Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Ninh Thuận trong xu thế hội nhập

1. Hội nhập du lịch với yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến

Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan bởi động lực của “toàn cầu hóa” là sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà lực lượng sản xuất thì không ngừng lớn mạnh. Ðây là quy luật chung nhất cho mọi thời đại, mọi chế độ xã hội.

Toàn cầu hóa được nói đến ở đây trước hết và chủ yếu là toàn cầu hóa kinh tế mà thể hiện cụ thể chính là hội nhập kinh tế - một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, trong đó có Việt Nam.

Hội nhập kinh tế, theo quan niệm đơn giản nhất và phổ biến trên thế giới, là việc các nền kinh tế gắn kết lại với nhau. Theo cách hiểu này, hội nhập kinh tế đã diễn ra từ hàng ngàn năm nay và hội nhập kinh tế với quy mô toàn cầu đã diễn ra từ cách đây hai nghìn năm khi đế quốc La Mã xâm chiếm thế giới và mở mang mạng lưới giao thông, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong toàn bộ lãnh địa chiếm đóng rộng lớn của họ và áp đặt đồng tiền của họ cho toàn bộ các nơi.

Hội nhập kinh tế, hiểu theo một cách chặt chẽ hơn, là việc gắn kết mang tính thể chế giữa các nền kinh tế lại với nhau. Khái niệm này được Béla Balassa đề xuất từ thập niên

1960 và được chấp nhận chủ yếu trong giới học thuật và lập chính sách. Nói rõ hơn, hội nhập kinh tế là quá trình chủ động thực hiện đồng thời hai việc: một mặt, gắn nền kinh tế và thị trường từng nước với thị trường khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế quốc dân; mặt khác, gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu.

Đứng từ góc độ kinh tế học quốc tế, hội nhập kinh tế thường được cho là có sáu cấp độ: khu vực/hiệp định thương mại ưu đãi, khu vực/hiệp định thương mại tự do, liên minh thuế quan, thị trường chung, liên minh kinh tế tiền tệ, và hội nhập toàn diện. Tuy nhiên trong thực tế, các cấp độ hội nhập có thể nhiều hơn và đa dạng hơn.

Hội nhập kinh tế có thể là song phương - tức là giữa hai nền kinh tế, hoặc khu vực - tức là giữa một nhóm nền kinh tế, hoặc đa phương - tức là có quy mô toàn thế giới giống như những gì mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang hướng tới.

Sự phát triển của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế không nằm ngoài quy luật khách quan trên. Hơn thế nữa, với đặc điểm là ngành kinh tế “liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao”, sự phát triển du lịch không thể bó hẹp trong một lãnh thổ “khép kín” mà cần có sự hội nhập của điểm đến du lịch như một yêu cầu khách quan để từ đó có được những lợi ích cho điểm đến. Điểm đến du lịch ở đây có thể có những quy mô khác nhau từ khu vực, quốc gia đến các địa phương và điểm du lịch trong từng địa phương.

Hội nhập du lịch của điểm đến sẽ mang lại nhiều lợi ích mà trước hết đó là cơ hội mở rộng thị trường du lịch, cơ hội phát triển các tuyến du lịch và sản phẩm du lịch liên kết ở quy mô lãnh thổ lớn hơn, cơ hội có được những chính sách chung hỗ trợ hiệu quả hơn. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích có được, việc hội nhập như một yêu cầu khách quan sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ đối với điểm đến mà trước hết là thách thức về năng lực cạnh tranh. Thực tế cho thấy trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, điểm đến du lịch nào không tự nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình để trước hết là tồn tại và sau đó là phát triển thì sẽ bị loại ra khỏi “cuộc chơi” cho dù điểm đến rất có tiềm năng du lịch. Chính vì vậy, hàng năm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đều xếp hạng năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch bên cạnh việc xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia chung như sự cảnh báo đối với phát triển du lịch ở quy mô quốc gia với tư cách như một điểm đến.

Như vậy có thể thấy hội nhập du lịch là một xu thế tất yếu của các điểm đến và để hội nhập đem lại những lợi ích và hạn chế được những yếu tố tiêu cực, việc nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.

2. Phát triển sản phẩm đặc thù - yếu tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh của một điểm đến du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên với tư cách là một ngành kinh tế, yếu tố quan trọng nhất quyết định tính cạnh tranh của điểm đến là sản phẩm du lịch.

Khi đề cập đến tính cạnh tranh của sản phẩm trong cơ chế thị trường, Giáo sư Michel Porter, chuyên gia hàng đầu về cạnh tranh trên thế giới cho rằng “Cạnh tranh là khác biệt và chất lượng, trong đó khác biệt là quyết định”. Phát triển sản phẩm du lịch trong bối cảnh cạnh tranh cùng xu thế hội nhập của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung không phải là ngoại lệ.

Tính hấp dẫn của một sản phẩm du lịch cùng loại có thể được xem xét từ nhiều góc độ, tuy nhiên trong mọi trường hợp tính khác biệt của sản phẩm là yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu đối với quyết định lựa chọn sản phẩm của khách du lịch cho dù giá sản phẩm có giá cao hơn.

Tính cạnh tranh thu hút khách của một điểm đến phụ thuộc vào một số yếu tố cơ bản bao gồm: mức độ hấp dẫn dựa trên tính khác biệt của sản phẩm du lịch so với những điểm đến khác; tình trạng môi trường (bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội); sự thuận lợi trong tiếp cận điểm đến (thủ tục ra vào, phương tiện); và hình ảnh, thông tin về điểm đến.

Tính khác biệt của sản phẩm du lịch có thể được tạo ra bởi sự khác biệt về chất lượng (đối với những sản phẩm du lịch cùng loại), song thường được thể hiện trong những sản phẩm du lịch đặc thù.

Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm có những đặc tính độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo.

Như vậy có thể thấy “phát triển sản phẩm du lịch đặc thù” mặc dù không phải là yếu tố duy nhất quyết định năng lực cạnh tranh, hấp dẫn du lịch của điểm đến song có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, nếu không nói là quyết định bởi đó là “Sự khác biệt”.

Khi nói đến tính cạnh tranh du lịch của điểm đến cần xem xét ở các mức độ khác nhau: cạnh tranh giữa các địa phương trong một vùng; cạnh tranh giữa các vùng trong một quốc gia; cạnh tranh giữa các quốc gia trong một khu vực; cạnh tranh giữa các khu vực trên thế giới. Tương ứng với các mức độ cạnh tranh du lịch theo lãnh thổ cũng sẽ có các sản phẩm du lịch đặc thù cấp địa phương, cấp vùng, cấp quốc gia và cấp khu vực.

Trong trường hợp sự phân bố tài nguyên du lịch dựa trên đó để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nằm trên lãnh thổ của một địa phương thì sản phẩm đó có thể được xem là sản phẩm đặc thù cấp địa phương. Tuy nhiên nếu tính độc đáo/duy nhất, tính nguyên bản và đại diện của tài nguyên du lịch mà dựa trên đó để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vượt ra khỏi quy mô địa phương thì sản phẩm du lịch đặc thù trong trường hợp này sẽ được xem là của cấp vùng, cấp quốc gia, thậm chí cấp khu vực. Ví dụ, tham quan trải nghiệm giá trị cảnh quan, sinh thái hồ Ba Bể có thể được xem là sản phẩm du lịch đặc thù cấp địa phương tỉnh Bắc Kạn, song cũng có thể coi đó là sản phẩm đặc thù cấp vùng và cấp quốc gia bởi hồ Ba Bể là hồ tự nhiên trên núi đá vôi duy nhất ở Việt Nam. Tương tự là sản phẩm du lịch hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, mặc dù hang động Phong Nha - Kẻ Bàng không phải là duy nhất ở Việt Nam, tuy nhiên đây là hệ thống hang động có giá trị ở tầm quốc tế trong quần thể vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Trong trường hợp sự phân bố tài nguyên du lịch dựa trên đó để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nằm trên địa bàn từ 2 địa phương trở lên thì sản phẩm đó được xem là sản phẩm đặc thù của vùng hoặc quốc gia. Ví dụ tham quan trải nghiệm giá trị cảnh quan Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được xem là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng duyên hải Đông Bắc và của quốc gia vì giá trị cảnh quan của di sản nằm trên cả lãnh thổ Quảng Ninh và Hải Phòng và là duy nhất ở vùng nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định “Phát triển du lịch bền vững, theo định hướng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử, đảm bảo sự tăng trưởng liên tục, góp phần tích cực trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc, xâ y dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới”.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định “Tập trung xâ y dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội.”

