Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch lở mồm long móng

(NTO) Trước tình hình dịch lở mồm long móng (LMLM) lan rộng, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Khắc Trí, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Đồng chí Trương Khắc Trí
Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tình hình dịch LMLM ở các tỉnh hiện nay, khả năng lây lan đến tỉnh ta?

Đồng chí Trương Khắc Trí: Từ đầu tháng 11 đến nay, dịch LMLM trên trâu, bò liên tục xuất hiện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Đắk Nông với tổng số gia súc mắc bệnh là 572 con. Ở tỉnh ta, đầu năm 2014, dịch LMLM đã xảy ra trên đàn trâu, bò của các xã: Phước Tân, Phước Chính, Phước Hòa và Phước Tiến (Bác Ái). Nhờ cơ quan chức năng, các địa phương làm tốt công tác giám sát, khoanh vùng, cách ly, khống chế lây lan, nên từ đó đến nay dịch LMLM không tái phát. Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, nhiệt độ xuống thấp làm giảm sức đề kháng của gia súc; giao thương, buôn bán thực phẩm trong dịp lễ, tết tăng cao, hơn nữa tỉnh ta là ổ dịch cũ nên nguy cơ tái phát là có thể.

Phóng viên: Vậy Chi cục đã có biện pháp nào để phòng, chống dịch?

Đồng chí Trương Khắc Trí: Để ngăn chặn dịch LMLM, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm. Về phía đơn vị đã phối hợp với các huyện tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình dịch. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người chăn nuôi áp dụng quy trình theo hướng an toàn sinh học, các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Trường hợp phát hiện trâu, bò mắc bệnh, tổ chức khoanh vùng, dập dịch ngay, không để lây lan ra diện rộng. Triển khai tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, tổ chức thực hiện tháng “Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” đợt 3. Kiểm soát hoạt động của các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp giống gia súc, gia cầm cho hộ nghèo. Bố trí cán bộ trực 24/24 tại các trạm, chốt kiểm dịch trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc không đúng quy định.

Phóng viên: Đồng chí có khuyến cáo gì với hộ chăn nuôi trong tỉnh?

Đồng chí Trương Khắc Trí: Bà con cần áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bổ sung thêm thức ăn để tăng cường sức khỏe, thể trạng, nâng sức đề kháng và giữ ấm cho đàn gia súc. Thực hiện thường xuyên công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế nguy cơ bùng phát, làm lây lan mầm bệnh. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh, chết, phải báo ngay cho cơ quan chức năng để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!