Cần dùng đúng vaccine trong chống cúm gia cầm

Để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác tiêm phòng dịch, các địa phương cần căn cứ thông báo của Cục Thú y về lưu hành chủng virus cúm gia cầm trên địa bàn để tổ chức mua đúng loại vaccine phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa

Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác tiêm phòng dịch năm 2015, các địa phương cần căn cứ thông báo của Cục Thú y về lưu hành chủng virus cúm gia cầm trên địa bàn để tổ chức mua đúng loại vaccine phòng, chống dịch.

Khi tiêm phòng cần phải biết được sự lưu hành virus trên đàn gia cầm ở địa phương, biết được vaccine nào có hiệu lực, hiệu quả…

Trước đó, ngày 6/3, Cục Thú y đã có văn bản gửi 63 tỉnh, thành thông báo về việc lưu hành các loại virus cúm gia cầm cũng như lở mồm long móng ở các địa phương, đồng thời thông báo về những vaccine có hiệu lực, hiệu quả để phòng chống các loại dịch bệnh đó.

Cục cũng đề nghị các địa phương căn cứ vào kế hoạch phòng chống dịch bệnh của mình và nguồn kinh phí mua các loại vaccine để tiêm phòng cho phù hợp.

Ngoài ra, người chăn nuôi và các trang trại cũng tự mua các loại vaccine để tiêm phòng cho chủ động.

Theo Cục Thú y, các ổ cúm gia cầm H5N1 vừa qua xảy ra trên đàn gia cầm nuôi của một vài hộ gia đình ở khu vực Tây Nam Bộ chưa được tiêm phòng vaccine cúm và đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện, xử lý kịp thời nên không có hiện tượng lây lan.

Dù các ổ dịch lở mồm long móng đã được khống chế, nhưng trong thời gian tới dịch vẫn có thể xuất hiện tại các tỉnh có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc.

Các ổ dịch lở mồm long móng do virus type O và type A có thể xảy ra trên diện rộng nếu hoạt động nhập lậu, vận chuyển gia súc, hay sản phẩm giá súc không được kiểm soát, và các địa phương không quản lý được số gia súc đã mắc bệnh.

Cục Thú y cũng cảnh báo, trong thời gian tới, trời rét và độ ẩm cao, mùa lễ hội bắt đầu, các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm gia tăng, nhiều người chăn nuôi tái đàn nuôi mới, miễn dịch quần thể giảm do nhiều gia cầm có miễn dịch đã được tiêu thụ trong dịp Tết… chính là các điều kiện thuận lợi làm phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm.

Vì vậy, các địa phương chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm động lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng virus cúm có thể lây sang người như virut H7N9.

Hiện, toàn quốc có 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Bình Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long; 6 hộ chăn nuôi ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát thuộc Lào Cai và các xã Đức Vân, Vân Tùng của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Nguồn Chinhphu.vn