Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và những năm tiếp theo

 Đặt vấn đề

 Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng, tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong một thời gian dài, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất, văn hóa của người dân từng bước được cải thiện,… Song quá trình đổi mới cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, cản trở quá trình phát triển tiếp theo: chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động chưa chuyển biến, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của nhiều ngành sản xuất còn cần phải cải thiện. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã chủ trương phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ trương này không chỉ được thực hiện ở Trung ương mà cần phải làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách của từng địa phương. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận cũng cần được hình thành trên cơ sở chủ trương này của Đảng và Nhà nước.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến 2020. Đây là một cơ sở rất tốt cho tỉnh cân nhắc để đưa ra những chủ trương, chính sách trong thời gian tới. Bài viết này cũng dựa vào những kết quả đã được phân tích trong Đề án quy hoạch trên.

1. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận

1.1. Khái quát một số đặc điểm tự nhiên và xã hội Ninh Thuận

1.1.1. Điều kiện tự nhiên

Ninh Thuận nằm ở cực Nam Trung Bộ, trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Tỉnh Ninh Thuận phía bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía tây giáp tỉnh Lâm Đồng, phía nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía đông giáp biển Đông với đường bờ biển dài 105 km. Diện tích tự nhiên phần đất liền là 3.358 km2. Ninh Thuận nằm trong vùng khí hậu khô hạn nhất Việt Nam và có vùng nước trồi. Đây là một đặc điểm mang tính đặc thù riêng của Ninh Thuận, vừa mang tính chất khó khăn lại vừa có ý nghĩa như một lợi thế cho quá trình phát triển của địa phương. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.

Ninh Thuận là một tỉnh có diện tích không lớn với số dân không nhiều (với 3.358,3 km2 và 587,4 nghìn người, là tỉnh nhỏ nhất trong số các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung), tiềm lực kinh tế của Ninh Thuận không lớn, khả năng thu hút đầu tư trong nước cũng như đầu tư nước ngoài chưa cao. Chính vì vậy, việc hoạch định chiến lược phát triển cho Ninh Thuận cần gắn với không gian kinh tế của cả vùng và cả đất nước.

Địa hình của tỉnh có 3 dạng chính là: Núi, đồi gò bán sơn địa và đồng bằng ven biển, trong đó địa hình đồi núi của tỉnh chiếm 63,2%, chủ yếu là núi thấp, dốc từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, địa hình đồi gò bán sơn địa chiếm 14,4% và đồng bằng ven biển chiếm

22,4% diện tích toàn tỉnh. Ninh Thuận có 2 hệ thống sông chính chảy qua tỉnh với chiều dài 430 km và diện tích lưu vực 3.600 km2. Hệ thống sông suối phần lớn có lưu vực nhỏ, sông hẹp và ngắn, nguồn nước phân bố không đều theo thời gian và không gian, tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam tỉnh, vùng trung tâm, còn vùng phía bắc và vùng ven biển thiếu nước.

Tổng quỹ đất của tỉnh có 335,8 nghìn ha, đến năm 2005 đất sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 77,9% và năm 2010 là 84,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.1 Bờ biển Ninh Thuận dài 105 km với vùng đặc quyền kinh tế 24.480 km2, lãnh hải nội thủy rộng khoảng 1.800 km2, nằm trong vùng nước trồi. Vùng biển Ninh Thuận không có đảo, nhiều núi đá nhô ra biển tạo điều kiện để hình thành cảng biển, có các cửa biển nước sâu làm nơi trú ẩn cho các tàu thuyền.

