Định hướng phát triển chung sự phát triển tỉnh Ninh Thuận theo quy hoạch: Nhìn lại và định hướng

ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Ngày 22.7.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1222/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”. Theo Quyết định trên thì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận được phân định thành 2 kế hoạch 5 năm: 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Đến nay gần hết kế hoạch 5 năm đầu, chuẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm tiếp theo, nên cần nhìn lại kết quả thực tế so với mục tiêu đề ra để có cơ sở thực tiễn xây dựng kế hoạch phát triển cho giai đoạn 2016 - 2020.

2. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận được ban hành vào thời điểm (giữa năm 2011) nền kinh tế nước ta rơi vào giai đoạn bất ổn vĩ mô kéo dài nhiều năm; tổng cầu nền kinh tế suy giảm. Các chính sách kinh tế của Chính phủ chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên nền kinh tế tăng trưởng chậm, thậm chí là trì trệ, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế địa phương, trong đó có Ninh Thuận. Trong bối cảnh khó khăn chung đó, cần đánh giá lại các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 của Ninh Thuận để có giải pháp phát triển phù hợp.

3. Theo Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, kinh tế Ninh Thuận sẽ phát triển theo 6 nhóm ngành ưu tiên (dự kiến chiếm 91% GDP): (1) Năng lượng; (2) du lịch; (3) nông, lâm, thủy sản; (4) sản xuất chế biến; (5) giáo dục đào tạo; (6) xây dựng và kinh doanh bất động sản. Nếu nhìn chiến lược theo Quy hoạch thì Ninh Thuận phát triển dựa vào 3 trụ cột: (1) nông - lâm - ngư nghiệp; (2) du lịch và (3) năng lượng và chế tạo. Do đó cần nhìn lại triển vọng phát triển theo các định hướng trên như thế nào? Trong giai đoạn 2016 - 2020 cần tập trung vào trụ cột nào, nhóm ngành ưu tiên nào, mà Ninh Thuận có cơ hội phát triển nhất?

Từ cách đặt vấn đề như trên, tham luận này sẽ trao đổi 3 nội dung sau đây:

I. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội: cơ sở để định hướng phát triển kinh tế - xã hội

1. Vị trí địa lý

Ninh Thuận là địa phương thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ; phía bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía đông giáp biển Đông; Toàn tỉnh có 7 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa.

Diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.358 km2, dân số hơn 590 ngàn người. Ninh Thuận nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km về phía nam; cách thành phố Nha Trang 105 km về phía bắc và cách thành phố Đà Lạt 110 km về phía tây. Đây là một tỉnh có vị trí địa lý quan trọng nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong chuỗi liên kết các tỉnh duyên hải miền Trung.

2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

- Địa hình: Ninh Thuận là một tỉnh có đầy đủ các loại địa hình: ven biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Đây là một lợi thế không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung nói chung và của tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Trong đó dạng địa hình chính của Ninh Thuận là đồi núi, bán sơn địa chiếm hơn 77,65% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, 22,35% diện tích còn lại chủ yếu là dạng đồng bằng ven biển.

- Khí hậu, thủy văn: Ninh Thuận có dạng thời tiết nắng nóng, khô hạn thuộc loại điển hình trong cả nước. Thời tiết của tỉnh có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau với lượng mưa trung bình năm khoảng 653 mm và tương quan nhiệt - ẩm 0,80 tạo điều kiện thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển các loại cây trồng và vật nuôi đặc thù như nho, bò, dê, cừu...

- Tài nguyên đất đai: Tổng diện tích đất tự nhiên hiện tại của tỉnh Ninh Thuận là 335.806 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm 17,96%; diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm 46,81%; diện tích đất chuyên dùng chiếm 3,42%; diện tích đất ở chiếm 0,79%; diện tích đất chưa sử dụng và sông suối đá chiếm 31%.

- Tài nguyên biển và ven biển: Tỉnh Ninh Thuận có bờ biển dài 105 km. Ngư trường của tỉnh nằm trong vùng nước trồi, có nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng với trên

500 loài hải sản các loại với hệ sinh thái san hô phong phú và đa dạng cùng 120 loài và rùa biển đặc biệt quý hiếm chỉ có ở Ninh Thuận. Bên cạnh đó, vùng ven biển có nhiều đầm vịnh phù hợp phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản và sản xuất tôm giống là một thế mạnh của ngành thủy sản.

