CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Đừng quá cả tin!

(NTO) Có người cho rằng, cùng với sự phát triển chung của xã hội là tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường sống của con người. Ngẫm lại thấy cũng chí lý. Thử nhìn cũng có thể đoán biết đó là, khi phát triển doanh nghiệp sản xuất thì có thể dẫn đến ô nhiễm bởi chất thải, nước thải… tùy theo điều kiện sản xuất như nhà máy tinh bội mỳ ở Ninh Sơn chẳng hạn.

Kinh tế khá lên, người dân “đổ xô” mua ô tô, xe máy làm phương tiện đi lại, làm ăn vậy là gây nên tình trạng “tích tụ” ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi... Và sát sườn nhất, thường “đụng chạm” nhất đó là bữa ăn hàng này cũng... “đầy” nỗi lo ô nhiễm từ thịt, cá đến rau, củ, quả. Theo lời khuyên của các nhà dinh dưỡng thì hàng ngày mỗi người nên ăn cho đủ chất theo hướng cân bằng cả thức ăn từ “động vật” đến “thực vật”, nhưng nên ăn nhiều rau xanh và củ, quả các loại để tránh bị các bệnh “thời đại” như gút, béo phì, gan, máu nhiễm mỡ... đủ cả mà nếu kể ra thì coi như “lục phủ, ngũ tạng” con người đều có nguy cơ cao về ... bệnh tật, trong đó có những bệnh khó chữa như ung thư.

Người tiêu dùng lựa chọn mua rau quả an toàn. Ảnh: Sơn Ngọc

Thế nhưng, để cung cấp cho nhu cầu lương thực, thực phẩm hàng ngày của con người thì nông dân sản xuất phải tính đến bài toán hiệu quả. Vậy là, nuôi heo thì phải “bồi bổ” thức ăn “siêu” tăng trọng để chỉ qua 3 tháng nuôi là đủ trọng lượng cả tạ trở lên để xuất chuồng mới có thể lãi, bằng không thì... gánh lỗ!. Còn như nuôi theo “truyền thống”, chỉ cho ăn cám gạo, rau... thì có khi cả năm mới được một đến hai lứa, không kinh tế chút nào (mặc dù có lợi cho sức khỏe người dùng nhờ sản phẩm sạch) nên không ai nuôi. Rau xanh cũng chẳng khác gì. Muốn rau “bắt mắt”, không bị sâu ăn hại lá thì phải “diệt” sâu bằng thuốc độc, kèm theo đó là dùng thuốc kích thích để phát triển nhanh. Vậy nói đúng ra là rau “tẩm” thuốc để bán cho người dùng. Cũng lạ là các quý bà nội trợ lại “thích” thịt heo phải là “siêu nạc”, rau thì phải xanh cây, mướt lá mới mua mà đâu biết rằng chính sở thích đó đã mang đến “mầm họa” cho các thành viên trong gia đình từ bữa cơm hàng ngày. Nhiều người mua hàng cũng theo “tâm lý đám đông”. Tiếng đồn rau có sâu là rau... sạch, vậy là người bán “chơi chiêu” nuôi sâu để bỏ vào rau. Thậm chí có không ít người cho rằng vào siêu thị mua ăn là chắc nhất nhưng coi chừng... “bé cái nhầm”, bởi gần đây báo chí đã phanh phui đường dây đưa rau bẩn vào các siêu thị ở Hà Nội của một doanh nghiệp làm ăn gian dối. Ở tỉnh ta cũng không nên quá cả tin, bởi chỉ có người trực tiếp sản xuất là biết rõ nhất rau, quả, vật nuôi... có sạch hay không mà thôi!.

Có người đặt câu hỏi, vậy thì ăn gì cho an toàn trước “mê trận” ô nhiễm như thế!. Câu trả lời xin dành cho cơ quan chức năng và đặc biệt là “đánh động” vào chính lương tâm của người sản xuất phải vì sức khỏe của cộng đồng là trên hết. Còn lời khuyên muôn thuở vẫn là: hãy nâng cao kiến thức nội trợ để chọn thực phẩm tốt nhất cho gia đình mình và cũng đừng quá cả tin để rồi “tiền mất tật mang”.