Như vậy có thể thấy việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đã được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng xuyên suốt của du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Việt Nam nói chung và của các địa phương trong đó có Ninh Thuận trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế.

3. Định hướng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch đặc thù của tỉnh Ninh Thuận

Như đã đề cập sản phẩm du lịch đặc thù được phát triển dựa trên tính độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo. Như vậy trước hết sản phẩm du lịch đặc thù của Ninh Thuận cần được định hướng phát triển dựa trên những lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch của Ninh Thuận so với những địa phương khác, trước hết là các địa phương trong vùng du lịch Nam Trung Bộ nói chung và của các tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận nói riêng.

Từ góc độ này có thể thấy có một số nhóm tài nguyên du lịch mà Ninh Thuận cần tập trung khai thác để tạo sản phẩm du lịch đặc thù bao gồm:

- Hệ sinh thái xa van (rừng xa van nội chí tuyến gió mùa khô): đây là hệ sinh thái khá đặc biệt phát triển trong điều kiện sinh - khí hậu nội chí tuyến gió mùa khô với tương quan nhiệt - ẩm dưới 1, nơi lượng mưa nhỏ hơn khả năng bốc hơi, rừng cây gỗ cao không thể phát triển, còn cây bụi và cỏ cũng phải có cơ chế thích nghi với chế độ gió mùa với đời sống ngắn, mãnh liệt vào mùa mưa chỉ kéo dài khoảng vài ba tháng. Cây bụi có lá gai nhỏ cứng hoặc những cây thân mọng như xương rồng mới có khả năng tồn tại. Hệ sinh thái xa van nguyên sinh chỉ gặp ở Ninh Thuận, nơi có lượng mưa trung bình năm khoảng 653 mm và tương quan nhiệt - ẩm 0,80.

Vườn quốc gia Núi Chúa và các vùng thảm cỏ - cây bụi trên các đồng bằng thềm phù sa cổ hay đồi thấp, nơi đất chưa bị xói mòn mạnh là những sinh cảnh đặc trưng của hệ sinh thái xa van rất đặc biệt này ở Ninh Thuận.

- Giá trị văn hóa Chăm: trong sự đa dạng về văn hóa của Việt Nam thì văn hóa Chăm có những đóng góp quan trọng mà tiêu biểu là di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên Ninh Thuận lại được xem là điểm đến hội tụ được nhiều nhất giá trị văn hóa Chăm đặc trưng bao gồm cả những giá trị vật thể (cụm tháp Chàm Pô Klông Garai), và giá trị phi vật thể (lễ hội Katê, sinh hoạt truyền thống đồng bào Chăm, các làng nghề, tiêu biểu là làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp hay làng Chăm Irahani, làng Chung Mỹ)

- Hệ sinh thái biển với vịnh Vĩnh Hy, các dải san hô và các bãi biển nguyên sơ (Bình Tiên, Ninh Chữ). Đây cũng là một trong số 03 điểm ở Việt Nam ngoài Côn Đảo và Bái Tử Long có thể quan sát được rùa biển đẻ ngoài tự nhiên.

- Hệ sinh thái nông nghiệp với các vườn nho được xem là đặc trưng nhất và có diện tích lớn nhất ở vùng duyên hải miền Trung cũng như ở Việt Nam.

Với đặc điểm nổi trội và phân bố về tài nguyên du lịch như đã đề cập, một số nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Ninh Thuận cần tập trung nghiên cứu phát triển bao gồm:

(i) Du lịch sinh thái tìm hiểu các giá trị cảnh quan, đa dạng sinh học hệ sinh thái xa van với sinh cảnh tiêu biểu ở vườn quốc gia Núi Chúa và trảng cỏ - cây bụi vùng bình nguyên xa van phía Tây Ninh Thuận;

(ii) Du lịch sinh thái tìm hiểu giá trị cảnh quan, đa dạng sinh học ở các sinh cảnh vũng vịnh tiêu biểu, các rạn san hô của hệ sinh thái biển ven bờ;

(iii) Du lịch văn hóa trải nghiệm giá trị di sản văn hóa Chăm tiêu biểu bao gồm cả đời sống sinh hoạt của đồng bào Chăm ở các làng nghề;

(iv) Du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch săn bắn động vật bán hoang dã ở vùng khô hạn (sa mạc) Ninh Thuận; và

(v) Du lịch trang trại với trải nghiệm về cảnh quan, tìm hiểu phương thức canh tác, chế biến các sản phẩm từ cây nho Ninh Thuận; phương thức chăn nuôi cừu, chế biến các sản phẩm và thưởng thức món ăn từ cừu.

