Chiến thắng Hóc Ron - Thắng lợi của sự vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật chống càn

(NTO) Đầu năm 1952, để cứu vãn tình hình suy sụp của quân đội viễn chinh Pháp, trong các vùng tạm chiếm ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, địch liên tục đánh phá mạnh các khu căn cứ cách mạng của ta. Cuối năm 1952 và những tháng đầu năm 1953 nhiều trận càn quét vào các khu dân sinh, khu căn cứ cách mạng đều bị thất bại. Để thử nghiệm vai trò, khả năng chiến đấu của quân chủ lực Ngụy, chúng sử dụng tiểu đoàn “Ngự lâm quân” ở Đà Lạt đưa xuống Ninh Thuận tổ chức càn quét vào khu căn cứ Hóc Ron (CK22). Tiểu đoàn “Ngự lâm quân” được biên chế đầy đủ vũ khí, trang bị, là đơn vị chính quy của quân đội Pháp tại khu vực Nam Tây Nguyên và Cực Nam Trung Bộ.

Đối với địch, căn cứ Hóc Ron là mục tiêu phải tìm cách đánh phá, nhằm bảo đảm an ninh trên hướng Bắc Phan Rang – Tháp Chàm, cũng như đối với các trục Quốc lộ 1 và 11; mặt khác, nhằm tiêu diệt một bộ phận LLVT của ta, xóa bỏ căn cứ kháng chiến cách mạng, vây bắt nhân dân ở vùng căn cứ, vùng tự do về các khu tập trung để dễ bề kiểm soát.

Về ta, Đại đội bộ binh 210 của LLVT tỉnh với quân số 60 đồng chí, được biên chế thành 2 trung đội; vũ khí tương đối đầy đủ, trong đó có 2 tổ súng máy, mỗi tổ 3 đồng chí. Quân số tuy ít nhưng chất lượng khá tốt vì đã được thử thách nhiều trong chiến đấu. Cán bộ chỉ huy từ tiểu đội đến đại đội đều có kinh nghiệm và giỏi trong cách đánh tập kích, phục kích, đánh du kích; cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đều thông thuộc địa hình khu căn cứ. Nhân dân trong căn cứ Hóc Ron chủ yếu là đồng bào Raglai, một lòng một dạ theo cách mạng, luôn ủng hộ và sát cánh cùng bộ đội ta đánh giặc.

Đơn vị 210 được giao nhiệm vụ tổ chức ngăn chặn, đánh tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận tiểu đoàn “Ngự lâm quân” địch, phá vỡ kế hoạch càn quét của chúng, bảo vệ khu dân sinh, khu căn cứ và khu vực sản xuất lương thực của ta. Lợi dụng địa hình, địa vật, bí mật bố trí lực lượng chốt chặn ở hai đầu trên trục đường vào căn cứ, kiên quyết ngăn chặn không cho địch vượt qua. Kịp thời tập trung lực lượng đánh bại khi địch co cụm hoặc rút chạy. Sử dụng lực lượng trung đội 1 bố trí từ láng Te Te đến Suối Ngang, có nhiệm vụ chặn đánh địch trên hướng Nam từ An Xuân lên; trung đội 2 bố trí tại sườn đồi phía Tây Bắc Ruộng Trên, có nhiệm vụ chặn đánh địch từ hướng sông Cho Mo tiến vào sau lưng căn cứ; bộ phận hỏa lực gồm 2 tổ súng máy, sẵn sàng chi viện trực tiếp trên mỗi hướng; Ban chỉ huy đại đội ở Tây Nam cao điểm 224, phân công hai đồng chí chính trị viên và đại đội phó ở vị trí chỉ huy thường xuyên, đồng chí đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy tác chiến hướng trung đội 1. Hiệp đồng đúng 4 giờ ngày 28-9-1953, các bộ phận vào chiếm lĩnh vị trí chiến đấu và xây dựng công sự, trận địa xong, sẵn sàng nổ súng đánh địch.

Theo đúng dự kiến của ta, khoảng 5 giờ sáng ngày 28-9-1953, trên hướng sông Cho Mo, tiểu đoàn “Ngự lâm quân” của địch tiến quân theo trục đường mòn từ hướng sông Cho Mo vào hướng Tây Ruộng Trên, lực lượng khoảng 1 tiểu đoàn thiếu; do địa hình rừng núi rậm rạp nên không phát hiện được lực lượng ta. Khi chúng lọt vào đội hình phục kích của Trung đội 2, được lệnh, đơn vị đồng loạt nổ súng bắn vào đội hình địch. Bị phục kích bất ngờ, địch rối loạn đội hình, một số tên bị ta tiêu diệt ngay từ đầu, nhưng chúng đã nhanh chóng ổn định lại lực lượng, dùng hoả lực bắn mạnh vào khu vực của ta. Thực hiện phương châm chỉ đạo, Trung đội 2 nhanh chóng phân tán nhỏ thành từng tổ, lợi dụng địa hình, địa vật bám đánh địch, làm cho chúng lúng túng đối phó, không phát triển được đội hình. Đến 17 giờ cùng ngày, do bị tổn thất, thương vong và đói khát, chúng chuyển hướng cắt đường rừng theo sườn Đông núi Rài về hướng Ruộng Dưới để tìm cách bắt liên lạc với cánh quân ở Suối Ngang.