- Tài nguyên rừng: Toàn tỉnh hiện có 157.687 ha rừng, trong đó: Diện tích rừng tự nhiên là 152.260 ha, diện tích rừng trồng là 5.427 ha. Trữ lượng gỗ đạt gần 11 triệu m3.

- Tài nguyên khoáng sản: Tỉnh Ninh Thuận có nguồn khoảng sản với rất nhiều chủng loại và quy mô lớn bao gồm các khoáng sản kim loại (wolfarm, titan); khoáng sản phi kim loại (thạch anh, đất sét); nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (đá granite, đá vôi san hô, đá xây dựng) và muối khoáng…

- Tài nguyên du lịch: Với đường bờ biển dài 105 km, Ninh Thuận có rất nhiều bãi biển đẹp phục vụ cho phát triển du lịch như: Ninh Chữ - Bình Sơn, Cà Ná, Tuấn Tú, Từ Thiện, Phước Dinh…

Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch biển, Ninh Thuận được xem là điểm đến hội tụ nhiều nhất giá trị văn hóa Chăm đặc trưng bao gồm cả những giá trị vật thể (cụm tháp Chăm Pô Klông Garai), và giá trị phi vật thể (lễ hội Katê, sinh hoạt truyền thống đồng bào Chăm, các làng nghề, tiêu biểu là làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp hay làng Chăm Irahani, làng Chung Mỹ). Ngoài ý nghĩa văn hóa lâu đời có giá trị nhân văn sâu sắc, đây còn là điểm đến rất hấp dẫn khách du lịch khi đến tham quan tại Ninh Thuận.

- Năng lượng: Với đặc điểm khí hậu khô nắng và gió nhiều thuộc loại lớn nhất Việt Nam, Ninh Thuận có một nguồn tài nguyên gần như vô hạn là năng lượng gió, một loại hình không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu đãi. Loại hình này, nếu được nghiên cứu bài bản, đầy đủ sẽ đem lại nhiều lợi ích quan trọng, không những cung cấp năng lượng từ gió (có thể có từ thủy triều) mà còn tạo nên một loại hình cảnh quan đẹp, độc đáo phục vụ du lịch không ống khói không nhiều trên thế giới hiện nay.

3. hệ thống giao thông

Tỉnh Ninh Thuận có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27 và đường sắt Thống Nhất chạy qua; trên địa bàn tỉnh không có sân bay dân sự, gần nhất là sân bay quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) cách 60 km về phía bắc. Ninh Thuận có 3 cảng biển là Đông Hải, Cà Ná và cảng Ninh Chữ. Trong đó, cảng hàng hóa Dốc Hầm - Cà Ná là một trong cảng biển miền Trung được quy hoạch phát triển thành cảng nước sâu, quy mô công suất hàng hóa qua cảng 15 triệu tấn/năm.

Nhìn chung, hạ tầng giao thông toàn tỉnh còn yếu, thiếu đồng bộ. Mật độ giao thông đạt thấp, mới chỉ 0,68 km/km2, tuyến đường ven biển chưa được khai thác tốt nên tiềm năng du lịch vẫn còn rất hạn chế.

4. Dân số và lao động

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 23 dân tộc sinh sống, đông nhất là dân tộc Kinh chiếm khoảng 78,5%, dân tộc Chăm chiếm 12,7%, Raglai 8%, còn lại các dân tộc khác. Dân số trung bình tỉnh Ninh Thuận tính đến năm 2014 là 590.377 người, trong đó thành thị 213.716 người (chiếm 36,20%), còn nông thôn là 376.660 người (chiếm 63,80%) Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 174 người/km2. Dân số phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở thành phố, thị trấn, đồng bằng ven sông, gần các trục đường giao thông với mật độ gần 374 người/km2. Vùng miền núi đất rộng, người thưa, mật độ dân số khoảng 25 người/km2.

Dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) hiện có của Ninh Thuận là 325.145 người. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế - xã hội là 318.685 người, chiếm 53,98% tổng dân số. Tuy vậy có đến 68,2% số lao động là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, chủ yếu lao động trong khu vực nông nghiệp.

Nhìn chung, Ninh Thuận có nguồn lao động dồi dào, tính về số lượng có thể đáp ứng lao động cho các ngành kinh tế. Tuy nhiên sự phân bổ nguồn lực thiếu hợp lý, tập trung vào các ngành có năng suất thấp cũng như chất lượng nguồn lực không cao sẽ là lực cản lớn đối với Ninh Thuận khi muốn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững.

