Múa Lân Sư Rồng: Nét văn hóa độc đáo ngày xuân

(NTO) Theo quan niệm của người Á Đông, lân-sư-rồng tượng trưng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc, hanh thông và khơi mở cho những điềm lành trong năm mới. Vì thế, mỗi dịp Tết đến, xuân về, hoạt động múa Lân Sư Rồng diễn ra sôi nổi với khát vọng cầu hạnh phúc, trường thọ, sung túc và gia cang đầm ấm. Múa Lân Sư Rồng luôn ẩn chứa những nét tinh tế, thú vị, lôi cuốn cả vận động viên lẫn khách thưởng lãm.

Vào những ngày Tết hay trong không khí sôi động của lễ hội, đâu đó ở thôn quê hay chốn thị thành chợt vang lên tiếng trống thùng thình, tiếng chập chiêng của những đội lân đang chuẩn bị biểu diễn làm cho lòng người dâng lên cảm giác nôn nao về hình ảnh của những chú lân, rồng rực rỡ múa lượn và uy dũng.

Múa Lân Sư Rồng tại lễ khai mạc đường hoa mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi 2015.
Ảnh: Sơn Ngọc

Chị Ngọc Yến (phường Mỹ Hương, Tp. PR-TC) hào hứng cho biết: Gia đình tôi có truyền thống cứ mùng một tết là mở cửa đón Lân vào nhà, với những điệu múa sôi động, tiếng trống rộn ràng, vui tươi làm cho không khí tết nhà tôi khí thế hẳn lên. Qua đó, tôi tin tưởng một năm mới phát đạt đến với gia đình tôi. Lý giải vì sao múa Lân Sư Rồng trở thành nét văn hóa gần gũi với nhiều người, anh Nguyễn Xuân Tân, chủ nhiệm CLB Lân Sư Rồng Tân Hưng Đường chia sẻ: “Theo quan niệm của người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì trong dịp xuân mới, khai trương, động thổ... mà có Lân Sư Rồng xông đất, khai hội được xem như cả năm may mắn, gặt hái nhiều tài lộc. Vì thế múa Lân Sư Rồng trở thành loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được nhiều người lựa chọn trong các dịp trọng đại”.

Nói đến múa Lân Sư Rồng ở tỉnh ta, phải kể đến Câu lạc bộ Tân Hưng Đường do Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên tỉnh quản lý, với trên 30 thành viên tham gia. Mặc dù chưa rầm rộ như các tỉnh, thành khác, nhưng phong trào múa Lân Sư Rồng ở Ninh Thuận cũng không còn chỉ là góp vui trong những ngày lễ, Tết… mà đã lớn dần hơn trong những dịp phục vụ tuyên truyền cho các sự kiện của tỉnh. Nhưng có lẽ, ít ai biết được để trở thành một diễn viên thực thụ của đội lân quả là chuyện không đơn giản. Để điệu múa lân đẹp, hấp dẫn, người múa thể hiện nhiều động tác tổng hợp rất uyển chuyển, linh hoạt và phải biểu lộ được mười cung bậc tình cảm: hỉ, nộ, ái, ố, động, tịnh, kinh, nghi, thị, tĩnh cùng với những động tác nhảy múa, vồ, cắn, nuốt, thở, lăn vòng, vặn mình, ngồi, nằm, đứng, tiến, lùi, cảnh giác, dò xét hòa quyện trong tiếng trống giục giã. Đỉnh cao của nghệ thuật múa lân là động tác “Lên Mai Hoa Thung”, tượng trưng cho cuộc đời của con người vượt qua khó khăn để đạt điều tốt đẹp. Đây cũng là điệu múa khó nhất vì lân phải nhảy, nhào lộn trên dàn Mai Hoa Thung với 24 cọc sắt cao từ 1,2 m đến 3 m, chiều dài không quá 15 m, và thời gian biểu diễn trong vòng 15 phút. Để làm được những điều này, các thành viên của đoàn lân đã phải chuyên tâm khổ luyện ngày đêm. Theo anh Đặng Tấn Phát, thành viên Câu lạc bộ Tân Hưng Đường: “Để trở thành một vận động viên múa lân giỏi, tạo ra một màn biểu diễn sắc xảo, tinh hoa, có thần thái đòi hỏi mỗi vận động viên phải thật sự đam mê môn nghệ thuật này vì nó đòi hỏi sự kiên trì và sức chịu đựng cao; bên cạnh đó vận động viên không ngừng luyện tập để có sức khỏe dẻo dai, phối hợp ăn ý, thuần thục giữa bạn diễn với nhau nhất là trong các động tác khó và nguy hiểm”.

Tuỳ theo tính chất của từng lễ hội, múa Lân Sư Rồng sẽ có những bài bản khác nhau. Ba loại hình múa có thể biểu diễn riêng rẽ, đôi khi cũng có sự phối hợp với nhau tạo thành bộ ba hoàn hảo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người xem bởi điệu bộ và cử chỉ, sự uy dũng và cái thần riêng của từng nhóm múa khác nhau. Một chương trình múa Lân Sư Rồng tạo được nét riêng độc đáo không chỉ dàn vận động viên có võ thuật, điêu luyện trong động tác mà còn có sự góp phần tích cực của âm thanh như trống, phèng la và sự hoạt náo của ông địa trên tay cầm quạt giấy to đi theo đùa lân, giỡn khách thưởng lãm để tạo nên yếu tố hài hước, dí dỏm cho bài múa. Ngày nay, múa Lân Sư Rồng không chỉ là môn nghệ thuật biểu diễn mà đã được công nhận là môn thể thao thi đấu chính thức trong các kỳ Đại hội thể thao. Với những bài múa, như: Trống hội, Song long, Tứ quý lân, Lân lên mai hoa thung, lân leo cây và cao không hái lộc… Thời gian qua, Câu lạc bộ Tân Hưng Đường cũng đã từng tham gia biểu diễn ở các lễ hội lớn, như: các chương trình mừng Đảng mừng Xuân hàng năm tại tỉnh nhà, đại hội Lân Sư Rồng Becamex Bình Dương 2013, 2013, 2014, liên hoan Lân Sư Rồng các nhà thiếu nhi TP. HCM 2013, được lãnh đạo và nhân dân địa phương cổ vũ nhiệt tình.

Một mùa xuân nữa lại về, hy vọng phong trào múa Lân Sư Rồng ở tỉnh ta sẽ có định hướng lâu dài để ngày một phát triển.