Xây dựng tập thể điển hình tiên tiến

(NTO) Tập thể điển hình tiên tiến là tập thể tiêu biểu nổi bật trong các phong trào thi đua, là hạt nhân của phong trào thi đua yêu nước trong từng đơn vị cơ quan, trường học. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một số trăn trở về mối quan hệ, sự tác động và các yếu tố góp phần tạo nên một tập thể điển hình tiên tiến, đó là : mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, tập thể và người lãnh đạo, tập thể nhỏ và tập thể lớn.

Cá nhân và tập thể

Từ xưa, ông cha ta có câu “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Nhà thơ Nazim Hilsmet cũng từng nói : “Nếu tôi không đốt lửa / Nếu anh không đốt lửa / Nếu chúng ta không đốt lửa / Thì làm sao bóng tối sẽ trở thành ánh sáng !”. Bóng tối sẽ tan đi và ánh sáng sẽ ngập tràn nếu anh hành động, tôi hành động, chúng ta cùng hành động. Chẳng thể có một tập thể điển hình tiên tiến nếu trong tập thể ấy không có những cá nhân điển hình tiên tiến.

Tập thể giáo viên Trường THPT Chu Văn An đoàn kết thi đua dạy tốt. Ảnh: Sơn Ngọc

Cá nhân điển hình tiên tiến là những cá nhân có tinh thần trách nhiệm cao, năng động sáng tạo trong công tác, gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có tinh thần đoàn kết xây dựng tập thể, có ý thức trách nhiệm với tập thể, chấp hành tốt nội quy cơ quan, trường học… ; thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, lời nói đi đôi với việc làm, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua của cơ quan, của ngành.

Cá nhân điển hình tiên tiến là yếu tố đầu tiên, có tính tất yếu để tạo nên tập thể tiêu biểu. Không có cá nhân tồn tại tách biệt, cũng như không có thành công phi thường nào chỉ do một cá nhân độc diễn. Cho nên, mỗi cá nhân, một mặt, biết đề cao tinh thần chủ động, tự lực, tận tâm, sáng tạo trong giải quyết công việc, mặt khác, biết phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, đồng sức, hỗ trợ, hợp tác với các thành viên khác trong tập thể thì việc gì, dù khó đến đâu cũng làm được, cũng thành công. Nghĩa là, để xây dựng tập thể điển hình tiên tiến, giữa cá nhân và tập thể phải luôn có tương quan trách nhiệm, tập thể vun trồng cho tài năng cá nhân nảy nở, nhưng cá nhân phải hòa mình vào tập thể mới có thể thành công.

Tập thể và người lãnh đạo

Sống ở đời, một trong những mong ước tự nhiên và chính đáng của con người là được thể hiện và khẳng định bản thân, khẳng định sức mạnh và cái tôi của mình. Người lãnh đạo giỏi là người nhìn thấy và phát huy được sức mạnh của từng cá nhân trong tập thể. Tập thể điển hình tiên tiến, hẳn người lãnh đạo tập thể đó phải là cá nhân điển hình tiên tiến.

Người lãnh đạo điển hình tiên tiến là người có quá trình phấn đấu và thành công ; cung cấp thông tin kịp thời cho tập thể ; có khả năng gây ảnh hưởng đến người khác ; công bằng, nhất quán, kiên định, chính trực, đáng tin cậy ; sát cánh bên tập thể, đánh giá công trạng đúng người ; biết lắng nghe, quan tâm chân thành đến người khác và bộc lộ sự tin tưởng vào tập thể.

Tập thể mong đợi rất nhiều ở tài xoay xở, sự sáng tạo, khả năng làm việc độc lập nơi người lãnh đạo của họ. Khích lệ tinh thần cống hiến của mỗi cá nhân, tận tâm tận lực với công việc chung, người lãnh đạo đã góp một phần quan trọng, to lớn vào việc xây dựng tập thể điển hình tiên tiến.

Tập thể nhỏ và tập thể lớn

Cũng như cá nhân và tập thể, tập thể nhỏ phải hòa vào tập thể lớn mới dễ dàng đạt được thành công. Người lãnh đạo chính là cầu nối cá nhân với tập thể, tập thể nhỏ với tập thể lớn. Nhiều tập thể nhỏ điển hình tiên tiến sẽ tạo nên một tập thể lớn điển hình tiên tiến.

Tập thể điển hình tiên tiến dù nhỏ hay lớn phải là “mô hình mới”, hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ được giao, có phương pháp làm việc mới tiến bộ hơn so với cách làm trước đây, thể hiện tính sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn đạt kết quả cao, có sức lan tỏa trên từng lĩnh vực hoạt động, là hình mẫu để các tập thể khác thừa nhận, suy tôn, học tập và làm theo.

Tóm lại, chúng ta cần thấy sự tác động của các yếu tố mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, tập thể và người lãnh đạo, tập thể nhỏ và tập thể lớn trong xây dựng tập thể điển hình tiên tiến. Xây dựng tập thể điển hình tiên tiến để giữ vững sức phấn đấu và phát huy các thành tích đạt được của các tập thể tiêu biểu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các phong trào thi đua, thúc đẩy sự phát triển của cơ quan, trường học. “Một tấm gương tốt có lợi bằng một trăm bài diễn thuyết”. Vì thế, Bác Hồ dạy : Lấy gương tốt để giáo dục lẫn nhau, sinh động và thuyết phục hơn rất nhiều, đó là “cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” .