Bên cạnh những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, nhiều giá trị văn hóa Chăm như kiến trúc, lễ hội... và nghệ thuật ẩm thực cần được lồng ghép trong các thành phần của sản phẩm đặc thù để góp phần tạo nên bản sắc rất riêng của du lịch Ninh Thuận.

Việc xác định hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch đặc thù chính là yếu tố quan trọng của nỗ lực nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Ninh Thuận cũng như là căn cứ quan trọng cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Ninh Thuận.

Tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Nam Trung Bộ, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và một số nghiên cứu khoa học có liên quan đến hệ thống sản phẩm và hình ảnh điểm đến Ninh Thuận đã đề xuất định hướng khá rõ, tuy nhiên cho đến nay việc xác định sản phẩm du lịch đặc thù có căn cứ khoa học và thực tiễn còn chưa được như mong muốn, ảnh hưởng đến vị thế và sức cạnh tranh du lịch chung của Ninh Thuận. Điều này được thể hiện rõ qua việc so sánh số lượt khách du lịch đến Ninh Thuận và tổng thu nhập du lịch của địa phương theo đó năm 2013 tỉnh Ninh Thuận đón được khoảng 120.000 lượt khách du lịch quốc tế (Khánh Hòa là 712.000; Bình Thuận là 480.000), bằng 8,3% tổng lượt khách du lịch quốc tế đi lại trong vùng; 980.000 lượt khách du lịch nội địa (Khánh Hòa là 2.388.000; Bình Thuận là 3.020.000), bằng 5,8% tổng số lượt khách du lịch nội địa đi lại trong vùng; tổng thu nhập từ du lịch của tỉnh đạt khoảng 500 tỷ đồng (Khánh Hòa là 4.100 tỷ; Bình Thuận là gần 5.000 tỷ) bằng 2,7% tổng thu du lịch của cả nước. Tình trạng hoạt động này của du lịch Ninh Thuận không có gì thay đổi nhiều trong suốt thời gian từ 2008 đến nay.

Thực trạng trên đây của du lịch Ninh Thuận có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên một trong những nguyên nhân quan trọng là trong suốt một thời gian dài Ninh Thuận còn chưa xác định rõ những lợi thế so sánh của mình để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, qua đó nâng cao được năng lực cạnh tranh điểm đến Ninh Thuận. Tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch biển giữa các điểm du lịch trong tỉnh, giữa Ninh Thuận với các địa phương trong vùng còn khá phổ biến làm giảm tính hấp dẫn về sản phẩm du lịch Ninh Thuận; hoạt động xúc tiến du lịch mang tính vùng còn chung chung, chưa tập trung vào sản phẩm đặc thù của địa phương, chưa làm nổi bật hình ảnh du lịch của điểm đến Ninh Thuận.

Nguyên nhân của thực trạng trên được xác định bao gồm:

(i) Nhận thức của các cấp quản lý, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển sản phẩm du lịch đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến; hoạt động xúc tiến du lịch Ninh Thuận dựa trên hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm du lịch đặc thù đến các thị trường du lịch mục tiêu, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế, mang nặng tính hình thức. Sự liên kết giữa du lịch Ninh Thuận với các địa phương trong vùng du lịch Nam Trung Bộ, đặc biệt là với Khánh Hòa và Bình Thuận để phát triển du lịch còn hạn chế;

(ii) Cho đến nay Ninh Thuận chưa có được đề án chuyên đề về phát triển sản phẩm du lịch của địa phương, trong đó đưa ra được các luận chứng khoa học về bản chất và nội hàm của sản phẩm du lịch đặc thù điểm đến Ninh Thuận cũng như xác định rõ lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng Nam Trung Bộ làm căn cứ đề xuất “phân vai” trách nhiệm và lợi ích đối với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và gắn liền với đó là hoạt động xúc tiến du lịch của toàn vùng;

(iii) Vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận chưa được phát huy đầy đủ với tư cách là chủ thể có trách nhiệm đầu mối phối hợp với chủ thể quản lý nhà nước và cộng đồng địa phương để liên kết các khu, điểm du lịch mà trực tiếp là các doanh nghiệp du lịch để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của điểm đến Ninh Thuận.

