Đảm bảo các gia đình chính sách, người nghèo được đón Tết vui tươi, đầm ấm

(NTO) Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Anh Việt, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo được đón tết vui tươi, đầm ấm.

đồng chí Trần Anh Việt
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phóng viên: Thưa đồng chí, Tết Nguyên đán Ất Mùi đang gần kề, ngành LĐ-TB&XH đã có những kế hoạch gì để các hộ chính sách, hộ nghèo đều được vui Xuân, đón Tết?

Đồng chí Trần Anh Việt: Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thăm và tặng quà Tết cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hướng dẫn các phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp với các đoàn thể xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt vận động để chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài phần quà của Chủ tịch nước tặng cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo thông lệ hàng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với những đối tượng trên. Dịp Tết Ất Mùi năm nay, tỉnh ta đã trích ngân sách hơn 9,1 tỷ đồng để hỗ trợ cho 47.994 hộ người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội..., mỗi suất quà trị giá từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng. Số quà trên được trao tận tay các hộ nghèo trước ngày 25 tháng Chạp. Ngoài ra, thông qua các kênh Ủy ban MTTQVN, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân; các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh… cũng đã vận động được hàng tỷ đồng để thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, người nghèo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chỉ riêng chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động, đã nhận được 14.000 phần quà, mỗi phần trị giá thấp nhất 300.000 đồng/phần do các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ đã trao tặng đến các hộ nghèo, nạn nhân da cam/dioxin trong dịp Tết.

Để mọi đối tượng đều có Tết, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục hỗ trợ thêm 593,6 tấn gạo cứu đói cho 9.810 hộ/39.576 khẩu (mỗi khẩu 15kg gạo/1tháng) trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi; hỗ trợ 1.127,6 tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2015 cho 8.346 hộ/34.873 khẩu ở những vùng bị ảnh hưởng thiên tai do hạn hán kéo dài.

Phóng viên: Như vậy, để triển khai có hiệu quả kế hoạch Tết, ngành đề xuất gì đối với các địa phương, tổ chức, đoàn thể?

Đồng chí Trần Anh Việt: Ngoài số gạo cứu đói đã được UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ, các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát, xác định số hộ gia đình có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2015 để có phương án trợ giúp kịp thời, bảo đảm cho mọi người dân, hộ gia đình có thêm điều kiện đón Tết. Trường hợp đối tượng cần cứu đói quá lớn, nguồn ngân sách của địa phương không đáp ứng đủ thì UBND các huyện, thành phố kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết. Bên cạnh đó các địa phương cần kiểm tra, rà soát đối tượng lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn để thông báo cho gia đình và địa phương đón đối tượng về trước Tết Nguyên đán; thực hiện việc chi trả kịp thời chế độ trợ cấp cho các đối tượng trợ cấp xã hội.

Chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội là vấn đề mang ý nghĩa xã hội lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn lực Nhà nước sẽ không thể nào lo hết được. Vì vậy hơn lúc nào hết, chăm lo Tết cho người nghèo cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!