"Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Không quân và Bộ đội Tên lửa Phòng không" - Giá trị lịch sử và hiện thực

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Bộ đội Không quân ( 3/3/1955- 3/3/2015), 50 năm đánh thắng trận đầu của Bộ đội Không quân ( 3/4/1965- 3/4/2015), 50 năm đánh thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa Phòng không (24/7/1965- 24/7/2015), sáng 30/3, tại Hà Nội, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân tổ chức Hội thảo khoa học " Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Không quân và Bộ đội Tên lửa Phòng không- Giá trị lịch sử và hiện thực".

 

Bộ đội hành quân vào chiến trường trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Khai mạc Hội thảo, Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân nhấn mạnh: Hội thảo nhằm một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng lực lượng Không quân và Tên lửa nói riêng, Quân chủng Phòng không- Không quân nói chung, theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh tổng hợp của Bộ đội Phòng không - Không quân, phát huy vai trò nòng cốt của Quân chủng Phòng không- Không quân trên mặt trận đối không, bảo vệ vững chắc bầu trời, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Đây cũng là dịp để tri ân các anh hùng liệt sỹ, những người đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu không tiếc xương máu, anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau thất bại của Chiến lược " Chiến tranh đặc biệt", chế độ ngụy quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam đứng trước nguy cơ bị tan rã. Để cứu vãn tình thế và vực dậy bè lũ tay sai trong cơn hấp hối, giới cầm quyền Mỹ quyết định mở rộng chiến tranh xâm lược, đưa quân Mỹ trực tiếp vào tham chiến tại miền Nam Việt Nam, đồng thời từng bước leo thang dùng không quân và hải quân đánh phá quy mô lớn ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viên của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Thực hiện ý đồ đó, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ lần lượt mở các chiến dịch tập kích đường không, từ " Mũi lao lửa" sau đó là chiến dịch" Sấm rền" với mục tiêu ban đầu là đánh phá các trọng điểm trên đường 1A- Tuyến giao thông huyết mạch trục Bắc -Nam, rồi dần leo thang rộng ra toàn miền Bắc. Cảnh giác trước mọi mưu đồ của kẻ địch, quân và dân miền Bắc, lực lượng phòng không ba thứ quân mà nòng cốt là Bộ đội Phòng- Không quân đã kịp thời giáng trả cho chúng những đòn đích đáng.

9 giờ 40 phút, ngày 3/4/1965, địch huy động 60 lần chiếc máy bay cường kích của hải quân ào ạt đánh phá cầu Tào, cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng, cây cầu có ý nghĩa rất quan trọng trên tuyến đường vận chuyển chiến lược chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nhận được lệnh cất cánh, với ý chí quyết tâm, với sự thông minh, sáng tạo, biên đội tiến công gồm 4 phi công Phạm Ngọc Lan số 1, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3, Trần Minh Phương số 4 đã quần nhau với 12 máy bay của hải quân Mỹ và đã giành thắng lợi trước kẻ thù đông áp đảo: 2 máy bay F.8- U của địch đã bị bắn rơi. Trận đầu xuất kích của Không quân nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi giòn giã, bắn rơi máy bay hiện đại của kẻ địch từ loạt đạn đầu trong lần công kích đầu tiên.

Hơn 3 tháng sau, hòa cùng thắng lợi của Bộ đội Không quân, sau thời gian ngắn tiếp nhận khí tài và ngày đêm dốc sức huấn luyện, Bộ đội Tên lửa Phòng không đã sẵn sàng ra quân chiến đấu. Ngày 24/7/1965, lúc 15 giờ 30 phút, tại trận địa khu vực Suối Hai, Hà Tây, Tiểu đoàn 63 và Tiểu đoàn 64 thuộc Trung đoàn Tên lửa 236 đã phóng đạn tiêu diệt tốp máy may F- 4 ở độ cao 7000 mét, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ, đồng thời ngay trong đêm 24/7, cả hai tiểu đoàn đã cơ động an toàn sang trận địa mới.

Hội thảo tập trung làm rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc; tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ đội Không quân, Tên lửa Phòng không và các lực lượng khác của Quân chủng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cội nguồn làm nên sức mạnh.

Hội thảo làm sáng tỏ và sâu sắc thêm chiến thắng trận đầu là dấu mốc quan trọng, thể hiện ý chí kiên cường, dũng cảm, bản lĩnh trí tuệ của Không quân nhân dân Việt Nam và Bộ đội Tên lửa phòng không. Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Phòng không và Bộ đội Tên lửa Phòng không là bước cụ thể hóa quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta nói chung và Quân chủng Phòng không- Không quân nói riêng.

Khẳng định ý nghĩa quan trọng của Chiến thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam và Bộ đội Tên lửa phòng không, các tham luận đi sâu phân tích những nguyên nhân cơ bản dẫn thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo chiến lược, về nghệ thuật tác chiến phòng không- không quân; về hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và với các lực lượng phòng không 3 thứ quân. Trên cơ sở đó, vận dụng, phát huy hiệu quả những kinh nghiệm đó trong xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam, Bộ đội Tên lửa Phòng không nói riêng và Quân chủng Phòng không - Không quân nói chung theo hướng " cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam