Hải quân nhân dân Việt Nam góp phần quan trọng vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam không ngừng phát triển, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy lực lượng còn mỏng, vũ khí, trang bị kỹ thuật còn hạn chế, nhưng với ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm và sự mưu trí, sáng tạo, Hải quân nhân dân Việt Nam đã liên tiếp lập công, đánh thắng trận đầu (ngày 02 và 05/8/1964); làm nòng cốt đánh bại hành động chiến tranh của địch phong tỏa sông, biển của nước ta; bảo vệ miền Bắc, mở đường Hồ Chí Minh trên biển...

Giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh tư liệu.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia chiến đấu và vận tải cơ động lực lượng mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trước đó, sau Hiệp định Pa-ri năm 1973 được ký kết và dưới ánh sáng Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, cách mạng nước ta giành được những thắng lợi to lớn ở cả hai miền. Đến cuối năm 1974, tình hình so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam có sự biến đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng. Nắm bắt thời cơ đó, từ ngày 18/12/1974 đến 8/1/1975, Hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) đã hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, dự kiến trong hai năm 1975 - 1976, hoặc khi có thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Có thể nói, Hội nghị Bộ Chính trị cuối năm 1974 đầu 1975 có nghĩa lịch sử trọng đại, đã hội tụ được ý chí và sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề cho Quân chủng Hải quân.

Quán triệt chủ trương của Đảng và thực hiện phương hướng, nhiệm vụ công tác quân sự của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân đã tăng số tàu thuyền chiến đấu và trang bị kỹ thuật mạnh ở nam Quân khu 4, huy động mức cao nhất số tàu vận tải của Đoàn 125 để chở bộ đội, xe tăng và vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường.

Từ tháng 2 năm 1975, Đoàn 125 nhận nhiệm vụ tổ chức đợt vận chuyển mang tên “T5”, đưa một số xe tăng của Bộ Tư lệnh Thiết giáp vào Đông Hà (Quảng Trị); đồng thời đưa một số hàng của Tổng cục Hậu cần vào bổ sung cho chiến trường, kịp thời phục vụ chiến đấu. Ngày 20 tháng 2 năm 1975, Đoàn 125 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường. Đợt đầu tiên, các tàu vận tải đổ bộ 424, 426, 428, 430, 422 đã chở 5 xe tăng với đầy đủ cơ số đạn, khí tài, nhiên liệu từ Bến Thủy vào Đông Hà. Tiếp đó, đợt 2 các tàu chở 10 chiếc xe tăng lội nước K63- 85 vào chiến trường. Cùng thời gian này, các tàu vận tải loại 400 tấn là 681, 683, 685 cũng rời Hải Phòng, đưa một khối lượng lớn hàng vào Đồng Hới an toàn. Bên cạnh đó, lực lượng tàu thuyền chiến đấu của Trung đoàn 171 và K5 (gọi tắt của Khu vực 5 Hải quân) tăng cường các hoạt động tuần tiễu ở Bắc vĩ tuyến 17, sẵn sàng đối phó với các hoạt động của hải quân địch và bảo vệ tuyến vận tải Cửa Việt – Đông Hà, Đại đội 25 đặc công của K5 hoạt động sâu phía trong Huế…Hoạt động mạnh đột ngột của các đơn vị Hải quân đã tạo nên thế uy hiếp đối với địch. Toàn bộ lực lượng hải quân ngụy ở vùng 1 duyên hải đặt trong tình trạng báo động để đối phó với lực lượng Hải quân ta đột nhập hướng Cửa Việt.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 bắt đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên, trận mở màn ta đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đáp ứng kịp thời với yêu cầu của chiến trường, Quân chủng Hải quân đã huy động phần lớn lực lượng và phương tiện để vận chuyển người và vũ khí vào mặt trận. Trên tuyến Hải Phòng – Đồng Hới, ngoài lực lượng tàu có trọng tải 400 tấn, Đoàn 125 còn huy động thêm loại tàu trọng tải 200 tấn, như các tàu: 601, 606, 608, 609 và 605. Đến ngày 20 tháng 3, Đoàn 125 đã vận chuyển được 1.960 tấn hàng, 12 xe tăng, chi viện kịp thời cho các đơn vị đánh địch. Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Hải quân lại tăng cường cho K5 một số chiến sĩ đặc công và điều hai tàu VT tốc độ nhanh từ Sông Gianh vào Cửa Việt để đẩy mạnh khả năng hoạt động phối hợp trên chiến trường sông biển Trị - Thiên.

Khi địch thất bại trên mặt trận Huế, binh lính địch chạy ra bờ biển tìm về Đà Nẵng, được lệnh K5 bịt chặt cửa biển Thuận An không cho các tàu địch ra vào cảng cùng với đơn vị bạn tạo nên thế bao vây, chặn đứng đường rút chạy của địch. Ngày 26 tháng 3, trong lúc cánh quân bộ của ta đang hành quân thần tốc, áp sát Đà Nẵng, phân đội đặc công do chỉ huy trưởng K5 chỉ huy chọc thẳng vào bán đảo Sơn Trà phối hợp tiến công từ phía biển. Trước hành động chiến đấu dũng cảm của Hải quân nhân dân Việt Nam buộc tàu Mỹ phải giãn ra và hủy bỏ kế hoạch di tản, đồng thời lực lượng của ta tiếp tục truy kích tàn binh của địch, quản lý căn cứ Đà Nẵng. Khi làm chủ được Đà Nẵng, Trung đoàn 171 sử dụng tàu tuần tiễu và tàu phá lôi mở đường cho các phương tiện tàu thuyền vận chuyển bộ đội, hàng hóa, vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào tiếp sức cho chiến trường miền Nam. Tiếp theo đó, các biên đội tàu phóng lôi, tàu tên lửa của Trung đoàn 172 và ra-đa cơ động của Đại đội 500 cũng được điều vào để quản lý vùng mới giải phóng và chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo.

Sau khi giành thắng lợi ở Huế - Đà Nẵng, ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, lâu nhất là trong tháng 4 năm 1975, không để chậm”1. Để thực hiện quyết tâm đó, ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị quyết định một loạt các vấn đề lớn, trong đó đã quyết định tên chiến dịch đánh vào Sài Gòn – Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 26 tháng 4 năm 1975. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân chủng Hải quân được giao nhiệm vụ: Vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến đấu với số lượng cao nhất, thời gianh nhanh nhất và an toàn; xây dựng lực lượng khẩn trương đáp ứng yêu cầu chiến đấu giải phóng các hải đảo và tiếp quản các cơ sở hải quân của địch. Nhiệm vụ cụ thể của Quân chủng được Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị (từ ngày 4 tháng 4) cùng với quân khu 5 “Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhanh nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa”2.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng ủy Quân chủng họp, quyết định tập trung mọi cố gắng, nỗ lực của toàn Đảng bộ và Quân chủng, dốc sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Theo yêu cầu đó, Tàu 601 được lệnh nhanh chóng từ Hải Phòng vào cửa Nhật lệ, Tàu 641 được lệnh chở quân đi chiến đấu. Các tàu còn lại của Đoàn đã theo sát bước tiến quân của các đoàn quân chủ lực đánh ven biển góp phần vào những thắng lợi của quân và dân ta. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, riêng Trung đoàn 125 của Quân chủng Hải quân đã huy động 143 lần chiếc tàu ra khơi, với hành trình là 65.721 hải lý, thực hiện chuyên chở được 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ đi chiến đấu, đánh chìm một tàu PCR, đánh bị thương 3 tàu khác, gọi hàng 1 tàu, bắn 42 tên địch3.

Cùng với tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngày 5 tháng 4 năm 1975, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Quân chủng khẩn trương chuẩn bị chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, một quần đảo có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, quân sự, kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để các lực lượng khác đến đánh chiếm đảo trước ta; sử dụng tàu của Đoàn 125 và bộ đội đặc công của Đoàn 126 tiến công giải phóng đảo; tiến đánh Song Tử Tây trước, sau đó đến các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và các đảo còn lại, không cho địch tăng viện đối phó.

Ngày 10 tháng 4, Bộ Tư lệnh điều ba tàu (673, 674, 675) của Trung đoàn 125 cấp tốc từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Ngày 11 tháng 4, ba tàu (673, 674, 675) chở bốn đội đặc công (Trung đoàn 126), một số cán bộ đặc công Quân khu 5 và tỉnh Khánh Hòa, do trung tá Mai Năng chỉ huy tiến ra quần đảo Trường Sa. Ngày 14 tháng 4, Đội 1 (Trung đoàn 126) do Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy, tổ chức thành 3 mũi tiến công đảo. Bị đánh bất ngờ, quân ngụy lúng túng chống trả yếu ớt. Bộ đội ta nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa sau 30 phút chiến đấu và giải phóng hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Mất đảo Song Tử Tây, địch vội điều 2 tàu HQ16 và HQ402 từ Vũng Tàu ra định phản kích hòng chiếm lại đảo. Song, trước sự bố phòng chặt chẽ và tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu cao của ta, cùng với tinh thần hoang mang khi tuyến phòng thủ Phan Rang bị vỡ đã làm cho địch không dám tổ chức tiến công. Chúng đành quay về tăng cường phòng thủ đảo Nam Yết - nơi đặt Sở Chỉ huy trung tâm của chúng ở quần đảo Trường Sa.

