Hội thảo khoa học: Đập tan "Lá chắn thép" Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử:

Công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật tại chỗ của quân dân Ninh Thuận trong cuộc tiến công đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang

(NTO) Đầu năm 1975, trước những thắng lợi liên tiếp trên khắp chiến trường của ta, đã dồn địch vào thế hết sức bất lợi. Quân của Chính quyền Sài Gòn bị tổn thất nặng nề về quân số, tiêu hao lớn về vật chất kỹ thuật.

Chúng gấp rút sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Vùng 3 chiến thuật, cấp tốc tăng quân và ra sức hò hét: “Phải giữ bằng được sân bay Thành Sơn và thị xã Phan Rang”. Tại Ninh Thuận, chúng vội vã tổ chức “Tuyến phòng thủ từ xa” được chính quyền Sài Gòn coi là “Lá chắn thép”, nhằm chặn đứng cuộc tiến công thần tốc của đại quân ta.

Mặc dù Ninh Thuận là chiến trường ác liệt, xa sự chỉ đạo, hỗ trợ của cấp trên nhưng Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân từ đồng bằng, thành thị đến đồng bào các dân tộc sinh sống trên các huyện miền núi đối với lực lượng vũ trang như cá với nước, là con em của mình đã nuôi dưỡng, đùm bọc, chăm sóc bằng cả sự hy sinh tính mạng của mình. Nhân dân các dân tộc miền núi, các khu căn cứ kháng chiến, ở mỗi buôn, làng, mỗi gia đình đều hăng hái thi đua trồng thêm nhiều lương thực để bộ đội được ăn no, đánh thắng. Nhân dân ở đồng bằng, thành thị chắt chiu từng hạt gạo, viên thuốc, cân đường... mặc dù bị địch dồn dân, lập ấp kiểm soát gắt gao nhưng vẫn bằng mọi cách bí mật gùi ra cho bộ đội. Bất kỳ ở đâu, làm gì, nhân dân cũng sẵn sàng làm hết sức mình để nuôi quân, đánh giặc. Sức mạnh của nhân dân là vô tận để bảo đảm cho bộ đội đánh thắng quân thù.

Để bảo đảm lương thực, thực phẩm, vũ khí trang bị cho bộ đội, lúc này, cấp ủy và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã huy động, vận động nhân dân mọi vùng, miền tích cực quyên góp ủng hộ; các ban ngành của tỉnh, huyện, xã và đội công tác luôn ở bên dân để vận động nhân dân và lực lượng dân quân du kích tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí tiếp tế cho bộ đội, đến địa phương nào đồng bào cũng tổ chức nấu ăn tiếp tế cho bộ đội nên cán bộ, chiến sỹ đã tranh thủ được mọi thời gian vây giáp, tiến công tiêu diệt địch. Về vũ khí trang bị, lúc này, bộ đội ta chiến đấu đến đâu đều thu chiến lợi phẩm, tự trang bị đánh địch. Lực lượng quân y bệnh xá ở căn cứ được cơ động xuống vùng ven và các xã đã giải phóng đóng quân, xây dựng bệnh xá dã chiến để kịp thời cứu chữa thương, bệnh binh.

Trong suốt quá trình đó, quân và dân Ninh Thuận đã phải trải qua gian khổ nhất, khốc liệt nhất trước một kẻ thù được coi là hùng mạnh nhất, có nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Hơn nữa, Ninh Thuận là tỉnh có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, có nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, chặn đánh tàn quân của địch ở Đà Lạt chạy xuống, phối hợp với bộ đội chủ lực đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng tỉnh nhà. Đồng thời tạo bàn đạp, mở đường cho bộ đội chủ lực của ta tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với thắng lợi trên, công tác bảo đảm hậu cần-kỹ thuật đã góp phần không nhỏ, trong đó phải nói đến nhiệm vụ huy động nhân lực, vật lực của toàn thể nhân dân Ninh Thuận, đặc biệt là đồng bào chiến khu Bác Ái và Anh Dũng đã không quản hy sinh, gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho chiến trường, cho cách mạng. Trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử này, đồng bào đã đóng góp không thể kể hết được, từ già trẻ, gái trai đều tham gia góp công, góp sức, nào là gùi đạn ra chiến trường, nào là đưa lương thực, thực phẩm đến tận nơi phục vụ bộ đội chiến đấu… và trong những công việc ấy phải kể đến việc mở tuyến đường từ Tà Lú–Ma Ty–đường 11 chỉ trong 6 giờ đồng hồ, hơn 2.000 đồng bào Bác Ái phối hợp với các lực lượng đã làm xong con đường dài hơn 50 km để Sư đoàn 10 nhanh chóng cơ động lên đường 20–Bảo Lộc tiến xuống Sài Gòn.

Nói đến công tác bảo đảm hậu cần-kỹ thuật, không thể không kể đến những chiến công thầm lặng của những cán bộ làm công tác quân nhu, thu mua lương thực phẩm, thuốc men bảo đảm cho lực lượng chiến đấu, ngày đêm phải đột ấp, bám thôn để vận động nhân dân thu gom từng viên thuốc, lúa gạo, bắp mì,… rồi vượt qua sự canh phòng cẩn mật của địch để đưa về căn cứ. Đồng thời, cũng phải nhắc đến thành tích của những đoàn dân công ngày đêm thầm lặng vượt suối, băng đèo, dãi nắng dầm mưa, đói ăn, thiếu uống vượt hàng trăm km đường rừng để đưa từng khẩu súng, viên đạn về phục vụ chiến trường, trong đó có những gương đồng bào, chiến sỹ có đi mà không trở về với quê hương hưởng ngày hòa bình, độc lập, thống nhất.

Thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả chung của cả dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận. Thắng lợi đó có sự đóng góp của cán bộ, chiến sỹ làm công tác hậu cần-kỹ thuật đã ngày đêm chăm lo cho bộ đội từng bữa ăn, giấc ngủ, từng khẩu súng, viên đạn để đánh giặc. Bản chất, tâm hồn của người chiến sỹ hậu cần–kỹ thuật luôn vô tư, trong sáng, cần kiệm, chắt chiu từng hạt gạo, củ mỳ, từng mét vải may vá quần áo cho cán bộ, chiến sỹ… không ngại hy sinh thân mình, tháo gỡ từng quả bom không nổ của địch để lấy thuốc, lấy gang thép chế tạo nên các loại mìn, lựu đạn, bộc phá,… để đáp ứng nhu cầu chiến đấu của bộ đội. Những chiến sỹ quân y ngày đêm tận tình cứu chữa từng vết thương, chăm sóc từng bệnh nhân bằng tất cả tình thương và trách nhiệm.