Vấn đề hôm nay:

Mô hình hay nhưng sao “khó” nhân rộng!

(NTO) Những năm gần đây sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng bằng ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Có thể nói đây cũng là yêu cầu quan trọng để giảm chi phí “đầu vào” nhưng tăng giá trị “đầu ra” sản phẩm để đạt lợi nhuận “tối ưu”. Điều cũng cần nói là khi sản phẩm có “hàm lượng” khoa học-công nghệ cao thì không những dễ tiêu thụ mà giá cả cũng tăng hơn so với sản phẩm cùng loại.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” được xem là rất hiệu quả và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nếu áp dụng mô hình này, đầu tiên là tiết kiệm được từ 50-100 kg giống/ha, kế đến là giảm từ 2-3 lần phun thuốc trừ sâu/vụ... Về năng suất, bình quân đạt từ 67-75 tạ/ha, cao hơn từ 500 đến 800 kg/ha. Riêng vụ đông-xuân-vụ sản xuất chính trong năm - năng suất bình quân đạt đến 85 tạ/ha, cá biệt một số diện tích đạt đến 100 tạ/ha.

Nông dân xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước) canh tác lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt năng suất cao.
Ảnh: Sơn Ngọc
 

Như vậy, “lợi thế” so sánh đã rõ và được tính bằng con số cụ thể: Qua “cân đối” đầu vào, đầu ra thì thu nhập tăng thêm từ 6 đến 7,5 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống. Điều cũng đáng ghi nhận là đến nay toàn tỉnh đã có trên 4.488 ha áp dụng mô hình này, tăng gấp nhiều lần so với 10 ha “trình diễn” ban đầu cách đây vài năm. Có địa phương còn áp dụng mô hình nói trên để hình thành “vùng nguyên liệu sản xuất gạo sạch” để cung cấp cho một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, đem lại hiệu quả đáng kể cho nhiều nông hộ, nhất là ổn định được đầu ra cộng với giá cao hơn so với lúa thường...

Hiệu quả rõ ràng là có thật, thế nhưng điều “khó hiểu” là việc nhân rộng diện tích chưa mạnh, chỉ mới gần 4.500 ha. Và nếu so với tổng diện tích từ 42-43 ngàn ha lúa /năm trong toàn tỉnh thì con số này quả là còn khá khiêm tốn, vì sao?. Qua tìm hiểu, có mấy lý do như sau: Một là, diện tích đất sản xuất của từng hộ thấp nên dẫn đến sản xuất manh mún, không tính được hiệu quả. Hai là, thiếu sự liên kết trên cánh đồng bằng tổ chức của tổ, đội hay hợp tác xã nông nghiệp nên không sản xuất tập trung theo định hướng, “mạnh ai nấy làm”. Tình trạng sản xuất “tự do” dẫn đến không đồng nhất về giống, thủy nông nội đồng, chăm sóc... dẫn đến khó thực hiện mô hình nói trên. Ba là, nhiều nông hộ còn khá “bảo thủ”, quen với sản xuất cũ nên không muốn thay đổi.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mô hình nói trên nhanh chóng nhân rộng theo “cấp số nhân”. Qua tham khảo thực tế, theo chúng tôi giải pháp cần nhất là thực hiện tốt việc “dồn điền, đổi thửa” để tạo nên cánh đồng lớn, vừa đưa cơ giới vào sản xuất thuận tiện, vừa tái thiết lại đồng ruộng gắn với áp dụng kỹ thuật mới. Mặt khác cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nông hộ về các mô hình sản xuất mới, cả thay đổi tập quán sản xuất hướng đến sản xuất “sạch” gắn với bảo vệ môi trường, kèm theo đó là có các “cánh đồng mẫu” cụ thể để nông hộ tham khảo, học tập làm theo…