Bác Ái - 40 năm một chặng đường phát triển

(NTO) Dãy núi Tà Năng vẫn sừng sững, hiên ngang như những người con Raglai của núi rừng Bác Ái những năm kháng chiến gian khổ, một thời theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng. Nét khởi sắc của Bác Ái trong những năm qua không thể không kể đến việc phát triển vượt bậc về kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất phát triển và đời sống dân sinh.

Chỉ từ năm 2009 đến nay, được sự đầu tư của Nhà nước thông qua Chương trình 135 và Nghị quyết 30a Chính phủ, cùng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các chương trình lồng ghép khác với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho huyện phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh và hệ thống giao thông thông suốt từ trung tâm huyện đến các xã, thôn. Hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt… được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần làm bộ mặt huyện nhà thêm khởi sắc.

Đường vào Trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: V.M

Hệ thống các hồ chứa nước Sông Sắt, Phước Trung, Trà Co với tổng dung tích trên 80 triệu m3 phục vụ tưới, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cây trồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh, bền vững, trong những năm qua, Bác Ái đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách và hỗ trợ khác cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất… Nhờ vậy, đến nay, hầu hết các thôn, xóm trên địa bàn huyện đã ổn định tái định canh, định cư, bà con đã biết làm lúa nước và sản xuất lúa lai mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Mấu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Từ khi giải phóng và nhất là từ ngày tái lập huyện đến nay, huyện Bác Ái đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội khá lớn, nhờ vậy đời sống của đại bộ phận nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đồng bào Raglai đã biết vươn lên thoát nghèo bằng thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với địa phương, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Có thể nói, sau ngày giải phóng Ninh Thuận, nơi đây là một vùng trắng về giáo dục và sau khi tái lập huyện Bác Ái, chỉ có 4 lớp THCS. Đến nay, toàn huyện có hơn 60 lớp THCS, với gần 1.300 học sinh; huyện đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, 100% số xã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Bà Trần Thùy Vân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vui mừng cho biết: Niềm vui lớn nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo Bác Ái là đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào về việc quan tâm đưa con em đến trường. Nếu như những năm trước đây, giáo viên và cán bộ thôn, xã phải đến từng nhà vận động bà con đưa con em đến trường thì nay, họ đã tự nguyện đưa con em đi học. Hơn nữa, nhiều chương trình vận động cha mẹ học sinh tham gia trồng cây, đổ bê-tông sân trường, nấu ăn trưa cho học sinh bán trú... được người dân tham gia rất tích cực. Đó là những tín hiệu tích cực cho ngành Giáo dục và Đào tạo Bác Ái ngày càng phát triển.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và kế hoạch 5 năm phát triển KT-XH huyện 2011-2015, năm 2015, huyện Bác Ái tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát huy truyền thống của một huyện anh hùng, trong sự nghiệp đổi mới, phát triển, quân và dân Bác Ái đã và đang chung sức, chung lòng, vượt qua khó khăn để đạt được những thành tựu quan trọng hơn nữa trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Các chính sách đầu tư của Nhà nước, kết hợp tinh thần tự lực, tự cường vươn lên của nhân dân địa phương, núi rừng Bác Ái hôm nay thực sự từng bước khởi sắc.