5. Tổng quan tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

Trong những năm gần đây, kinh tế của tỉnh Ninh Thuận có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, tổng GDP bình quân trong giai đoạn 2010 - 2014 đạt 11.450 tỷ đồng, riêng năm 2014 ước đạt 15.834,1 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,2%/ năm. Mức GDP bình quân đầu người tính đến thời điểm hiện tại ước đạt 26,8 triệu đồng/ người, dần rút ngắn khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người so với cả nước. Tuy cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có những chuyển dịch đúng hướng nhưng tốc độ vẫn còn chậm: Tỷ trọng GDP khu vực nông nghiệp chỉ giảm 2,8% so với năm 2010 còn chiếm 38,5% GDP của tỉnh; dịch vụ tăng 1,2% so với năm 2010, chiếm 37,7% GDP; Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng 1,6% so với năm 2010, chiếm 23,8% GDP.

- Tình hình phát triển của các ngành kinh tế:

+ Về nông, lâm, thủy sản: Với tiềm năng đất có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp còn lớn, trong những năm vừa qua Ninh Thuận đã thực hiện mở rộng diện tích cây hằng năm và đất nông nghiệp khác. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung đối với các nông sản có lợi thế của tỉnh (lúa, mía, thuốc lá, nho, chăn nuôi bò, dê, cừu) chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đây cũng đang là lĩnh vực tỉnh khuyến khích và kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với tổng trữ lượng cá, tôm tương đối lớn, khả năng khai thác 50.000 tấn/năm với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao có thể phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, trong giai đoạn 2010 - 2014 vừa qua ngành thủy sản Ninh Thuận luôn tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt 11,8%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch dần theo hướng nâng cao tỷ trọng nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản nhờ tận dụng nguồn giống bố mẹ dồi dào và môi trường nước biển trong sạch, là địa bàn lý tưởng để sản xuất các loại giống có chất lượng cao và với số lượng lớn, nhất là tôm giống và ốc hương giống. Tỉnh cũng đã chú trọng hình thành các trung tâm thương mại hậu cần phát triển nghề cá trong đó cảng cá Cà Ná đang đầu tư trở thành Trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực, cảng Ninh Chữ được xây dựng thành nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền khu vực miền Trung.

Tuy vậy, nông nghiệp Ninh Thuận hiện tại vẫn là nền sản xuất nhỏ, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn nhưng thiếu yếu tố bền vững. Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động giai đoạn vừa qua tuy đạt trung bình 17,7%/năm nhưng mức tăng tuyệt đối mỗi năm chỉ đạt 5,62 triệu đồng/nông dân.

+ Về công nghiệp: Trong giai đoạn hiện nay ngành công nghiệp Ninh Thuận đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ngành, bước đầu phát huy được một số sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 17,24%. Một số lĩnh vực công nghiệp chính hiện tại: Chế biến thủy sản, chế biến đá ốp granit, chế biến hạt điều, xi măng, thủy điện, khai khoáng... Các lĩnh vực đang triển khai thu hút đầu tư: công nghiệp nước khoáng, cấp nước, chế biến thức ăn thủy sản và gia súc, muối công nghiệp...

+Về du lịch: Toàn tỉnh hiện có 80 cơ sở lưu trú với trên 1.800 phòng, 30% trong số đó đạt chuẩn 3 sao. Tuy vậy toàn tỉnh chỉ có 8 doanh nghiệp lữ hành và tổng số lao động trực tiếp trong ngành đạt khoảng 1.244 người, trong đó có 15 hướng dẫn viên du lịch nội địa, không có hướng dẫn viên quốc tế. Kết quả đạt được: Đã có 1.380.000 lượt khách du lịch đến Ninh Thuận trong năm 2014, trong đó có 95.000 lượt khách quốc tế; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 550 tỷ đồng.

Có thể thấy, mặc dù được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp và nhiều quần thể di tích nổi tiếng nhưng đến nay, những tiềm năng này ở Ninh Thuận vẫn còn ở dạng “nguyên thô”, chưa có điều kiện để phát triển kinh tế du lịch. Nên mặc dù lượng khách du lịch đến với Ninh Thuận đã có bước tiến triển qua các năm nhưng vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các địa phương lân cận có du lịch phát triển trong vùng. Hạn chế đối với du lịch Ninh Thuận tồn tại nổi bật ở một số vấn đề:

- Khả năng tiếp cận điểm đến còn rất hạn chế. Tỉnh chưa có sân bay, cảng biển du lịch; mật độ giao thông của tỉnh còn thấp, thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông dẫn đến các điểm du lịch của tỉnh.