(iv) Chưa có sự chủ động tiếp xúc, trao đổi cụ thể giữa du lịch Ninh Thuận với các địa phương phụ cận trong vùng là Khánh Hòa và Bình Thuận và với trung tâm phân phối khách ở phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh về yêu cầu và những nội dung liên kết phát triển sản phẩm đặc thù và xúc tiến du lịch điểm đến Ninh Thuận trên quan điểm đem lại lợi ích cho các bên liên quan và góp phần thúc đẩy liên kết du lịch vùng du lịch Nam Trung Bộ;

(v) Vai trò “bà đỡ” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Tổng cục Du lịch trong hỗ trợ phát triển du lịch Ninh Thuận, thúc đẩy hợp tác liên kết phát vùng Nam Trung Bộ nói chung, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến du lịch điểm đến Ninh Thuận nói riêng thông qua một số dự án hỗ trợ cụ thể còn rất hạn chế nếu chưa nói là chưa có được sự thể hiện như mong muốn.

Từ những nguyên nhân trên, để có thể đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến du lịch qua đó nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Ninh Thuận nói riêng và của toàn vùng du lịch Nam Trung Bộ nói chung, một số nội dung/vấn đề sau cần được quan tâm thực hiện trong thời gian tới đây bao gồm:

- Tổ chức một số diễn đàn để trao đổi, thống nhất nhận thức về sự cần thiết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nhằm nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến trong bối cảnh hội nhập, trước hết là hội nhập của điểm đến du lịch Ninh Thuận với vùng du lịch Nam Trung Bộ; nhận thức về vai trò của liên kết trong phát triển du lịch vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến du lịch vùng. Với vai trò là điểm đến quan trọng của vùng, Ninh Thuận cần chủ động đứng ra tổ chức những hoạt động nâng cao nhận thức này.

- Trên cơ sở thống nhất nhận thức về vai trò của sản phẩm du lịch đặc thù đối với năng lực cạnh tranh điểm đến Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan cùng các bên tham gia xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù điểm đến Ninh Thuận phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Tổng cục Du lịch.

Trên cơ sở đề án trên, một số dự án với những lộ trình thực hiện cụ thể để từng bước đưa những ý tưởng phát triển sản phẩm đặc thù điểm đến Ninh Thuận sẽ được xác định. Các dự án này cần tập trung vào những vấn đề liên quan như: (i) Xác định căn cứ cho xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; (ii) Xác định lợi thế so sánh của điểm đến Ninh Thuận trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Nam Trung Bộ làm căn cứ “phân vai” và chia sẻ lợi ích trong xây dựng và khai thác sản phẩm; (iii) Liên kết trong nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá sản phẩm đặc thù điểm đến Ninh Thuận trong tổng thể du lịch vùng với tư cách là một “điểm đến” du lịch quan trọng của vùng Nam Trung Bộ và ở khu vực phía Nam; (iv) Hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch điểm đến Ninh Thuận cũng như của toàn vùng Nam Trung Bộ; (v) hợp tác trong hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tìm hiểu, đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch tại điểm đến Ninh Thuận; (vi) Hợp tác liên kết hoạt động lữ hành kết nối tour để khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch đặc thù điểm đến Ninh Thuận; (vii) Hợp tác trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch giữa điểm đến Ninh Thuận với các địa phương trong vùng du lịch Nam Trung Bộ.

- Xây dựng một số dự án tiền khả thi về nâng cấp hạ tầng du lịch tạo sự liên kết về không gian giữa các điểm du lịch quan trọng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đặc biệt trong không gian phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mà các bên cùng quan tâm, trình Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào kế hoạch hỗ trợ như một phần thực hiện chiến lược phát triển vùng du lịch Nam Trung Bộ.