Chuyện “phát thưởng”

(NTO) Lâu ngày gặp nhau, sau cái bắt tay thân tình anh bạn học cùng lớp thuở nào nay là doanh nhân hỏi: Này, ông có biết chuyện “phát thưởng” không? Ông hỏi toàn chuyện lạ đó đây sao tôi biết được, mà ông tính làm từ thiện hay sao mà nghĩ đến chuyện phát …gì đây? - Thế thì đúng là ông không biết thật, cánh như ông giờ người ta gọi là “cán bộ phòng… lạnh”. Rồi anh chậm rãi kể tôi nghe.

Con không được tặng giấy khen, cha mẹ vui mừng

Con gái mình đang học “năm thứ nhất” tại trường tiểu học danh tiếng của thành phố. Cháu vốn ngoan hiền, siêng năng, học giỏi thường được xếp hạng nhất, nhì lớp và của khối lớp một. Thế nhưng, tháng vừa qua xếp hạng rèn luyện, học tập bị tụt hai bậc, cháu cứ bắt mẹ đền, chẳng là do mẹ xin cô giáo cho nghỉ học bốn ngày nhân dịp đi Hà Nội đưa con gái theo cùng ra thăm lăng Bác Hồ. Tụt hạng học hành cũng bình thường nhưng khổ nỗi sơ kết học kỳ một năm nay, lớp có năm bạn được tặng giấy khen nhưng không có tên con mình. Đến đón cháu dự tổng kết năm học về thấy vẻ mặt buồn hiu, tay cầm bọc giấy hồng có 5 quyển vở. Hỏi, cháu bảo “ghét mẹ”, chuyện mẹ con thế nào mình đâu biết. Trưa hôm đó cháu không chịu ăn cơm. Mẹ cháu biết chuyện, hết xin lỗi lại nài nỉ rồi hứa sẽ giúp con cuối năm được trường tặng giấy khen cháu mới chịu. Hoá ra chỉ vì mẹ đưa con đi Hà Nội, rồi trong dịp festival Hoa, đưa con lên Đà Lạt tham dự, cháu nghỉ học hơn một tuần nên không được giấy khen, chỉ được thưởng vở. Cháu buồn ấm ức việc khen thưởng nhưng vợ chồng tôi thì mừng bởi con mình được học ở trường mà cô giáo, ban giám hiệu nhà trường hết sức nghiêm túc trong việc đánh giá học sinh để khen thưởng.

Chuyện “phát thưởng”

Đưa chuyện trên kể cho đám bạn trong lúc “trà dư, tửu hậu”, chúng bảo “may mà con ông được học ở nơi “thầy ra thầy, trò ra trò” chứ con tôi học lớp hai trường tiểu học ngoại ô được mấy cái giấy khen nhưng hỏi “hai mươi trừ đi mấy thì được chín nó bảo không biết”. Nghe vậy, ông bạn cùng khu phố lên tiếng: Con ông thế còn thông cảm được, cháu tôi năm nay học lớp 12 hỏi bảng cửu chương chưa thuộc nhưng tỉ lệ tốt nghiệp thì cứ 97-98%. Còn anh có con học lớp ba ở trường tiểu học ngoại ô kể: Năm học này, tôi được bầu vào ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh nên được mời dự hội nghị sơ kết học kỳ một của trường. Theo báo cáo của cô hiệu trưởng, xếp loại học sinh năm học trước về rèn luyện đạt loại khá trên 75%, học sinh học lực giỏi 85%, năm học này phấn đấu bằng hoặc hơn năm học trước. Sau báo cáo là phần khen thưởng, lần lượt từng lớp học sinh tiến lên phía khán đài và các thầy, cô giáo thay nhau phát giấy khen, phần thưởng cứ như “hội chợ” vậy. Thì ra, học sinh bây giờ “giỏi cả làng” nên người ta không trao tặng nữa mà phát thưởng như phát kẹo vậy.

Để trả lại bản chất của khen thưởng

Ông bà ta đã dạy “một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Mới thấy để được thưởng thôi đã khó lắm rồi, huống hồ là được cơ quan, đơn vị, chính quyền vinh danh khen thưởng. Nhà nước ta cũng quy định cụ thể việc tổ chức trao thưởng, phải bảo đảm trang trọng và tại nơi có ý nghĩa tôn vinh, nơi có ý nghĩa giáo dục, động viên nhất. Việc “phát thưởng” không chỉ xảy ra ở một số trường học mà còn ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp… tuy không thường xuyên nhưng đã làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa của khen thưởng. Người được khen thưởng không có được niềm vinh dự tự hào thay vào đó là nỗi buồn...!!! Khen và thưởng là để ghi nhận thành tích, công lao của một tập thể, cá nhân đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc xét khen thưởng phải chính xác và tổ chức trao thưởng thực sự trang trọng tôn vinh người có thành tích, nhất là trong các trường học, nơi nuôi dưỡng và ươm mầm tài năng cho đất nước mai sau. Vậy xin hãy trả lại bản chất vốn có của khen thưởng để khen thưởng, thực sự là nguồn động viên to lớn toàn dân hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.