Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 14-2

* Sự kiện:

- Ngày 14-2-1946: Sau cái Tết độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đăng trên Báo Cứu Quốc số 163 “Lời cảm ơn đồng bào”.Trong bài nêu rõ: “Nhân dịp Tết, đồng bào từ Nam chí Bắc, cá nhân và đoàn thể, các cụ già và các trẻ em, các đồng bào dân tộc thiểu số, các kiều bào ở Lào, ở Xiêm và ở Trung Quốc, đã gửi cho hơn hai nghìn bức điện và thư để chúc tôi năm mới. Lại có người gửi cho cam, mứt, bánh chưng, dưa cải, mùi soa, v.v... Tiếc vì bận việc không thể cảm ơn từng người, tôi xin tất cả đồng bào nhận lời cảm ơn chung với lòng thân ái của tôi”.

- Ngày 14-2-1952: Bác Hồ viết bài “Tự phê bình và phê bình”Bài viết đăng trên báo Nhân dân số 45. Trong bài viết, Người nêu rõ mục đích khi tiến hành tự phê bình và phê bình là: Đoàn kết nội bộ từ trên đến dưới, làm cho công việc tiến hơn thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm.Người yêu cầu: “Kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên”. Khi kết thúc một cuộc tự phê bình và phê bình phải làm cho mọi người tăng thêm lòng tự tin, khoan khoái, vui vẻ để tiếp tục công tác và tiến bộ mãi mãi. Đến nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị.

- Ngày 14-2-1961 (tức 30 Tết Tân Sửu): Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và chúc Tết: Gia đình một công nhân Nhà máy gỗ Cầu Đuống gia đình một cán bộ công đoàn Nhà máy cơ khí Hà Nội gia đình một Việt kiều mới về nước gia đình một xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp người Hoa gia đình Bác sĩ Hồ Đắc Di và gia đình Giáo sư Tôn Thất Tùng.Đêm Giao thừa, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Người đọc Lời chúc Tết đồng bào cả nước nhân đầu Xuân Tân Sửu.

- Ngày 14-2-2000: Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học có sử dụng tiếng Pháp khu vực Đông Nam Á tổ chức tại Hà Nội.Cùng với các dự án giảng dạy song ngữ Pháp-Việt tại các trường tiểu học và trung học cơ sở, chương trình giảng dạy tiếng Pháp tại các trường đại học ở Việt Nam góp phần phát triển tiếng Pháp trong khu vực cũng như trên thế giới. Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học có sử dụng tiếng Pháp được tổ chức thường xuyên tại nhiều khu vực trên thế giới nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các trường có sử dụng tiếng Pháp.

- Ngày 14-2-2014: Bia chùa Sùng Khánh (Hà Giang) - bảo vật quốc gia. Ngày 14-2 (tức ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ), tại thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, đã công bố Bia chùa Sùng Khánh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đồng thời tổ chức lễ hội Lồng Tồng và lễ dâng hương lên Chùa Sùng Khánh. Bia chùa Sùng Khánh được dựng vào năm 1367, sau khi xây dựng chùa Sùng Khánh 11 năm. Bia được đặt trên một con rùa đá, điểm độc đáo là trán bia được bao bọc trong băng trang trí hình cánh cung và được chia làm 3 ô. Trán bia này là một tổ hợp trang trí đặc biệt chưa từng thấy trên một tấm bia nào khác ở nước ta. Tấm bia có một giá trị lớn, về mặt văn bản nó có thể xem là một tài liệu gốc dùng để so sánh đối chiếu một số dạng thời Trần khi nghiên cứu các văn bản khác. Hơn nữa, ở tấm bia chùa Sùng Khánh, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số chữ Nôm khắc trên bia góp phần bổ sung thêm tài liệu cho việc tìm hiểu chữ Nôm thời Trần...

* Nhân vật:

- Ngày 14-2-1922: Ngày sinh của nhà tình báo xuất sắc Phạm Ngọc Thảo. Phạm Ngọc Thảo quê ở Bến Tre, sinh ra trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa tại Sài Gòn. Ông được coi là một trong 4 tình báo viên xuất sắc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng với Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ và Lê Hữu Thúy. Khi cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông gia nhập Vệ quốc đoàn, sau đó hoạt động ở miền Tây Nam Bộ. Nhờ sự giới thiệu của Giám mục Ngô Đình Thục - người quen thân của gia đình ông - với Ngô Đình Diệm, ông làm việc trong quân đội Việt Nam cộng hòa. Được Ngô Đình Diệm tin cậy, ông được cử làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (nay là Bến Tre) và tùy viên văn hóa của Sứ quán Việt Nam cộng hòa tại Hoa Kỳ. Đầu năm 1965, ông bị gọi về nước vì những hoạt động tình báo của ông bị lộ. Ông bị tra tấn dã man và chết vào đêm 17-7-1965.

Theo TTXVN