- Phương tiện vận chuyển hành khách, nguồn nhân lực du lịch tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, cả về chất lượng lẫn số lượng.

- Hệ thống dịch vụ còn nghèo nàn, chưa có nhiều khách sạn 3 - 5 sao, các khu nghỉ dưỡng tầm cỡ, các nhà hàng và điểm dừng đạt chuẩn.

6. Vốn đầu tư

Với điều kiện kinh tế hiện tại, Ninh Thuận vẫn là địa bàn khó khăn với tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội năm 2014 đạt khoảng 7.615 tỷ đồng, tuy có tăng 1,5 lần so với năm 2010, nhưng chiếm tỷ trọng lớn vẫn là nguồn vốn đầu tư của nhà nước, chiếm trên 42% (trong đó có 50% là từ ngân sách nhà nước); vốn đầu tư từ doanh nghiệp và dân cư chỉ chiếm từ 47,5% - 54,5%; vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm tỷ trọng khá nhỏ.

7. Năng lực cạnh tranh

Đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Thuận trong giai đoạn vừa qua đã cho thấy có những thay đổi theo chiều hướng tích cực trong năng lực cạnh tranh của tỉnh: Chỉ số tổng hợp tăng dần qua các năm, nhất là trong các năm từ 2011 - 2013; Điểm số từ mức 47,82 điểm năm 2008 đến năm 2013 đã đạt 54,22 điểm sau khi đạt mức cao 59,76 điểm năm 2012; Các chỉ số có sự cải thiện rõ rệt đó là Chi phí thời gian, Tính năng động và thiết chế pháp lý. Tuy vậy sự cải thiện PCI của tỉnh vẫn chưa ổn định; kết quả chung của tỉnh vẫn xếp ở nhóm tương đối thấp.

II. Kết quả và hạn chế sau 4 năm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Quy hoạch

1. Thành tựu

- Có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2010 - 2014 vừa qua. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của tỉnh đạt 12,2%/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của 9 tỉnh vùng duyên hải miền Trung1 (11,94%/năm) và của cả nước (5,83%/năm), nhưng thấp hơn nhiều so với mục tiêu theo quy hoạch (16 - 18%/năm).

- Ngoài ra tỉnh còn đạt được mục tiêu đa dạng hóa hoạt động phi nông nghiệp và hướng tới công nghiệp - xây dựng, giúp đẩy nhanh tăng trưởng trong giai đoạn này. Ngành nông nghiệp, vốn chiếm 44,7% GDP và 52,4% lao động năm 2009, đến nay chỉ còn chiếm

38,5% GDP và 44,8% lao động. Với sự chuyển dịch này, tạo điều kiện cho công nghiệp và các ngành liên quan tăng trưởng và phát triển, các hoạt động trong khu vực này tập trung vào chế biến và khai khoáng. Dịch vụ và thương mại cũng có sự phát triển nhất định, thu hút 30,8% lượng lao động và đóng góp tới 1/3 tổng GDP.

- Ninh Thuận cũng đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới tư duy kinh tế, xác định được các khâu đột phá quan trọng bao gồm cả việc cải thiện môi trường đầu tư thông qua thành lập Văn phòng phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO) và nhìn nhận khách quan xác định 3 trụ cột kinh tế mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh trong quá trình phát triển cơ cấu kinh tế.

2. Những hạn chế tồn tại

- Ninh Thuận vẫn là một tỉnh nhỏ, tổng mức đầu tư toàn xã hội chưa lớn, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm chưa có sự đột phá trong công nghiệp, dịch vụ để tạo động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Bản chất mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay của Ninh Thuận vẫn là mô hình tăng trưởng chất lượng thấp và kém hiệu quả, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân có tăng nhưng không bền vững. Nếu so với cả nước thì tốc độ tăng trưởng này khá cao nhưng quy mô nền kinh tế của tỉnh so với các tỉnh trong khu vực còn thấp và có xu hướng chậm lại. Nếu tính về lượng tuyệt đối, mức GDP của Ninh Thuận chỉ bằng 36,1% mức bình quân toàn vùng còn GDP bình quân đầu người Ninh Thuận năm 2014 là 26,8 triệu đồng/người chỉ khoảng 60% mức bình quân của Việt Nam.

- Chất lượng sản phẩm và môi trường đầu tư chưa đạt yêu cầu và sức cạnh tranh thấp. Nhất là khi Ninh Thuận còn phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ chính các địa phương liền kề vốn có nhiều lợi thế về vị trí kinh tế và có năng lực cạnh tranh khá như Khánh Hòa, Bình Thuận.