Sau 1 ngày chiến đấu, Ban chỉ huy Đại đội tiến hành họp rút kinh nghiệm, dự kiến tình hình và bổ sung nhiệm vụ cho các đơn vị: Nếu 2 cánh quân của địch hợp điểm tại vùng Ruộng Dưới để tiến công ta và phá hoại hoa màu thì nhiệm vụ của Trung đội 2 phải quyết tâm bám đánh địch tới cùng, không cho chúng thực hiện ý đồ trên; nếu địch ở hướng sông Cho Mo rút thẳng xuống Suối Ngang để gặp cánh quân từ An Xuân lên rồi cùng rút khỏi căn cứ, thì Trung đội 1 nhanh chóng khẩn trương truy kích đánh chia cắt địch ra từng bộ phận để tiêu diệt.

Sáng ngày 29-9-1953, không theo dự đoán của ta, cánh quân của địch từ sông Cho Mo không đi xuống Suối Ngang mà lại cắt ngược lên điểm cao 424, rồi men theo sườn đồi kéo nhau về hướng Suối Thị, Đồng Mé để ra đường 11. Khoảng hơn 7 giờ, bộ phận trinh sát báo cáo phát hiện đội hình địch đang di chuyển trên sườn đồi của điểm cao 424 về hướng đường 11. Nhận được tình hình trên, đồng chí Đại đội trưởng giao nhiệm vụ cho 2 trung đội: Trung đội 1 khẩn trương tổ chức lực lượng truy kích địch, Trung đội 2 nhanh chóng cơ động qua đèo Da Bò chặn đầu, chia cắt lực lượng địch ra từng bộ phận để tiêu diệt. Trong lúc các trung đội đang chỉ huy bộ đội cơ động theo nhiệm vụ được giao, khoảng 9 giờ sáng, tổ súng máy số 1 phát hiện đội hình địch đang đi về Suối Thị đã nhanh chóng cơ động chặn đầu, bắn vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ và tổn thất khá nhiều, địch bị rối loạn đội hình, tuy nhiên sau đó chúng đã củng cố lại lực lượng và tổ chức đánh trả. Tổ súng máy của ta bị hy sinh 2 đồng chí. Cùng lúc đó, tổ súng máy số 2 vừa vận động đến tiếp tục nổ súng đánh địch. Chúng bắn trả quyết liệt, sau đó vừa bắn, vừa chạy về Suối Thị. Tổ súng máy tiếp tục cắt rừng chặn đầu địch để đánh và cứ lập đi, lập lại cách đánh này đến 13 giờ bọn địch còn lại chạy thoát. Trung đội 2 theo nhiệm vụ vận động cắt rừng, vượt qua đèo Da Bò đến Suối Thị, phát hiện địch đang đặt súng đạn, ba lô để đào giếng tìm nước uống. Đồng chí trung đội trưởng bổ sung phương án tập kích địch, sử dụng 2 trung liên và các loại vũ khí được trang bị bí mật tiếp cận, bất ngờ nổ súng tiêu diệt địch. Chúng bỏ chạy tán loạn về hướng Quốc lộ 11. Trung đội 2 tiếp tục truy kích địch gần đến đường sắt (gần làng Tân Mỹ). Sau đó đơn vị rút về lại Suối Thị giải quyết thương binh, tử sĩ và thu chiến lợi phẩm.

Kết quả trong hai ngày chiến đấu ta đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn “Ngự lâm quân” của địch, bẻ gãy hoàn toàn cuộc càn quét của địch vào Hóc Ron; diệt và làm bị thương 130 tên, thu 2 súng tiểu liên báng xếp, 8 súng trường (Garant) và nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng. Ta hy sinh 3 đồng chí.

Chiến thắng của Đại đội bộ binh 210 trong trận chống càn ở Hóc Ron ngày 28 và 29-9-1953 mang lại một ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là: Bảo vệ an toàn khu căn cứ, làm cơ sở xây dựng khu căn cứ ngày càng vững chắc; đánh bại ý đồ của địch hòng tiêu diệt phong trào cũng như cơ sở cách mạng của ta. Tạo niềm tin và tinh thần phấn khởi trong nhân dân đối với LLVT tỉnh; đồng thời, qua trận chống càn của Đại đội bộ binh 210 đã thể hiện tinh thần sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, vận dụng linh hoạt cách đánh phù hợp với địa hình, địa vật và lực lượng sẵn có, góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu, tiêu diệt địch.