Chuyện “con hơn cha”

(NTO) Đã thành thông lệ, nhóm bạn học phổ thông cùng lớp năm nào cứ đầu tháng lại gặp nhau tại quán cà phê hàn huyên chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay. Nhân trên diễn đàn VietNamnet tổ chức buổi giao lưu chào mừng Cách mạng Tháng Tám có nói về “con hơn cha là nhà có phúc” nên chủ đề gặp mặt lần này của nhóm bạn chuyển sang “khoe” con cái mình.

Chuyện thứ nhất “Con thích gì được nấy”

Mở đầu, ông bạn có vẻ đại gia “khoe” trước. Anh kể: Các cậu thấy đấy, tớ làm cơ quan, lương vợ không lấy, bảo ông giữ uống cà phê, ăn sáng. Cô bạn ngồi bên thấy vậy đế thêm: Số ông sướng, lấy vợ trúng “hũ nếp”, à không “hũ vàng” ròng, chắc gia đình vợ ông giàu có lắm phải không?. Thế là được dịp khoe vợ, mắt anh như “long lanh”: Nói thật với các bạn, mỗi người có cái số của nó, sinh ra đã sẵn “sướng hay khổ” rồi. Ví như bà xã mình, năm 1992 cơ quan nhà nước tinh giản biên chế, nghỉ việc hưởng chế độ một lần. Ai dè, trong cái rủi có cái may, về nhà mở quán ăn lấy công làm lời đến nay hơn hai mươi năm, mọi việc trong gia đình giờ đây một tay cô ấy lo hết. Thế thì ông sướng thật, có bà xã đảm đang chắc con ông nó cũng giỏi như mẹ nó. Cô bạn lúc nãy tán thêm. Như được tiếp thêm “lửa”, anh hào hứng: Mình có hai cô con gái, đứa đầu “tốt nghiệp” trung cấp dược, vợ chồng mình chuẩn bị sẵn cho cháu ngôi nhà hai lầu ở một đường lớn của thành phố, tầng trệt cháu kinh doanh dược phẩm, còn đứa nhỏ hiện đang học lớp 11 mình đầu tư cho cháu học thêm các môn quan trọng, nhất là ngoại ngữ, mỗi tháng chi khoảng năm bảy triệu. Nói thêm các bạn biết, con mình còn là tín đồ của… công nghệ thông tin lắm, “chạm” một cái là “cả thế giới trong tầm tay”. Mới đây, mẹ nó trang bị cho mỗi đứa một con Iphone plus “hàng Mỹ” hơn ngàn đô…

Có lẽ câu chuyện vợ giỏi, con hay còn kéo dài nếu như không có người ghé tai nói nhỏ cô bạn gái đang muốn nghe “bí quyết” của bạn mình về việc dạy dỗ con cái. Chẳng là, đứa con gái lớn của anh kinh doanh thế nào chẳng biết nhưng hàng tháng, mẹ vẫn lén lút cho tiền tiêu xài, nhà to đẹp nhưng bề bộn như kho chứa hàng. Còn cô gái thứ học lực xếp loại trung bình (có lẽ nhờ “đầu tư” học thêm nhiều), ngày ngày lên Facebook khoe đủ thứ. Nhìn chúng ăn mặc, tiêu xài thì đúng là “Pro” (đẳng cấp). Vậy nên tục ngữ xưa có câu “con hư tại mẹ” nay nên sửa lại thành “con hư nhờ mẹ nhờ cha” mới đúng!?

Chuyện thứ hai “Dạy con từ thuở còn thơ”

Cô bạn ở câu chuyện trên lại không kể về con mình mà nói về con của bạn em mình. Cô say sưa: Cháu nó năm nay học lớp 11, vừa rồi tham gia thi Olimpic Hoá học khu vực phía Nam do Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP. Hồ Chí Minh đăng cai đoạt Huy chương Bạc. 11 năm học phổ thông là bằng ấy năm cháu đạt học sinh giỏi xuất sắc và nằm trong top 5 của trường chuyên tỉnh, thật còn gì hạnh phúc hơn khi con cái học giỏi. Nghe cô kể tôi cũng phấn chấn theo và dò hỏi: Này bạn, cha mẹ cháu làm nghề nghiệp gì mà dạy con giỏi thế? Cô bạn chậm rãi: Cha là phóng viên làm việc chẳng có giờ giấc gì hết, gia đình con cái “khoán” cho mẹ cháu. Có lần, mẹ nó nói “Lớn lên con làm gì thì làm đừng làm phóng viên báo chí, kẻo con gái mà như cha con là chồng nó thay gấp đấy!”. Được cái cha mẹ chúng dạy con kiểu người “tung” kẻ “hứng” ngay từ lúc còn bé thơ. Dạy chúng tự lập từ lúc biết đi, biết tiết kiệm từng giọt nước, biết ngăn nắp, gọn gàng, giờ nào việc nấy. Mẹ dịu dàng, cha nghiêm khắc, dạy con điều hay lẽ phải bao giờ họ cũng là người làm mẫu trước. Dù bận công việc nhưng ở bên con thì cha con như người bạn là chỗ dựa tinh thần cho con trong chuyện học hành, chuyện trường lớp bạn bè. Mẹ các cháu ngoài công việc cơ quan thời giờ còn lại dành chăm sóc, dạy dỗ con cái. Cô ấy tâm sự: Chị thấy không, nhiều cặp vợ chồng tốn cả trăm triệu đồng nhờ y học hiện đại can thiệp nhưng không có được đứa con, mà ông bà ta xưa dạy “con cái là của trời cho”- “hồng phúc” đấy, phải nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng lên người. Đứa con út của cô năm nay học lớp hai, tổng kết học kỳ một vừa qua được xếp trò ngoan, học giỏi nhất lớp. Thật là chị nào em nấy!

Từ hai câu chuyện trên có thể nhận thấy “con khôn hơn cha” thời hiện đại khác xưa rất nhiều. Có lẽ kinh tế thị trường đã tạo nên sắc thái khác nhau đối với các câu tục ngữ, thành ngữ xưa nhưng theo tôi “Con hơn cha là nhà có phúc” vẫn đúng trong mọi thời đại, có lẽ đó chính là bản sắc văn hoá gia đình Việt. Thay cho lời kết, xin dẫn câu nói của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội được đăng tải trên VietNamnet: “Con hơn cha là nhà có phúc. Tôi tin rằng dân tộc ta có phúc. Con cháu chúng ta sẽ có những người hơn chúng ta. Chính lớp trẻ sẽ là tuyến đầu trong nền kinh tế mới.” Vâng, “con hơn cha” không chỉ là hồng phúc của mỗi gia đình mà còn là hồng phúc của dân tộc Việt Nam ta.