1.Chỉ còn mươi hôm nữa là tết. Mùa xuân dường như đang gõ cửa từng nhà. Thiên nhiên và con người đang chan hòa trong niềm hân hoan đón chào thời khắc bắt đầu một năm mới trong không khí sum vầy. Người ở quê nhà đang ngóng đợi. Người xa quê đang thắc thỏm ngày về. Từ trong cội nguồn văn hóa Việt, Tết (xin được viết hoa) không chỉ có nghĩa là khoảng thời gian vui chơi, nghỉ ngơi hay hưởng thụ mà nó còn mang một ý nghĩa thiêng liêng ăn sâu vào tâm thức như một giá trị nhân văn: Tết là quay về, là đoàn viên, là sẻ chia, là tưởng vọng… với tổ tiên, ông bà cha mẹ, bà con láng giềng lối phố. Đôi khi chỉ để ngắm vườn cải vàng hoa mé sông và nghe tiếng chim cu trầm trầm trong màu trắng bông lau nơi triền đê một thuở.
Bạn đã chuẩn bị chưa? Em đã chuẩn bị chưa? Nào hành lý đã sẵn sàng, đường về nhà cứ nao nao trong lòng. Hôm qua, facebook của một người bạn Việt kiều nói với tôi rằng: dù đã nhiều mùa xuân tha hương nhưng cứ mỗi lần tết đến vẫn làm lòng bạn quay quắt nhớ quê nhà. Bây giờ với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin nên chỉ cần một cú nhấp chuột thì “google map” cho phép mái nhà và khu phố của bạn bên kia bờ đại dương xuất hiện trên màn hình hay chỉ cần một cái chạm nhẹ thì hình ảnh người thân có thể trò chuyện trực tiếp với bạn cách nửa vòng trái đất. Khoảng cách địa lý được xóa nhòa trong thế giới phẳng nhưng thế giới tâm hồn ai lấp cho đầy? Đó là nỗi nhớ vô hình bảng lảng trong lòng mà ta không thể gọi tên. Có thể là hình ảnh cành mai vàng, hàng rào đỏ tươi dâm bụt, là mùa hoa vông vang đỏ rực một góc sân đình, là mùi hương trầm thoảng trong sương cùng tiếng củi nổ lép bép của nồi bánh tét đêm trừ tịch. Mà cũng có thể chỉ là tiếng dế râm ran triền đê mùa cỏ non lún phún xanh dưới làn mưa bụi…
2. Một cậu thanh niên hàng xóm làm hướng dẫn viên du lịch nên tết này không được ăn tết ở nhà, trông mặt chàng trai trẻ ỉu xìu thấy tội. Con gái tôi làm nhân viên một cơ sở kinh doanh tận Bình Dương tết này cũng không được về nhà. Nghe con báo tin mà tôi thấy bùi ngùi nhưng cũng đành đợi con về tết muộn. Đã có nhiều bạn trẻ như cậu trai hàng xóm, như con gái tôi vì công việc mà không thể về quê ăn tết. Chắc là họ sẽ buồn và nhớ nhà trong giờ phút giao thừa và sớm mai Nguyên đán. Tôi nhớ cách đây vài năm, trong một bài tùy bút mùa tết tôi có trích dẫn mấy câu thơ của nhà thơ Phạm Hữu Quang để cảm thông nỗi niềm người ăn tết xa quê: “ Giang hồ tay nải cầm chưa chắc/ Dường như ta mới khóc hôm qua/ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà…”. Vô tình, ban biên tập tờ báo ghi luôn số điện thoại của tôi. Thế là có nhiều người ăn tết xa quê gọi điện tỏ lời đồng điệu. Tôi nhớ có một một nhóm bạn trẻ nói rằng họ là công nhân từ miền Bắc vào làm việc ở công trường Thủy điện Yaly, vì tiến độ công trình nên không thể vể quê ăn tết nên họ rất “thấm” khi đọc bài viết của tôi. Hóa ra, bạn trẻ đâu hời hợt và chạy theo trào lưu “ăn tết bụi” hay thích “xê dịch”, du lịch ngày xuân. Có chăng cũng chỉ số ít!
3. Về quê ăn tết. Đó là nét đẹp truyền thống, là bản sắc văn hóa Việt mang đạm nét nhân văn. “Nhà” hay “Quê” trong tâm thức mỗi người Việt Nam ta là nguồn cội, là bến neo đậu tâm hồn, là chốn quay về sau những chặng đời dâu bể. Vậy nên về quê ăn tết có một ý nghĩa cao đẹp và nhân ái góp phần gìn giữ và là dưỡng chất nuôi dưỡng biết bao tâm hồn Việt Nam.
Facebook của bạn bảo tôi: Tết ở phía quê nhà!
Bùi Diệp