1.1.2. Điều kiện xã hội

Dân số trung bình của Ninh Thuận năm 2013 là 587,4 nghìn người, mật độ 175 người/km2, trong đó người Kinh chiếm 78,5%, người Chăm chiếm 12,7%, người Raglai chiếm 8%; người K’Ho chiếm 0,5%; người Hoa 0,5% và một số dân tộc khác. Lực lượng lao động Ninh Thuận có 325,1 người trong độ tuổi lao động (2013)3, chiếm 55,34% dân số. Cơ cấu sử dụng lao động có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần, 2005 mới chỉ 24% (đào tạo nghề 14%), đến 2010 đã tăng tới 40% (đào tạo nghề 25%).1

Toàn tỉnh có 8 trường và trung tâm đào tạo, 212 trường phổ thông với 2.505 phòng học, trong đó có 11 trường đạt chuẩn quốc gia. 100% huyện, thành phố đều có trường phổ thông trung học, 100% xã phường có trường tiểu học, 82,3% số xã phường có trường THCS. Toàn tỉnh có 80 cơ sở y tế khám chữa bệnh với 1.565 giường bệnh, trong đó tuyến tỉnh có 7 cơ sở với 810 giường bệnh, tuyến huyện, xã có 73 cơ sở - 875 giường bệnh. Tổng số y bác sĩ 709 người, trong đó bác sị 288 người chiếm 40,6%. Số trạm y tế có bác sị 28/63 đạt 44,4%; số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi 59/63 đạt 93,6%; số xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế đạt 60%.

1.2. Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận

1.2.1. Đánh giá khái quát tình hình phát triển kinh tế

Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chưa đúng tiềm năng, chất lượng chưa cao. Cơ cấu kinh tế còn chưa hiện đại, năng lực cạnh tranh còn cần được nâng cao. Lợi thế cạnh tranh chưa được khai thác đúng mức. Sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng tương đối cao song không bền vững, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp yếu. Khai thác thủy sản còn nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Sản xuất công nghiệp còn yếu, tăng trưởng thấp, quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh yếu, chưa thu hút được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ chưa xứng với tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

1.2.2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015

Một số chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của Ninh Thuận: (i) Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 16 - 18%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 25 triệu đồng/người, bằng 70% mức bình quân của cả nước.2 (ii) Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 40%; Nông, lâm, thủy sản chiếm 25%; Dịch vụ chiếm 35% GDP vào năm 2015. (iii) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 55 - 60 nghìn tỷ đồng. (iv) Số lượng lao động được giải quyết việc làm mới từ 70 nghìn đến 75 nghìn người, bình quân hàng năm giải quyết việc làm mới cho 15 nghìn lao động. (v) Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 1,2 - 1,5% (theo chuẩn mới 2011 - 2005). (vi) Đạt tỷ lệ 7 bác sĩ/1 vạn dân và 60% trạm y tế xã phường có bác sĩ; 70% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đến năm 2015 còn dưới 18%. (vii) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%, trong đó đào tạo nghề đạt 33%. (viii) Nâng độ che phủ rừng đạt trên 45%. (ix) Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 95%; 80% số hộ nông thôn có công trình phụ hợp vệ sinh. (x) Tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 90%.

1.3. Định vị Ninh Thuận trong phát triển chung của vùng và của cả nước Ninh Thuận là một địa phương nằm giữa 2 cực phát triển là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đồng thời cũng là địa phương kém phát triển nhất trên toàn tuyến trục Đà Nẵng

1.4. Đánh giá chung

Ninh Thuận là một tỉnh có quy mô về diện tích, dân số nhỏ nhất trong vùng (so với cả các tỉnh trong vùng duyên hải miền Trung lẫn trong vùng Đông Nam Bộ). Quy mô kinh tế của Ninh Thuận cũng nhỏ nhất trong vùng, cơ cấu kinh tế vẫn lệ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, năng suất lao động không cao. Cơ sở hạ tầng xã hội của Ninh Thuận không cao hơn các địa phương lân cận. Việc khai thác các lợi thế từ nguồn tài nguyên cũng như từ nguồn lao động rẻ chỉ có thể giúp Ninh Thuận phát triển trong một thời gian ngắn. Vị trí địa lý của Ninh Thuận (trục Bắc - Nam với Quốc lộ 1A, trục giao thông kết nối với Tây Nguyên, giáp biển) là một lợi thế chưa được khai thác hiệu quả trong thời gian qua, đặc biệt là điểm giữa 2 trung tâm phát triển là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc liên kết với các địa phương trong vùng cũng như ngoài vùng nhằm tận dụng và khai thác lợi thế của nhau còn rất yếu, đây cũng là một trong những nhân tố có thể khai thác trong thời gian tới.

2. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận

2.1. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt với một số mục tiêu cơ bản sau1:

2.1.1. Tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến 2030

Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai; phát triển theo mô hình “tăng trưởng kinh tế gia tốc” dựa trên 4 giải pháp trụ cột là nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, phát triển thương hiệu và tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, có môi trường sống tốt, thân thiện với môi trường, tăng cường khả năng ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nguồn năng lượng sạch, góp phần thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự toàn cầu về môi trường. Phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh bảo đảm tính cân đối chung giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; giữa đô thị hóa nhanh với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm kết hợp đan xen giữa tính hiện đại với phát huy văn hóa truyền thống.

Thực hiện tầm nhìn chiến lược này, Ninh Thuận đã xác định 4 Chương trình kinh tế trọng điểm là: (i) Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) Phát triển du lịch; (iii) Phát triển chế biến thực phẩm và (iv) Phát triển thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về giáo dục, khoa học công nghệ, tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 16 - 18%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 19 - 20%/năm. GDP/người của Ninh Thuận vào năm 2015 đạt 1.400 USD, bằng 70% so với mức bình quân chung của cả nước, đến năm 2020 đạt 2.800 USD bằng 87,5% bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế theo GDP với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng; nông - lâm - thủy sản; dịch vụ vào năm 2015 là 40%; 25% và 35%; năm 2020 là 52%; 20% và 28%.

2.2. Những thách thức trong việc thực hiện các chương trình trọng điểm kinh tế

Để thực hiện được những mục tiêu trên, đặc biệt là 4 chương trình trọng điểm, Ninh Thuận phải vượt qua nhiều thách thức:

- Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Mục tiêu đến 2020 thì ngành công nghiệp đóng góp 12% GDP và ngành xây dựng đóng góp 37% GDP. Như vậy, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế lệ thuộc rất nhiều vào quá trình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân và xây dựng các công trình điện gió, và các công trình này lại thuộc thẩm quyền của Trung ương.

- Ninh Thuận là địa phương nằm chính giữa của “tam giác du lịch” Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang, vì thế ngành du lịch của Ninh Thuận có cơ hội để phát triển song lại gặp thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh để “lưu khách” tại địa phương với những điểm du lịch nổi tiếng nói trên. Việc phát triển du lịch thông qua sân golf cũng cần được tính toán cụ thể trong mối quan hệ với những tỉnh liền kề (Khánh Hòa: 4, Bình Thuận 6, Lâm Đồng 5 và Ninh Thuận chỉ có 3 sân golf trong quy hoạch phát triển sân golf của cả nước đến 2020).

- Phát triển ngành chế biến thực phẩm và đồ uống: cần cân nhắc kỹ hơn việc xác định các sản phẩm chủ lực thuộc ngành này (tôm, hạt điều, thịt gia súc, rượu nho) với khả năng có thể tiêu thụ được trên thị trường.

- Phát triển thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về giáo dục, khoa học công nghệ, tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch: là hướng phát triển hoàn toàn đúng đắn cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của địa phương, tuy vậy điểm xuất phát của Ninh Thuận tương đối kém hơn so với các địa phương lân cận (Đà Lạt hiện là trung tâm nghiên cứu hạt nhân, Nha Trang có truyền thống về nghiên cứu thủy, hải sản).

2.3. Những thách thức trong việc cải thiện môi trường kinh doanh

Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhân tố quan trọng và mang tính quyết định đối với Ninh Thuận nói riêng và các địa phương khác nói chung. Năm 2013, chỉ số cạnh tranh của Ninh Thuận đã bị “rớt” rất nhiều so với năm 2012 (tụt 34 bậc, từ thứ 18 xuống thứ 52). Như vậy, từ 2007 đến nay, chỉ duy nhất năm 2012 Ninh Thuận có hạng tương đối cao (18) trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

So với các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thì Ninh Thuận chỉ đứng trên 1 tỉnh là Quảng trị.