- Các lợi thế của tỉnh Ninh Thuận chủ yếu tồn tại dưới dạng tiềm năng trong việc phát triển các trọng điểm về công nghiệp, nông - ngư nghiệp và du lịch. Trong khi đó phần lớn thách thức mà Ninh Thuận đang phải đối mặt như trình độ của đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội… lại đòi hỏi thời gian và nguồn lực đầu tư lớn.

- Bên cạnh đó Ninh Thuận còn phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường khi các dự án quy mô lớn về khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng và titan vận hành với công suất cao.

III. Một số gợi ý về định hướng và giải pháp phát triển tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.

1. Quan điểm, định hướng phát triển chung

- Thứ nhất, về định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

+ Cơ bản lâu dài việc xác định 3 trụ cột và 6 nhóm ngành sản phẩm ưu tiên phát triển là đúng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020 cần ưu tiên đầu tư và chính sách để phát triển 3 nhóm ngành: nông - ngư nghiệp; công nghiệp chế biến và du lịch. Gắn các mục tiêu phát triển ưu tiên với quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, dựa vào vốn đầu tư như hiện nay sang phát triển dựa vào công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

+ Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió và sản xuất thiết bị phục vụ ngành điện gió và công nghiệp chế biến nông, thủy sản; công nghiệp hóa chất sau muối chất lượng cao; ngành nông nghiệp công nghệ cao và ngành du lịch nhằm tạo sức lan tỏa, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.

- Thứ hai, về thể chế

+ Đẩy mạnh cải cách về thể chế, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Chính quyền địa phương phải thực sự là người cung cấp dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp, là người đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và kinh doanh.

+ Cần chú trọng, đẩy mạnh, khuyến khích và hỗ trợ phát triển khu vục kinh tế tư nhân. Phải xem nguồn vốn đầu tư tư nhân là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư công, xem vốn đầu tư của ngân sách nhà nước là “vốn mồi”.

+ Xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng. Chọn dự án thí điểm để triển khai mô hình công - tư đối tác (PPP) nhằm huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

+ Cần xây dựng chương trình cụ thể để tham gia vào các hoạt động liên kết vùng, liên kết với các địa phương trong xúc tiến quảng bá thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trước mắt ưu tiên liên kết phát triển du lịch với 3 địa phương: Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng.

- Thứ ba: về điều chỉnh quy hoạch

+ Mặc dù theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển kinh tế

- xã hội đến năm 2020 với 3 trụ cột kinh tế và 6 nhóm sản phẩm hàng hóa dịch vụ về cơ bản là phù hợp với điều kiện tự nhiên lợi thế phát triển lâu dài của Ninh Thuận. Tuy nhiên, cần đánh giá lại cơ cấu từng nhóm ngành, tốc độ tăng trưởng và đặc biệt cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi. Cần tận dụng cơ hội thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Chính phủ đã sẽ ký kết trong tương lai gần để phát triển các ngành thâm dụng lao động và hải sản mà Ninh thuận có lợi thế.

+ Trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 chưa thể có tác động nào của điện hạt nhân, nên cần quy hoạch và ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chế biến.

+ Trên cơ sở Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, cần xây dựng Đề án tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Ninh Thuận phù hợp với định hướng chung của cả nước; gắn với sự phát triển chung của vùng duyên hải miền Trung.

2. Định hướng và giải pháp phát triển các ngành cụ thể

- Phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất, khuyến khích và có các chính sách ưu đãi đặc thù đối với các doanh nghiệp “đầu đàn” tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất các nông sản.

- Lựa chọn các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư.

- Phát triển gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; gắn hộ nông dân với thị trường với doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi liên kết kinh tế trong sản xuất, ưu tiên đầu tư và hỗ trợ phát triển, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm nông sản có lợi thế, có giá trị (cây nho, cây neem, chăn nuôi dê, cừu, bò, sản xuất tôm giống…) để nâng cao giá trị sản xuất và quảng bá thương hiệu nông sản của tỉnh Ninh Thuận trên thị trường nông sản trong và ngoài nước.

- Đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ mới, sử dụng hiệu quả các tài nguyên đất, nước, lao động; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo lao động cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Hướng dẫn và tạo điều kiện để nông dân tiếp cập và thụ hưởng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

- Tập trung nguồn lực đầu tư và khai thác có hiệu quả ngành công nghiệp năng lượng đặc biệt là năng lượng sạch như năng lượng mặt trời và điện gió, đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước.

