từ Đồng Nai được trồng thí điểm vào năm 2010, theo tính toán hai năm trở lại đây loại cây này cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm/ha. Đồng chí Pi Năng Hoàng, Chủ tịch UBND xã, phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, địa phương đã có sự phát triển rất rõ rệt. Đặc biệt từ năm 2008, khi có Chương trình 30a của Chính phủ, cùng nhiều chương trình, chính sách khác thì đời sống nhân dân ngày càng được ổn định. Ý thức vươn lên trong lao động sản xuất của bà con ngày càng có nhiều chuyển biến. Bà con biết chăm chỉ làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác vùng đất gò đồi để phát triển nông nghiệp, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khu tái định cư xã Phước Bình.

Góp phần cho sự phát triển của địa phương, đó là được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước rất nhiều công trình hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư khang trang phục vụ tốt nhu cầu dân sinh của người dân. Một trong những số đó có thể kể đến 2 khu tái định cư thôn Hành Rạc II và Bạc Rây II, với hơn 180 căn nhà hoàn thành vào năm cuối năm 2011, đáp ứng được nơi ở ổn định cho các hộ dân trong vùng sạt lở, ven sông, suối và những hộ dân còn khó khăn về nhà ở, từ đó, giúp bà con yên tâm sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống. Riêng trong tháng 5 tới đây, người dân thôn Hành Rạc 1 sẽ vui mừng “đón nhận” thêm cây cầu mới, dài gần 100 m được Nhà nước đầu tư gần 25 tỷ đồng, để xây dựng bắc qua con sông Cái, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản an toàn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày càng được hoàn thiện. Theo thống kê, hiện toàn xã không còn nhà tạm bợ, hơn 95% đường giao thông được bê-tông từ trung tâm xã về các thôn, khoảng 60% đường giao thông nội thôn được cứng hóa, hầu hết hộ dân đều có điện thắp sáng và nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; trên 95% trẻ em đến trường theo đúng độ tuổi, 100% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe; các chính sách với người có công luôn được đảm bảo đầy đủ. Đời sống người dân không ngừng được nâng lên, số hộ nghèo hằng năm luôn giảm ở mức trên dưới 5%. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 24%, thấp nhất so với các xã khác trên địa bàn huyện Bác Ái. Được biết, Phước Bình cũng là địa phương đầu tiên của huyện miền núi Bác Ái “tuyên bố” thoát đói giáp hạt kể từ sau khi có Chương trình 30a của Chính phủ.

Mới đây, câu chuyện xã Phước Bình nhường phần gạo cứu đói giáp hạt Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 của Chính phủ cho các địa phương khác, càng cho thấy sự đổi thay mạnh mẽ trong ý thức tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo và thể hiện tinh thần chia sẻ lúc khó khăn với cộng đồng của chính quyền và nhân dân trong xã. Đồng chí Pi Năng Hoàng cho biết: Thực tế xã vẫn có khoảng 218 hộ nghèo, tuy nhiên qua rà soát và xem xét kỹ xã không còn hộ thiếu đói. Sau khi có sự hỗ trợ của Chương trình 30a, cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, hầu hết người dân trên địa bàn xã đã biết phát huy thế mạnh sẵn có tập trung đầu tư phát triển các loại cây trồng phù hợp, mang lại nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Đời sống của đồng bào trong xã ngày càng ổn định, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu. Do vậy khi nhận chủ trương của huyện rà soát, lên danh sách hộ cứu đói giáp Tết vừa qua, xã đã nhiều lần tổ chức họp lãnh đạo thôn để lấy ý kiến nhưng hầu hết đều thống nhất nhường phần gạo cứu đói cho các xã khác.

Với những thành quả sau 40 năm quê hương giải phóng, tin rằng xã anh hùng Phước Bình sẽ còn đổi mới hơn nữa trong tương lai không xa. Đúng như lời chia sẻ hết sức mộc mạc của Cựu chiến binh Katơr Út (thôn Gia É): Đời sống bà con tuy vẫn còn khó khăn, nhưng đã tốt hơn trước rất nhiều rồi. Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư mọi mặt, người dân tích cực chăm lo làm ăn thì vài năm nữa Phước Bình sẽ đẹp và giàu hơn thôi.