Ngày 14 tháng 4 năm 1975, hai tàu 673, 674 chở đội 1 (Trung đoàn 126) và một số đơn vị Quân khu 5 đi đánh chiếm các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. Ngày 25 tháng 4, lực lượng đổ bộ do đồng chí Đỗ Viết Cường chỉ huy chiếm đảo Sơn Ca chỉ sau 30 phút chiến đấu. Mất đảo Sơn Ca, quân địch ở đảo Trường Sa hoang mang. Từ trưa ngày 26 tháng 4, chúng đưa các tàu tuần dương, khu trục lùng sục quanh đảo, song không làm gì được đành quay về Nam Yết.

Sau khi phát hiện được địch sẽ rút khỏi đảo Nam Yết, chấp hành mệnh lệnh của Quân chủng Hải quân, ngày 27 tháng 4, tàu 673 chở lực lượng giải phóng đảo Nam Yết. Phát hiện lực lượng của ta tiến công đảo, địch vội vàng tháo chạy. Ta nhanh chóng tổ chức chiếm lĩnh đảo. 11 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết, quân địch ở các đảo còn lại hoang mang cực độ, tìm cách thoát thân. Sau khi chiếm được đảo Nam Yết, tàu 673 tiếp tục đưa một bộ phận Đội 1 đi đánh đảo Sinh Tồn thì quân địch ở đây đã rút chạy hết. 10 giờ 30 phút ngày 28 tháng 4 năm 1975, ta làm chủ đảo Sinh Tồn.

Phát huy thế tiến công thần tốc, táo bạo của quân và dân ta trên các chiến trường nói chung, vùng biển đảo nói riêng, 16 giờ ngày 28 tháng 4, bộ đội ta tiếp tục hành quân đi giải phóng đảo Trường Sa – đảo xa xôi nhất nằm ở phía Nam của quần đảo. 9 giờ, lực lượng của ta đổ bộ lên đảo. 9 giờ 30 phút, ta làm chủ đảo Trường Sa, kết thúc nhiệm vụ đặc biệt mà Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân là giải phóng đảo Trường Sa. Chiến thắng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thể hiện việc quán triệt và chấp hành nghiêm quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo của cấp trên về nhiệm vụ giải phóng đảo của Quân chủng Hải quân. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân ta nổ súng tiến công đồng loạt trên các hướng. 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi. 13 giờ cùng ngày, các lực lượng Hải quân ta tiến vào tiếp quản Bộ Tư lệnh Hải quân của quân đội Sài Gòn, đồng thời tiếp quản Bộ Tư lệnh hạm đội, Bộ Tư lệnh Sư đoàn lính thủy đánh bộ của địch. Cùng trong những hoạt động này, ngày 27 tháng 4 năm 1975, bộ đội Hải quân phối hợp với một số đơn vị bạn giải phóng đảo Cù Lao Thu thuộc tỉnh Ninh Thuận (27 tháng 4) và một số đảo ven biển miền Trung, đưa đón các chiến sĩ tù bị đày ở Côn Đảo, Phú Quốc về đất liền.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến ngày 13/6/1975, cuộc chiến đấu giải phóng các đảo phía Tây Nam Tổ quốc diễn ra quyết liệt với quy mô hiệp đồng ngày càng lớn. Các đơn vị trong Quân chủng hiệp đồng chặt chẽ với không quân, pháo binh, bộ binh, đổ bộ chiến đấu giải phóng hoàn toàn các đảo thuộc vùng biển phía Tây Nam. Thắng lợi trong việc giải phóng các đảo này cũng là kết thúc nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân trong quá trình tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Với thành tích xuất sắc đó, Hải quân nhân dân việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 4 đơn vị được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng của Quân chủng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ mãi mãi còn khắc ghi trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta nói chung và lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng. Những trang sử hào hùng về một thời chống Mỹ cứu nước sẽ là tiền đề để lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân khắc phục mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng”.

Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng Quân chủng “tiến thẳng lên hiện đại”, đòi hỏi Quân chủng Hải quân không ngừng phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc, nhất là truyền thống của Quân chủng trong 60 năm qua. Từ đó, xây dựng lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ vào tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự và cách đánh của Hải quân nhân dân trong điều kiện mới, sẵn sàng đánh thắng mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự hải quân, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với hải quân quân đội các nước; tiếp tục nghiên cứu phát triển hệ thống lý luận khoa học, nghệ thuật quân sự hải quân và phương thức tác chiến của Hải quân nhân dân trong điều kiện mới. Trong đó, cần kết hợp có chọn lọc những kinh nghiệm với tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật quân sự thế giới để đẩy nhanh quá trình xây dựng Quân chủng chính quy, hiện đại.

––––––––––––––––––––

Chú thích:

1. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Những sự kiện quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, H.1990, tr.321.

2. Điện số 990B/TK ngày 14-4-1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Chu Huy Mân.

3. Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2005), Nxb Quân đội nhân dân, H.2005, tr.417

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam