Bác Hồ với việc phòng, chống tham nhũng

(NTO) Bác Hồ đã từng nói: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái" và chính Người là biểu tượng, là tinh hoa của lòng bao dung, nhân ái Việt Nam. Điều đó thể hiện qua nhiều câu chuyện kể về tấm gương đạo đức trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Trong suốt hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Bác đã trăn trở, suy nghĩ về việc xây dựng một nhà nước dân chủ nhân dân. Và Bác cũng biết rằng sẽ có một căn bệnh nan giải đồng hành cùng tổ chức và hoạt động của Bộ máy nhà nước. Đó là căn bệnh tham nhũng và chống tham nhũng là một vấn đề lớn của nhân loại.

Khi dân tộc ta mới giành được độc lập, trong điều kiện nước còn nghèo, dân còn khổ, song Bác đã xác định căn bệnh tham nhũng không sớm thì muộn sẽ xâm nhập vào Bộ máy nhà nước non trẻ của chúng ta. Về mặt nguyên tắc, tham nhũng chỉ có thể nảy sinh từ Bộ máy nhà nước, đồng hành cùng Bộ máy nhà nước, mà trước hết là từ những người có chức vụ, còn dân thì không thể tham nhũng được. Dân có thể tiếp tay cho tham nhũng, dân có thể đồng lõa với tham nhũng hoặc cố ý, hoặc không cố ý mà thôi. Do đó, Bác đã trăn trở để tìm giải pháp chống tham nhũng. Tuy Bác là người có lòng bao dung, độ lượng như trời bể nhưng khi cần phải nghiêm khắc để trừng phạt cái ác thì Bác rất kiên quyết.

Khi Quốc hội khóa I vừa được cử tri cả nước bầu ra chưa kịp họp, để tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc phòng, chống tham nhũng, thì vào ngày 26-1-1946, Bác đã viết tác phẩm Quốc lệnh. Trong tác phẩm đó có 2 phần: thưởng thì rất hậu hĩnh, phạt thì rất nghiêm khắc. Bác kiên quyết “…trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai”.

Trong tư tưởng của Bác, việc chống tham nhũng bằng luật là chưa đủ, mà phải dùng cả đạo đức nữa.

Chuyện kể lại rằng có lần Bác chủ trì một phiên họp của Chính phủ. Bác cho mời tất cả Bộ trưởng, Thứ trưởng là những quan chức cao cấp và cả Chủ tịch các địa phương đến họp. Bác rất tinh tế. Bác đến sớm và Bác bảo kê cho Bác bàn chủ trì ra phía ngoài cửa một chút, để mở cửa ra ai cũng nhìn thấy. Bác lại dặn mở sẵn cho bác hộp đựng đầy ắp bút máy để ai vào cũng hỏi ngay, vì Bác biết rất rõ tâm lý con người. Quả nhiên như Bác nghĩ, ai vào cũng chào Bác, chào Bác xong lại hỏi Bác về bút máy, mọi người đều hỏi giống nhau “Ai biếu Bác mà Bác lắm bút thế?”. Bác cười, Bác bảo không ai biếu cả, Bác mua bằng tiền lương của Bác.

Bác bảo Bác sẽ tặng cho mỗi cô, mỗi chú 1 cây bút để làm việc, đợi đông đủ Bác sẽ phát. Ai cũng chờ đợi quà của Bác, Bác đưa cho từng người một, và mọi người rất nâng niu. Đến khi mọi người nhìn thân bút ngắm nghía thì không ai nói với ai câu nào, vì Bác đã kín đáo cho khắc trên thân bút dòng chữ “Bút chống tham nhũng”. Bác là một nhà hiền triết Phương Đông, cho nên rất thâm thúy, nói ít, hiểu nhiều, chủ yếu thức tỉnh lương tâm và danh dự để đừng làm điều xấu, điều ác và phải biết tỉnh táo trước khi quá muộn.

Rõ ràng, trong hành động và việc làm của Bác trong câu chuyện kể trên đã cho chúng ta nhiều bài học quý báu và còn nguyên giá trị trong việc phòng chống tham nhũng trong đời sống xã hội ngày nay.

Đó là, trong việc phòng, chống tham nhũng nếu chỉ dùng pháp luật không thì chưa đủ, mà còn phải dùng cả đạo đức, phải thức tỉnh lương tâm trong mỗi con người. Cả hai yếu tố đó phải kết hợp chặt chẽ với nhau, đan xen trong nhau. Bởi vì bản chất của mỗi con người là tốt, là thiện nhưng vì trong quá trình sống, làm việc tiếp xúc với xã hội, nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, lại thiếu rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên, lâu dần không giữ được bản chất tốt, tính thiện ban đầu mà tiêm nhiễm cái xấu, cùng với lòng tham mà sinh ra tham nhũng. Do vậy, cây bút của Bác sẽ luôn nhắc nhở cho mỗi cán bộ, thức tỉnh bản tính thiện trong mỗi con người, để luôn giữ được cái thiện, cái tốt trong mỗi cán bộ mà phục vụ cho đất nước, phục vụ nhân dân,

Thứ hai là cần lấy phòng làm chính và quan trọng hơn là phải khơi dậy cho được tính tự giác, lòng tự trọng trong bản thân của mỗi con người. Mà trước hết, trong việc phòng, chống tham nhũng cần chú trọng việc tự phòng chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ lãnh đạo càng cao, tránh nhiệm công vụ càng lớn thì càng có nhiều khả năng, nhiều cơ hội và nguy cơ tham nhũng. Do vậy thì họ càng cần phải biết xây dựng hệ thống “miễn dịch” để tự vệ, để tự phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, trong việc phòng, chống tham nhũng cần chú trọng việc nêu gương, phát huy và nhân rộng gương điển hình để mọi người học tập noi theo và cùng chung tay trong việc phòng, chống tham nhũng. Và cũng chính đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chức, có quyền và có tránh nhiệm càng cao thì càng cần phải làm gương trước cho mọi người nói theo, đúng như quan điểm của Đảng về trách nhiệm nêu gương ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Như vậy có thể thấy căn bệnh tham nhũng tất sẽ nảy sinh trong xã hội có nhà nước và thực tế căn bệnh này đã và đang là vấn nạn trong xã hội ta ngày nay. Việc phòng chống tham nhũng hiện nay không phải chỉ là công việc của mỗi cá nhân ai, của mỗi tổ chức, cá nhân nào mà là công việc chung của tất cả chúng ta, của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức trong cả hệ thống chính trị. Do vậy, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần lời dạy, hành động và phương châm phòng, chống tham nhũng theo gương Bác từ câu chuyên kể trên để từ rèn luyện, tự phòng chống và chung tay trong công tác phòng, chống tham nhũng trong điều kiện hiện nay.