Phân tích sâu hơn về các nhân tố cấu thành chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, ta có thể thấy rõ một số điểm yếu của Ninh Thuận, cụ thể: (i) Cạnh tranh bình đẳng1: 3,69; (ii) Tính năng động: 4,28; (iii) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: 4,30; (iv) Chi phí không chính thức: 5,11; (v) Đào tạo lao động: 5,16.

Điểm sáng duy nhất của Ninh Thuận là Gia nhập thị trường với 8,59 điểm và tiếp theo là Chi phí thời gian với 6,79 điểm. Có lẽ đây là kết quả đáng ghi nhận của việc hình thành Văn phòng Phát triển kinh tế hoạt động theo cơ chế “một cửa liên thông” (theo đề xuất tại bản Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế - xã hội đến 2020 của Ninh Thuận).

3. Một số định hướng giải pháp

3.1. Phân kỳ phát triển

Hầu hết các quốc gia đang phát triển cũng như các địa phương thuộc quốc gia đó đều trải qua các giai đoạn phát triển với những đặc điểm sau:

3.1.1. Giai đoạn phát triển dựa vào các yếu tố sản xuất

Cạnh tranh được quyết định bởi điều kiện các yếu tố sản xuất cơ bản như giá nhân công rẻ và khả năng tiếp cận các nguồn lực tự nhiên, vị trí địa lý. Trong giai đoạn này các doanh nghiệp tập trung vào các ngành công nghiệp khai thác nguồn lực có sẵn, và các ngành công nghiệp chế biến thâm dụng lao động, chứ chưa tạo ra các mắt xích giá trị với các doanh nghiệp của các quốc gia khác nên nền kinh tế rất nhạy cảm đối với chu kỳ kinh doanh thế giới, sự dao động trong giá hàng hóa và tỷ giá hối đoái. Công nghệ trong giai đoạn này chủ yếu thông qua nhập khẩu và FDI. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong giai đoạn này chủ yếu là giá, dường như các nhà sản xuất chưa có khả năng tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.

3.1.2. Giai đoạn phát triển dựa vào đầu tư

Lợi thế cạnh tranh được quyết định thông qua việc cải thiện hiệu quả trong sản xuất đối với những sản phẩm tiêu chuẩn. Công nghệ của quốc gia vẫn còn phụ thuộc bên ngoài và được chuyển giao thông qua mua bằng phát minh, FDI và khả năng cải thiện công nghệ nước ngoài cho phù hợp với điều kiện của quốc gia. Trong giai đoạn này, quốc gia có sự đầu tư rất lớn trong cơ sở hạ tầng (cảng, bưu chính viễn thông, đường sá...) cùng với sự đổi mới định chế liên quan đến thủ tục thuế quan, luật thuế, luật doanh nghiệp, luật cạnh tranh... nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hòa nhập vào thị trường thế giới cũng như thu hút đầu tư. Nền kinh tế vẫn tập trung vào một số ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ.

3.1.3. Giai đoạn phát triển dựa vào đổi mới

Cạnh tranh nằm ở khâu sản xuất ra những sản phẩm mới với công nghệ tiên tiến nhất được thị trường chấp nhận. Sức mạnh của quốc gia được đặc trưng bởi sức mạnh trong tất cả các khu vực cùng với sự hiện diện của các cụm ngành công nghiệp được chuyên môn hóa sâu. Nền kinh tế có tỷ phần dịch vụ khá cao và ít bị tổn thương khi có những cú sốc từ bên ngoài.

