Singapore tăng mạnh ngân sách cho giáo dục đào tạo

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam (Tha-man San-mu-ga-rát-nam) cho biết ngân sách của Đảo quốc Sư tử năm 2015 sẽ tập trung vào xây dựng đất nước trong tương lai. Theo đó, chú trọng đầu tư giáo dục đào tạo nhằm tạo điều kiện để mọi cá nhân được học tập, phát triển trong suốt cuộc đời đồng thời đảm bảo cuộc sống cho người về hưu.

Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của báo cáo ngân sách vừa được Bộ trưởng Tharman Shanmugaratnam trình bày trước Quốc hội Singapore chiều ngày 23-2.

Cụ thể, Singapore sẽ tăng chi tiêu hàng năm cho ngành giáo dục và đào tạo từ mức 600 triệu SGD trong 5 năm qua lên mức bình quân 1 tỷ SGD mỗi năm. Singapore đang nỗ lực phát triển nguồn nhân lực thông qua chương trình có tên gọi SkillsFuture, theo đó mọi công dân Singapore sẽ được cấp một khoản tín dụng trọn đời để thực hiện quá trình học tập của mình.

Từ năm 2016, tất cả các công dân Singapore từ 25 tuổi trở lên sẽ được nhận khoản tín dụng SkillsFuture của chính phủ trị giá 500 SGD và sẽ được nạp tiền theo định kỳ. Khoản tín dụng này sẽ không có hạn định và chỉ được sử dụng cho mục đích giáo dục và đào tạo, bao gồm các khóa học do các cơ quan chính phủ tổ chức.

Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore cũng quyết định nâng mức lương hưu trần của Quỹ Lương hưu Trung ương (CPF) từ 5.000 SGD lên 6.000 SGD. Điều này cho phép người dân Singapore thu nhập trung bình tích lũy nhiều hơn vào quỹ tiết kiệm CPF trong suốt những năm làm việc của họ và được hưởng lợi khi đến tuổi nghỉ hưu.

Cũng theo báo cáo trên, đầu tư của Singapore vào lĩnh vực hạ tầng dự kiến sẽ tăng tới 30 tỷ SGD vào cuối thập kỷ này, tăng 50% so với mức dự kiến trong tài khóa tới. Năm năm trước đây, chi tiêu dành cho lĩnh vực này của Singapore chỉ ở mức 12 tỷ SGD hàng năm. Ông Tharman cho biết chính phủ đang khởi động nhiều dự án, trong đó có dự án phát triển nhà ga Terminal 5 thuộc Sân bay Changi cải thiện đầu tư trong lĩnh vực giao thông công cộng và phát triển vùng nội địa trở thành các khu đô thị và cộng đồng dân cư năng động.

Theo ông Tharman, lần gần đây nhất Singapore đầu tư mạnh vào hạ tầng là vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi chính phủ khởi động đầu tư phát triển Đảo Jurong, xây dựng tuyến đường tàu điện ngầm Đông Bắc và hệ thống vận tải đường sắt hạng nhẹ, Bệnh viện Đa khoa Changi và một số dự án khác.

Báo cáo ngân sách cũng cho thấy Singapore dự kiến mức thâm hụt ngân sách rất nhỏ, khoảng 1 tỷ SGD trong tài khóa 2014, thấp hơn mức dự báo của chính phủ một năm trước đây (1,2 tỷ SGD - chiếm 0,3% GDP). Trong tài khóa 2013, Singapore đạt thặng dư ngân sách 3,9 tỷ SGD.

Theo TTXVN