- Tiếp tục ưu tiên phát triển trong giai đoạn đến 2020 như: công nghiệp chế biến nông, thủy sản; công nghiệp sản xuất muối và hóa chất sau muối (muối cao cấp, xút, magiê clorua...); công nghiệp chế biến khoáng sản (chế biến xỉ titan); vật liệu xây dựng cao cấp; năng lượng (điện gió, điện mặt trời), may xuất khẩu...

- Thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất, khai thác và chế biến nông, lâm, thủy sản; thiết bị phục vụ ngành điện (điện gió, điện mặt trời…); thiết bị dây chuyền phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng…

- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực nông thôn, đồng thời duy trì và đẩy mạnh việc phát triển các làng nghề truyền thống, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

- Quy hoạch và xây dựng lộ trình để từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh sang mô hình các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái. Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh phải đặt trong tính liên kết vùng, tính liên kết chuỗi giá trị và liên kết ngành trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh riêng có.

- Thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng việc tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cung ứng đầu vào hay tiêu thụ sản phẩm.

- Tiếp tục tập trung phát triển các loại hình và nhóm sản phẩm du lịch, cụ thể:

+ Du lịch nghỉ dưỡng, gắn với giải trí và sinh thái biển như: lặn ngắm rạn san hô, bơi lội dưới nước, các trò chơi thể thao biển…

+ Du lịch văn hóa khám phá và trải nghiệm các giá trị di sản văn hóa, các lễ hội, kiến trúc Chăm gắn với tham quan các làng nghề truyền thống (làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp - Chung Mỹ…);

+ Du lịch sinh thái, khám phá các giá trị cảnh quan thuộc suối, hồ, núi, vườn quốc gia, cồn cát... gắn với tìm hiểu và thưởng thức các đặc sản nho, táo, rượu vang nho...

- Tăng cường liên kết, hợp tác vùng với các địa phương (Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng và các tỉnh Đông Nam Bộ) để xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao; trong xúc tiến, quảng bá, xây dựng điểm đến và tìm kiếm thị trường khách du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

- Đẩy mạnh thu hút và đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho tất cả các lĩnh vực từ quản lý nhà nước về du lịch, nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch…

- Tiến hành rà soát và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án du lịch (mạnh dạn thu hồi các dự án chậm triển khai), thu hút đầu tư xây dựng thêm các cơ sở lưu trú 3 đến 5 sao, phát triển các dịch vụ còn thiếu như: sản phẩm điểm đến, các dịch vụ vui chơi giải trí trong nhà về đêm và trên biển; khu mua sắm tập trung...

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, xử lý các hành vi vi phạm (gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám khách…), bảo vệ môi trường du lịch…

Tóm lại, một số ý kiến trên đây mang tính gợi ý về định hướng và giải pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới, trên cơ sở các ý tưởng, các đề xuất tại hội thảo lần này tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục triển khai nghiên cứu các đề án cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể nhằm bổ sung và hiện thực hóa các quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận nhanh và bền vững đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

***

(1) Phát triển ngành nông lâm, thủy sản và nghề muối: Tập trung đầu tư phát triển ngành nông lâm, thủy sản và nghề muối gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nhằm tạo đột phá và xoay chuyển ngành nông lâm, thủy sản và nghề muối của tỉnh Ninh Thuận theo hướng nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, sạch và phát triển bền vững góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội, cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản; công nghiệp chế biến sản phẩm sau muối; đồng thời phát triển các sản phẩm nông sản đặc sản phục vụ khách du lịch.

(2) Phát triển ngành công nghiệp: tiếp tục chú trọng và đẩy mạnh phát triển các cụm ngành nhằm phát huy tiềm năng của tỉnh, sử dụng nhiều lao động gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, nhằm tạo điều kiện để từng bước chuyển dần sang phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ hiện đại, năng suất lao động cao, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh lớn…

(3) Phát triển ngành du lịch: Trước mắt tiếp tục ưu tiên khai thác và sử dụng tài nguyên về du lịch và các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của tỉnh để xây dựng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có (tạo sự khác biệt) của tỉnh Ninh Thuận, góp phần phát triển bền vững ngành du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch, các khu nghỉ dưỡng biển và các loại hình giải trí cao cấp phục vụ cho khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa có thu nhập, lưu trú dài ngày và sẵn sàng chi tiêu cao, tạo đột phá trong phát triển du lịch của tỉnh cho những năm tiếp theo.