Theo lý luận trên, cho đến năm 2020 Ninh Thuận vẫn nằm chủ yếu ở giai đoạn 1 và có thể bắt đầu giai đoạn 2. Nếu như thuận lợi, có thể vào cuối những năm 20 của thế kỷ này Ninh Thuận có thể bắt đầu vào giai đoạn 3 với việc hình thành một vài cụm liên kết ngành. Việc hình thành cụm liên kết ngành là một cơ sở quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống của người dân. Song, theo kinh nghiệm thực tiễn nhiều nước, việc hình thành cụm liên kết ngành lại chủ yếu lệ thuộc vào sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo (trong và ngoài công lập) và chỉ phần nào đó lệ thuộc vào mong muốn của chính quyền. Chính vì vậy, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và liên kết kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp quan trọng nhất đối với chính quyền tỉnh Ninh Thuận. Sự hỗ trợ từ Trung ương, nhất là trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy điện hạt nhân cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cũng là một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận trong thời gian tới.

Như vậy, điều quan trọng nhất để đạt được mục tiêu mà Ninh Thuận đặt ra là phải làm sao thu hút được nguồn lực (cả từ ngân sách nhà nước lẫn từ xã hội) và thu hút được thêm nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, tạo thêm nhiều việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm mới.

3.2. Một số định hướng giải pháp

Cũng như cả đất nước nói chung, Ninh Thuận cần xác định 3 khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội là: thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Những giải pháp chủ yếu cũng phải xoay quanh 3 vấn đề này. Bên cạnh những biện pháp đã được đưa ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, cần cân nhắc một số giải pháp sau:

3.2.1. Cải cách thể chế theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư

Tiếp tục cải cách thể chế: (i) Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng thông qua việc xóa bỏ các quy định phân biệt đối xử của tỉnh cũng như cách hành xử của các cơ quan công quyền và của công chức trong bộ máy chính quyền tỉnh. (ii) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. (iii) Nâng cao tính năng động của bộ máy, tính minh bạch trong việc ban hành và thực thi chính sách của địa phương. (iv) Tăng cường giám sát, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, giảm thiểu các khoản chi phí không chính thức đối với các doanh nghiệp. (v) Nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các ngành ưu tiên là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành cụm liên kết ngành ở 2 lĩnh vực này. (vi) Chủ động tìm giải pháp liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng để tận dụng ưu thế của nhau trong một số lĩnh vực ưu tiên (ví dụ du lịch với Nha Trang, Bình Thuận, Lâm Đồng; thủy sản với Nha Trang; công nghiệp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ,…).

3.2.2. Cải thiện cơ sở hạ tầng

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng: (i) Vận động Trung ương thực hiện các công trình, dự án của Trung ương trên địa bàn đúng kế hoạch, nhất là dự án điện hạt nhân, điện gió và các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành năng lượng và du lịch. (ii) Tập trung nguồn vốn địa phương vào các công trình hạng mục cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành năng lượng, du lịch và đào tạo ở 2 lĩnh vực này. (iii) Nghiên cứu xây dựng và thực hiện một số biện pháp huy động nguồn lực từ xã hội cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là ở các lĩnh vực năng lượng, du lịch và đào tạo (ví dụ các phương thức PPP, BOT,...).

3.2.3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: (i) Hình thành các biện pháp, chính sách thu hút nhân tài, nhất là trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (có thể đề xuất Trung ương chuyển Viện Nghiên cứu hạt nhân từ Đà Lạt về Ninh Thuận để hỗ trợ trong quá trình xây dựng và phối hợp trong quá trình vận hành Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận). (ii) Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo lao động có tay nghề cao, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và du lịch. (iii) Hình thành và hỗ trợ (tư nhân) hình thành các trung tâm dạy nghề chất lượng cao ở 2 lĩnh vực năng lượng và du lịch. (iv) Xây dựng cơ chế khuyến khích sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các trung tâm dạy nghề và các cơ sở nghiên cứu để tạo cơ sở cho việc hình thành cụm liên kết ngành.

Tóm lại

Ninh Thuận là một trong những điểm đột phá trong khu vực Nam Trung Bộ. Việc có những chuẩn bị bài bản cho quá trình đi lên của Ninh Thuận là một trong những điểm đột phá. Cần tiếp tục triển khai các định hướng trên cả ba bình diện: thể chế, đầu tư và doanh nghiệp là điều kiện thành công của Ninh Thuận, của vùng Nam Trung Bộ và của cả nước trong giai đoạn 2016 - 2020.