Liên Hợp quốc: Xây dựng khung pháp lý mới về tái cơ cấu nợ quốc gia

Ngày 29-12, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua kế hoạch xây dựng một khung pháp lý mới về tái cơ cấu nợ quốc gia. Động thái này nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có Argentina, quốc gia trong thời gian qua đã vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình thanh toán nợ trái phiếu do sự can thiệp của một số quỹ đầu cơ nước ngoài.

Kế hoạch trên do các nước đang phát triển đề xuất và được Argentina ủng hộ mạnh mẽ. Văn kiện này đã nhận được 119 phiếu ủng hộ, 15 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Mỹ, Anh, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Canada... bỏ phiếu chống.

Theo kế hoạch này, ĐHĐ sẽ thành lập một ủy ban cho phép tất cả các nước thành viên tham gia đàm phán về khung pháp lý mới. Bên cạnh đó, một số cơ quan trực thuộc LHQ, các thể chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng được mời tham gia quá trình xây dựng khung pháp lý này.

Đại sứ Argentina tại LHQ Maria Cristina Perceval (Ma-ri-a Cri-xti-na Pếch-xê-van) khẳng định nghị quyết của ĐHĐ LHQ không chỉ dành riêng cho Argentina, mà cả các nước phát triển và đang phát triển đang phải đối mặt với vấn đề nợ công. Đại sứ Perceval nhấn mạnh kế hoạch phát triển khung pháp lý về nợ quốc gia còn nhằm giúp các quốc gia tránh được các quỹ "kền kền". Đây là những công ty tài chính luôn tìm cách kiếm lời từ việc mua trái phiếu của các nước gặp kinh tế khó khăn tại thị trường với giá rẻ mạt so với giá trị thực, sau đó từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và thông qua kiện tụng tại tòa đòi được thanh toán trái phiếu theo đúng mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt.

Nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh này được coi là ví dụ điển hình cho quá trình tái cơ cấu nợ. Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, vụ vỡ nợ bị coi là lớn nhất thế giới, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Những người chủ của 92,4% số trái phiếu đồng ý đáo nợ và nhận không đầy đủ giá trị thực của trái phiếu. Trong số các chủ của 7,6% số trái phiếu còn lại, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina tại tòa án ở New York và thắng kiện đòi Buenos Aires thanh toán trái phiếu nợ theo giá trị trên trái phiếu, cùng tiền lãi và tiền phạt, tổng cộng khoảng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Argentina từ chối thực hiện phán quyết của tòa án Mỹ vì nếu chấp nhận và thực hiện trước ngày 1-1-2015 sẽ bị các chủ nợ đã tham gia các đợt tái cơ cấu nợ kiện để cũng được thanh toán trái phiếu theo mệnh giá. Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả một số tiền khổng lồ, ước tính có thể lên tới 250 tỷ USD.

Theo TTXVN