Để hoạt động Khuyến công và Xúc tiến thương mại ngày càng thực chất

(NTO) Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, tỉnh ta vẫn luôn quan tâm dành một phần kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho công tác khuyến công và xúc tiến thương mại (KC&XTTM). Tuy quy mô, mức độ, hình thức đầu tư mỗi năm có khác nhau, nhưng hiệu quả mang lại rất đáng kể.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm KC&XTTM tỉnh cho biết: Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, thông qua nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương gần 500 triệu đồng, đơn vị đã thực hiện 9 đề án hỗ trợ cho các DN và địa phương. Trong đó, có 2 đề án khuyến công quốc gia, tổng kinh phí hỗ trợ 130 triệu đồng và 7 đề án khuyến công địa phương, có tổng kinh phí trên 360 triệu đồng. Qua đó, đã giúp các DN, cơ sở sản xuất nắm bắt được công nghệ mới, vượt qua thời kỳ khó khăn, ổn định sản xuất.

Khách du lịch Nga mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà.

Theo tìm hiểu chúng tôi, dù nguồn kinh phí khuyến công hằng năm hỗ trợ các cơ sở sản xuất chưa nhiều, nhưng đây là nguồn lực để động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực, tăng cường cạnh tranh cho sản phẩm. Trong năm 2014, ngoài việc đã hỗ trợ thành công các đề án như: Xây dựng 2 mô mình lò nung gốm ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước); hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm cho HTX sản xuất, kinh doanh nước mắm Cà Ná; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nước giải khát bằng mủ trôm cho DN tư nhân Vĩnh Thanh... Mới đây trên cơ sở khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của các DN, Trung tâm KC&XTTM tỉnh còn thực hiện đề án hỗ trợ cho hộ kinh doanh Nguyễn Minh Đạt tại thôn La Vang (xã Quảng Sơn, Ninh Sơn) ứng dụng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất bánh mì, từ đốt củi sang sấy điện đã góp phần nâng cao năng suất từ 50 ổ/20 phút đến nay tăng lên 240 ổ/20 phút, không những giúp DN giảm chi phí lao động mà sản phẩm còn đạt chất lượng tốt hơn.

Cùng với thành công trong chương trình hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị, công tác xúc tiến thương mại cũng được tỉnh ta hết sức quan tâm. Từ đầu năm đến nay, ngoài việc hỗ trợ cho 7 DN, cơ sở tham gia Hội chợ Triển lãm Công thương vùng kinh tế Đông Nam Bộ tổ chức tại tỉnh Bình Thuận; giới thiệu cho các cơ sở, DN tham gia hội chợ tại các tỉnh, thành phố, tỉnh ta còn triển khai hàng loạt chương trình xúc tiến thị trường thương mại nội địa như: Tổ chức các Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Ninh Phước và Ninh Hải thu hút hơn 12.000 lượt khách đến mua sắm, doanh thu bán hàng của các DN đạt khoảng 720 triệu đồng. Đặc biệt, nằm trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Nho và Vang Quốc tế Ninh Thuận năm 2014, đã thu hút hàng trăm DN tham gia. Thông qua hoạt động này đã giúp các DN tỉnh nhà có điều kiện tiếp cận, giao thương, tăng cường quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đối tác đầu tư và bán hàng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các sản phẩm rượu, vang nho và các sản phẩm từ nho.

Tuy nhiên, cân phân nhìn nhận cho thấy công tác KC&XTTM tỉnh ta vẫn phát triển chưa sâu rộng. Theo lý giải của lãnh đạo Trung tâm KC&XTTM tỉnh, nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành liên quan để triển khai từ khâu lựa chọn, xây dựng đề án cho đến triển khai đề án còn hạn chế. Việc tuyên tuyền, phổ biến để các cơ sở, địa phương chủ động tham gia vào hoạt động KC&XTTM còn chưa thường xuyên, nên chưa phát huy hết khả năng vốn có của DN...

Để công tác KC&XTTM ngày càng phát triển, theo ông Phạm Thanh Bình, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, tư vấn cho các DN, cơ sở sản xuất lựa chọn hướng đầu tư phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh việc hỗ trợ truyền nghề, khôi phục làng nghề, tổ chức tập huấn thông qua các lớp đào tạo dạy nghề, hỗ trợ cách lập dự án mới để các DN đầu tư mở rộng sản xuất và tìm kiếm thị trường. Trước mắt, từ đây đến cuối năm, Trung tâm sẽ tổ chức đoàn tham gia Hội nghị kết nối cung – cầu với TP.Hồ Chí Minh năm 2014; triển khai 2 đề án hỗ trợ ứng dụng máy chẻ nan và lột nan vào đan lát cho bà con thôn Tập Lá (xã Phước Chiến, Thuận Bắc); đề án sản xuất mẫu bao bì cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng ở thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) và phối hợp triển khai thêm 2 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại 2 huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái vào cuối tháng 11.