Về thăm Vĩnh Hải anh hùng

(NTO) Qua 40 năm kể từ ngày giải phóng, xã Vĩnh Hải anh hùng đã khoác lên mình màu áo mới, màu áo đẹp tươi của vùng đất đang trên đà khởi sắc, nhân dân đồng lòng góp phần xây dựng quê hương.

Là xã nằm dọc bờ biển phía Đông Bắc của huyện Ninh Hải, Vĩnh Hải là vùng đất thiếu mưa, nhiều nắng, địa hình phức tạp với 88% tổng diện tích tự nhiên là rừng núi. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân và dân xã Vĩnh Hải, người Kinh cũng như Raglai đã kề vai sát cánh, dốc sức cùng nhân dân cả nước viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Xã có 24 mẹ Việt Nam Anh hùng, 246 liệt sỹ và hàng trăm thương, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Giờ lên lớp của giáo viên Trường THCS Ngô Quyền- trường học đầu tiên
đạt chuẩn quốc gia của xã Vĩnh Hải.

Đi qua 2 cuộc chiến tranh, đất và người Vĩnh Hải phải gánh nhiều đau thương, mất mát. Nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhân dân Vĩnh Hải tiếp tục một lòng đoàn kết, khắc phục những khó khăn để xây dựng quê hương. Cùng chúng tôi dạo bộ, thăm những đìa tôm ven biển, ông Võ Văn Bảy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hải chia sẻ: Sau ngày giải phóng, ở đây gần như là vùng đất “trắng”, hố bom chằng chịt, rừng núi hoang sơ. Mọi hoạt động giao thương gần như chỉ bằng đường bộ băng rừng hoặc ghe, thuyền trên biển. Sau ngày giải phóng, bà con trở về làng cũ, dựng tạm nhà cửa, lớp học… Người dân chủ yếu chỉ trồng lúa và một vài cây hoa màu nhờ vào nước trời. Đến năm 1992, nhân dân Vĩnh Hải bắt đầu thực hiện chuyển đổi sang trồng hành, tỏi… rồi những năm sau đó là nho, táo… Ngư dân làng biển Vĩnh Hy cũng phát triển nghề khai thác lưới đăng, đầu tư cải hoán tàu thuyền vươn ra khơi xa…

Bộ đội Biên phòng Đồn Vĩnh Hy hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước
cho đồng bào Raglai thôn Đá Hang.

Vĩnh Hải hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới. Tuyến đường ven biển hoàn thành càng đem lại nhiều thuận lợi và cơ hội mới để nhân dân Vĩnh Hải phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết, xã hiện có 5 thôn, với 1.697 hộ/6.620 khẩu. Được Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nên kinh tế-xã hội của địa phương những năm gần đây đã có nhiều bước tiến mới. Năm 1992, nếu như toàn xã chỉ có 2 trường TH, 1 trường Mẫu giáo, trạm y tế cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn… thì nay, xã đã có 2 trường THCS, 2 trường TH, 1 trường mẫu giáo được xây dựng khang trang, trong đó Trường THCS Ngô Quyền đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Trạm y tế ngoài điểm chính đóng tại trung tâm xã, còn có 2 phân trạm ở thôn Vĩnh Hy và Mỹ Hòa. Tất cả đều được đầu tư thiết bị y tế, bố trí cán bộ y tế… phục vụ tốt việc thăm, khám sức khỏe cho nhân dân. Xã có 5 thôn thì 3 thôn đã được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện. Năm 2014, sản lượng lương thực đạt 115,5 tấn; sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản đạt 580 tấn, thu ngân sách trên 165 triệu đồng…

Một góc Khu nghỉ mát Amanơi (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải). Ảnh: Văn Miên

Được xác định là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh, Vĩnh Hải thu hút nhiều nhà đầu tư, đã và đang hình thành các dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp như: Amanơi, Phát Hoàng Long, Thành Trung… giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương và góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Nhiều dự án, chương trình do Nhà nước triển khai tại Vĩnh Hải đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo đà cho nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững và vươn lên làm giàu. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của Vĩnh Hải chỉ còn 2,42%, giảm 4,5 lần so với năm 2010. 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường THPT, đại học, cao đẳng ngày càng nhiều, hứa hẹn một thế hệ tương lai năng động, đủ bản lĩnh và trí tuệ để tiếp tục xây dựng quê hương. Đặc biệt, 2 thôn đồng bào dân tộc Raglai là Cầu Gãy và Đá Hang những năm gần đây, khi được triển khai các dự án như: trồng cây phân tán, trình diễn lúa nước, nuôi ong lấy mật, nuôi bò sinh sản… đã giúp bà con ổn định cuộc sống, có thu nhập bền vững, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Những “đất chết” trong chiến tranh nay đã là đìa tôm, là vườn nho, ruộng hành… trù phú. Khu du lịch vịnh Vĩnh Hy được khai thác đúng tiềm năng, lợi thế ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bình quân hàng năm thu thút trên 50 ngàn lượt người đến tham quan. Tuyến đường ven biển nối liền đã rút ngắn khoảng cách từ Vĩnh Hải về trung tâm huyện và tỉnh, mở ra nhiều cơ hội mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.